Kết quả đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến cho thấy, chỉ 12 địa phương đạt điểm đánh giá tốt, 42 địa phương đạt mức khá và 9 tỉnh có điểm trung bình.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trong tháng 4/2025 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025, Bộ Công an đã thông tin về kết quả đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến tính đến ngày 20/4.
Theo kết quả đánh giá này, có 12 địa phương đạt điểm đánh giá tốt gồm Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Định, Phú Yên, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, An Giang, Quảng Bình, Cần Thơ, Đồng Nai và Hà Giang. Trong khi đó, có 42 địa phương đạt điểm đánh giá khá và 9 địa phương có điểm đánh giá trung bình.
Với khối các bộ, ngành, có 5 bộ, cơ quan đạt điểm đánh giá khá gồm Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ GD&ĐT là 3 bộ có điểm đánh giá trung bình; các bộ, cơ quan còn lại đều có điểm đánh giá dưới trung bình.

Cũng theo Bộ Công an, trong tháng 4/2025, Bộ Nội vụ đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công “Thăm viếng mộ liệt sỹ” trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, các bộ, ngành đã cung cấp 56 dịch vụ trong tổng số 76 dịch vụ thuộc “Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia” được ban hành tại Quyết định 206 ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 4 vừa qua, có 12 dịch vụ công thiết yếu có tỷ lệ trực tuyến tăng, 3 dịch vụ công có tỷ lệ trực tuyến giảm so với tháng 3/2025. Trong đó, một số dịch vụ công thiết yếu có tỷ lệ trực tuyến cao, được người dân hưởng ứng có thể kể đến như thủ tục đăng ký khai sinh, đạt tỷ lệ 84,35%, tăng 0,47% so với tháng 3/2025; thủ tục đăng ký khai tử, đạt tỷ lệ 86,81%, tăng 0,95% so với tháng 3/2025…
Thời gian qua, việc triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông (gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất), đã tiếp tục được người dân hưởng ứng. Tính đến nay, đã thu nhận 774.349 hồ sơ đăng ký khai sinh, tăng hơn 80.000 hồ sơ so với tháng 3/2025; và 224.357 hồ sơ đăng ký khai tử, tăng hơn 30.000 hồ sơ so với tháng 3/2025.
Liên quan đến việc triển khai cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, theo số liệu của Bộ KH&CN – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, trong tháng 4/2025, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính đạt 50,4%, tăng 1,25% so với tháng 3/2025.
Thống kê của Bộ KH&CN cũng cho thấy, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến tháng 4/2025 đạt 50,65%; và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 39,46%, tăng gần 1% so với tháng 3/2025.
Để hỗ trợ các bộ, tỉnh có thể chủ động đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của mình, Bộ KH&CN (trước đây là Bộ TT&TT) đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống EMC.

Theo kết quả đo lường tự động của hệ thống EMC, trong 4 tháng đầu năm nay, với việc lần lượt đạt 43,63% và 41,03%, Kiên Giang cùng Hà Nam đang là 2 địa phương dẫn đầu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Phú Yên, Thanh Hóa, Sơn La, Cà Mau, Tây Ninh, Hưng Yên, Hậu Giang và Bến Tre là 8 địa phương cũng nằm trong top 10 tỉnh có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cao.
Với khối các bộ ngành, 5 bộ dẫn đầu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cao trong 4 tháng đầu năm 2025 lần lượt là Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Công an.
Đề cập đến tồn tại của công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, Bộ KH&CN cho hay, dù bộ này đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đăng ký chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2025 theo tháng để kịp thời theo dõi, đôn đốc; tuy nhiên đến đầu tháng 5/2025, mới chỉ có 50 địa phương và 7 bộ đăng ký, vẫn còn 21 cơ quan chưa đăng ký chỉ tiêu thực hiện.
Với riêng việc triển khai Đề án 06, theo Bộ Công an, hiện vẫn còn 17 thủ tục hành chính chậm tiến độ, chưa hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành sau khi sáp nhập bộ máy, vẫn chưa hoàn thành phương án hợp nhất và nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành mình.
Vân Anh / Nguồn: vietnamnet.vn