Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông Nghệ23 triệu bé gái "mất tích" trên thế giới do phá thai...

23 triệu bé gái “mất tích” trên thế giới do phá thai vì phân biệt giới tính

Sở thích muốn có con trai nhiều hơn con gái đã làm lệch tỷ lệ giới tính của thế giới nhiều hơn chúng ta tưởng.

23 triệu bé gái "biến mất" trên thế giới do phá thai có chọn lọc giới tính

Theo Science Alert, một cuộc phân tích lớn trong 5 năm đã phát hiện ra rằng từ năm 1970, phá thai do phân biệt giới tính ở hàng chục quốc gia đã dẫn đến 23 triệu bé gái “mất tích”.

Đây là những phụ nữ chưa bao giờ được sinh ra, và cho đến ngày nay, sự vắng mặt của họ để lại những tác động rõ rệt, đặc biệt là ở những khu vực như Đông Âu và Châu Á. Chỉ riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ, nghiên cứu cho thấy có lần lượt 11,9 triệu và 10,6 triệu phụ nữ không được sinh ra do tư tưởng muốn sinh con trai hơn con gái.

Số con gái còn lại không được sinh ra được phân bố ở các nước như Albania, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Montenegro, Đài Loan, Tunisia và Việt Nam.

Mặc dù không có quốc gia nào có tỷ lệ giới tính hoàn hảo, nhưng thông thường các nhà nghiên cứu thấy rằng cứ có khoảng 105 ca sinh nam thì sẽ có khoảng 100 nữ ra đời tương ứng (tỷ lệ 1,05).

Tổng hợp dữ liệu từ hơn 200 quốc gia, số quốc gia đi theo tư tưởng “trọng nam khinh nữ” quá nhiều đã khiến các nhà nghiên cứu cảm thấy choáng váng.

Trong số 88 quốc gia có tỷ lệ sinh nam cao hơn bình thường, có hàng chục nằm trong nhóm “đáng lo ngại”, khi tỷ lệ sinh con trai so với con gái cao hơn mức trung bình 1,05 ở nhiều nước.

23 triệu bé gái "biến mất" trên thế giới do phá thai có chọn lọc giới tính

Sau nhiều năm áp dụng chính sách một con gây tranh cãi, không ngạc nhiên khi Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ sinh nam cao hơn bình thường. Trong năm 2005, các tác giả nhận thấy rằng quốc gia đông dân nhất thế giới có tỷ lệ sinh nam lên tới 118 (so với 100 nữ).

Đó là một sự chênh lệch đáng kể, và bây giờ khi những đứa trẻ này đến tuổi sinh sản, việc tìm kiếm được người bạn đời là một vấn đề lớn trong xã hội. Ngày nay, ở Trung Quốc và Ấn Độ, đàn ông đông hơn 70 triệu người so với phụ nữ, điều đó gây ra bệnh cô đơn, làm méo mó thị trường lao động và gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và mại dâm.

Cho dù văn hóa, tôn giáo, kinh tế hay gia đình, những lý do đằng sau phá thai phân biệt giới tính không phải là chuyện nhỏ. Chúng không chỉ phản ánh sự lựa chọn của phụ nữ. Trong các xã hội đề cao tính gia trưởng, áp lực sinh con trai có thể phá hỏng một cuộc hôn nhân và cuộc đời một phụ nữ.

Các tác giả giải thích rằng hầu hết các xã hội có tỷ số giới tính bị bóp méo đều có sở thích lâu đời đối với việc sinh con trai. Trên thực tế, trong nhiều nền văn hóa này, địa vị và dòng họ gia đình đều do người đàn ông quyết định.

23 triệu bé gái "biến mất" trên thế giới do phá thai có chọn lọc giới tính

Đàn ông cũng nắm giữ giá trị kinh tế lớn hơn nhiều, và là những người chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của họ.

Mặt khác, phụ nữ, đôi khi được coi là một gánh nặng, chỉ là “thêm một cái miệng để nuôi”, và điều đó đặc biệt đúng ở một số quốc gia khi họ cần một món hồi môn đắt tiền để được người đàn ông cưới về làm vợ.

Để khắc phục vấn đề này, Trung Quốc đã rút lại chính sách một con của họ và cấm sử dụng máy siêu âm (vì nó tiết lộ cho cha mẹ đứa bé biết về giới tính). Ở Ấn Độ, khi cha mẹ có con gái nhưng không có con trai, chính phủ sẽ trả tiền cho việc học hành của con cái họ và trả một khoản tiền cho hồi môn của cô ấy.

Các chính sách này dường như có hiệu quả. Tuy nhiên, khắc phục những hệ quả to lớn từ hàng chục năm trước không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều.

Bạch Đằng

Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới