Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia Lai30 Tết: Cơ cực những phận đời mưu sinh

30 Tết: Cơ cực những phận đời mưu sinh

Trong không khí tất bật chiều 30 Tết, người người, nhà nhà đang nô nức đi chơi, sắm Tết để đón chào năm mới, thì trên những con đường phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vẫn còn có những phận người vất vả mưu sinh.

Trưa 30 Tết, Pleiku nắng như đổ lửa. Vậy mà ông Ngô Văn Hợi (65 tuổi, quê Hưng Yên) đầu trần ngồi vỉa hè (gần cột đèn xanh đèn đỏ đường Trần Phú nối dài) xin tiền người qua đường. Trong lúc dừng đèn đỏ, nhìn vệ đường thấy ông Hợi ngồi đó, ai cũng thương tình lấy tiền lẻ trong túi bỏ vào chiếc nón lá của ông. Đèn xanh đến, mọi người lại tiếp tục hối hả với guồng quay cuộc sống. Nhìn thấy thế, tôi bỗng thấy vui là lạ, cái cảm giác giống như mình nhận được tiền lì xì khi còn nhỏ. Có lẽ không khí tết rất đơn giản, không chỉ là được nhận lấy, cho đi mà đơn giản chỉ là sự quan tâm đến người thân và những người xung quanh mình.

Nhưng với ông Hợi thì khác. Lúc này đây, ông cần một ít tiền để giao thừa, ông về tá túc trong bến xe nhỏ, “tự thưởng” cho mình một món ngon nào đó, để gọi là đón chào năm mới. Tuy số tiền mọi người qua đường chia sẻ chỉ là những đồng tiền lẻ nhưng với người vô gia cư, bệnh tật như ông Hợi thì đó là hạnh phúc lắm rồi.

“Ngày trẻ còn sức khỏe, tôi đi làm thuê đủ mọi nơi. Nhưng cuộc sống chỉ đủ nuôi bản thân nên không dám lập gia đình. Bây giờ tuổi cao, sức yếu, sống cô độc nhiều lúc tủi thân lắm. Chiều 30 Tết ngồi vỉa hè xin tiền, nhìn dòng người hối hả về bên gia đình, nước mắt tôi cứ thế rơi. Tôi ước mình cũng có một gia đình để về nhưng điều đó khó không bao giờ thành hiện thực”-ông Hợi tâm sự.

Ông Ngô Văn Hợi ước mơ có gia đình để về ngày 30 Tết. Ảnh: Đinh Yến.

Ông Ngô Văn Hợi ước mơ có gia đình để về ngày 30 Tết. Ảnh: Đinh Yến

Ông Hợi là con út trong gia đình 4 chị em. 3 người chị ông Hợi đều ở quê. Mình ông tha hương khắp nơi. Cũng do nghèo nên 35 năm xa quê, ông chưa một lần về thăm lại gia đình. Ông cũng không bao giờ liên lạc với người thân của mình. Ông Hợi mong ước: “Giờ tuổi cao, bệnh tật, tôi chỉ muốn một lần về thăm quê, rồi có nhắm mắt cũng yên lòng nhưng vẫn chưa đủ tiền để mua vé xe”.

Tết này, cũng vẫn là một cái Tết…không có Tết với bà Phan Thị Thanh (hẻm 360 Phan Đình Phùng-TP. Pleiku). Khi thời khắc giao thừa sắp về, bà vẫn đang cặm cụi đi nhặt vỏ lon, thùng các tông để bán nhôm nhựa. Bà Thanh cho biết: 25 năm rồi, bà mưu sinh bằng nghề nhặt nhôm nhựa. Bà chưa năm nào đón giao thừa ở nhà. Đêm giao thừa, bà thường về nhà vào lúc 2 giờ sáng. Vì bà muốn lượm được nhiều thì phải lục lọi trong đống rác người ta bỏ đi. “Quen rồi nên giờ không thấy bẩn nữa, chỉ cần kiếm được nhiều nhiều bán có tiền là được”-bà Thanh chia sẻ.

Nhìn phố phường nhộn nhịp cờ hoa, trong thâm tâm bà Thanh cũng cảm thấy nhói lòng. Từ nơi nhặt rác về nhà chỉ cách vài km, nhưng ở đó, những đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn của bà nên bà phải cố gắng để lượm lặt để có tiền mua gạo. Bà Thanh nói rằng, nhìn người ta chuẩn bị sắm Tết mà bà càng thấy nhờ đến con mình và nếu năm nay nhặt được nhiều vỏ lon, bà sẽ mua ít bánh kẹo, mua cho các con mỗi người một bộ quần áo mới để cho chúng đỡ tủi thân.

Bà Phan Thị Thanh tranh thủ nhặt rác chiều 30 Tết để kiếm tiền mua gạo. Ảnh: Đinh Yến

Bà Phan Thị Thanh tranh thủ nhặt rác chiều 30 Tết để kiếm tiền mua gạo. Ảnh: Đinh Yến

Còn mẹ con bà Lê Thị Lan (quê Nghệ An) vào Pleiku mưu sinh bằng nghề bán hàng dạo. Bà Lan kể, số phận bà khổ cực lắm. Chồng mất 22 năm qua. Bà ở vậy, tảo tần nuôi ba người con khôn lớn. Hai người con gái đã đi lấy chồng. Bà Lan nặng gánh người con trai đầu bị bại não bẩm sinh. Nên con trai 33 tuổi mà mới như đứa trẻ lên 6. “Tôi lại không nghề nghiệp. Ngày còn ở quê, làm việc gì cũng phải gùi cháu đi theo. Giờ vào Pleiku đi bán dạo, ai nhìn thấy hoàn cảnh mẹ con tôi cũng thương tình mua giúp nên cũng có đủ tiền rau cháo qua ngày. Những ngày Tết, mọi người mua sắm nhiều, bán hàng được nhiều nên cũng vui”-bà Lan nói.

Trước khi chia tay mẹ con bà Lan, chúng tôi mua dùm bà ít hàng và lì xì cho mẹ con bà, con trai bà là Lê Văn Thắng nhìn thấy vậy như hiểu chuyện đã nhoẻn miệng cười. Nụ cười không tròn vành của Thắng hắt lên niềm vui sướng, cái niềm vui của lần đầu tiên trong đời được nhận tiền lì xì.

“Thắng chưa bao giờ được nhận lì xì cả. Tết tôi đâu có tiền mua bánh kẹo với quần áo mới đâu. Tết mẹ con tôi vẫn đi bán hàng dạo, không đi bán thì lấy gì nuôi nhau. Gặp người tốt bụng vừa mua hàng vừa cho thêm mẹ con tôi tiền”-bà Lan tâm sự.

Cái Tết đã về ngập tràn từ ngoài đường, ngõ xóm, nhưng những người như ông Hợi, bà Thanh, mẹ con bà Lan, vẫn miệt mài mưu sinh. Có lẽ, họ cũng đang cố gắng đi tìm cái Tết đủ đầy cho riêng mình…?

Đinh Yến

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới