Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông Nghệ19 hãng công nghệ Mỹ đã bị Trung Quốc "cấm cửa" trước...

19 hãng công nghệ Mỹ đã bị Trung Quốc “cấm cửa” trước thương chiến

Cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen, cấm toàn bộ hoạt động sử dụng công nghệ, linh kiện của Mỹ.

Nói về lý do “cấm cửa” Huawei, Tổng thống Donald Trump cho biết ông xem Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia bởi Huawei có thể sử dụng thiết bị của họ cho mục đích gián điệp được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Đây được xem là “cú tát” vào tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới của Huawei, đồng thời kéo theo các hãng công nghệ “tẩy chay” như Google, Microsoft, ARM, Qualcomm, Intel,… Thế nhưng từ lâu chính phủ Trung Quốc đã cấm nhiều công ty công nghệ Mỹ kinh doanh tại đất nước của họ với những quy định khắt khe về kiểm duyệt nội dung trên internet, được gọi là “Great Firewall”.

Theo Business Insider, lệnh cấm ngăn cản những công ty như Facebook, Google hay Dropbox tiếp cận với hơn 800 triệu người dùng internet tại Trung Quốc. Dù cấm người dân lên Facebook nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc lại rất thích quảng cáo trên Facebook, biến Trung Quốc trở thành thị trường quảng cáo lớn thứ hai của Facebook với doanh thu ước tính đạt 5 tỷ USD trong năm 2018, chỉ sau Mỹ.

“Great Firewall” cũng không thể ngăn chặn toàn bộ người dân truy cập các website của Mỹ khi một số người đã tìm cách “vượt biên” bằng các công cụ mạng riêng ảo (VPN) mặc cho đây là hành vi bị cấm và sẽ bị phạt.

Đây là danh sách những hãng công nghệ lớn của Mỹ từng bị “cấm cửa” tại Trung Quốc theo ghi nhận của Great Fire.

1. Facebook

Mark Zuckerberg, CEO kiêm nhà sáng lập Facebook

Bao gồm cả: Instagram, WhatsApp, Messenger

Facebook bị cấm lần đầu vào tháng 7/2009 sau một cuộc bạo loạn đẫm máu nổ ra tại miền tây Trung Quốc khi nền tảng này được sử dụng để liên lạc giữa các nhóm biểu tình. Instagram bị cấm từ tháng 9/2014 sau một cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông, cuối cùng WhatsApp bị chặn từ tháng 9/2017.

2. Google

CEO Google Sundar Pichai

Bao gồm cả: YouTube, Gmail, Google Play, Google Maps, Google Drive, Hangouts, Blogger

YouTube bị chặn rồi được gỡ khá nhiều lần, vào tháng 10/2007, tháng 3/2008 sau cuộc bạo loạn ở Tây Tạng, rồi lại bị cấm từ tháng 3/2009.

Những truy vấn tìm kiếm trên Google Search liên quan đến chính trị đã bị kiểm duyệt tại Trung Quốc trước khi Google.cn (phiên bản Google tiếng Trung) bị cấm hoàn toàn vào năm 2010 sau khi những tranh cãi nổ ra. Nhiều dịch vụ khác như Gmail hay Google Maps cũng bị chặn vào tháng 11/2012 và tháng 12/2014.

Vào năm 2018, nhiều nguồn tin cho biết Google đang phát triển công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc tên là Project Dragonfly. Dự án bị Google hủy bỏ vào tháng 12 do có nhiều nhân viên và nhóm nhân quyền phản đối.

3. Twitter

Đồng sáng lập và CEO Twitter Jack Dorsey

Bao gồm cả: Periscope

Twitter bị chặn lần đầu tại Trung Quốc vào tháng 6/2009, ngay trước ngày kỷ niệm 20 năm diễn ra cuộc biểu tình đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn, nơi quân đội Trung Quốc giết hàng trăm sinh viên biểu tình vì dân chủ.

Bất chấp lệnh cấm, Twitter vẫn có khoảng 10 triệu người dùng hoạt động từ Trung Quốc do sử dụng VPN để “lách luật”.

4. Snapchat

Đồng sáng lập và CEO Snapchat, Evan Spiegel

Không rõ Snapchat bị cấm từ khi nào, nhưng công ty này có một văn phòng nhỏ tại Trung Quốc để phát triển Spectacles, chiếc kính thông minh gắn camera của Snap.

5. Reddit

Steve Huffman, đồng sáng lập và CEO Reddit

Diễn đàn thảo luận nổi tiếng bị cấm truy cập lần đầu từ tháng 8/2018, nhiều thành viên Reddit khá bất ngờ khi diễn đàn không bị cấm sớm hơn.

6. Tumblr

CEO Tumblr Jeff D’Onofrio

Tuy các bài đăng chính trị và khiêu dâm trên Tumblr bị Trung Quốc kiểm duyệt nặng nề từ trước, song nền tảng này vẫn phải chịu chung số phận với Facebook hay Google từ tháng 5/2016.

7. Pinterest

Mạng xã hội ảnh bị cấm lần đầu vào tháng 3/2017 trong thời gian Trung Quốc tổ chức kỳ họp lưỡng hội (Two Sessions).

8. Slack

Cũng không rõ Slack bị cấm tại Trung Quốc từ khi nào, nhưng việc truy cập ứng dụng nhắn tin tại đất nước này đã “không ổn định” trong nhiều năm qua, theo chia sẻ từ chính công ty.

9. Twitch

Nền tảng stream game bị cấm lần đầu vào tháng 9/2018 sau khi người dân Trung Quốc ồ ạt tải ứng dụng để xem các trận e-sports tại Á Vận hội (Asian Games) 2018.

10. Discord

Giữa năm 2018, ghi nhận cho biết ứng dụng chat phổ biến dành cho game thủ đã không thể truy cập được tại Trung Quốc.

11. Dropbox

Drew Houston, đồng sáng lập và CEO Dropbox

Dịch vụ lưu trữ Dropbox bị cấm lần đầu vào tháng 5/2010. Đến tháng 2/2014, việc truy cập được khôi phục song lại tiếp tục bị chặn vào tháng 6.

12. Quora

Website hỏi đáp Quora bị chặn lần đầu tại Trung Quốc vào tháng 8/2018.

13. Medium

Nền tảng blog đã không thể truy cập được tại Trung Quốc từ tháng 4/2016.

14. Wikipedia

Đồng sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales

Phiên bản tiếng Trung của Wikipedia đã bị chặn từ năm 2015, nhưng Trung Quốc đã chính thức chặn tất cả phiên bản ngôn ngữ khác vào tháng 5 năm nay.

15. Vimeo

Website chia sẻ video bị chặn tại Trung Quốc từ khá sớm, vào tháng 10/2009.

16. Flickr

Nền tảng chia sẻ ảnh đã bị Trung Quốc chặn vào tháng 6/2007, chỉ vài năm sau khi được Yahoo mua lại. Hiện nay dù đã được SmugMug (cũng của Mỹ) mua lại nhưng Trung Quốc cũng không có động thái gỡ chặn.

17. SoundCloud

CEO SoundCloud, Kerry Trainor

Dịch vụ chia sẻ nhạc bị chặn lần đầu vào tháng 9/2013. Kể từ đó, nó đã được gỡ rồi chặn lại nhiều lần, có lần vào tháng 5/2015.

18. DuckDuckGo

CEO và đồng sáng lập DuckDuckGo, Gabriel Weinberg

Công cụ tìm kiếm tập trung vào quyền riêng tư cũng bị chặn tại Trung Quốc từ tháng 9/2014.

19. Dailymotion

Tương tự nhiều nền tảng chia sẻ video khác, Dailymotion cũng bị chặn tại Trung Quốc dù không rõ bị chặn từ lúc nào.

Phúc Thịnh

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới