Thứ Hai, 28 Tháng 4, 2025
Trang chủTin Gia LaiAn Khê “tiếp sức” giúp người dân thoát nghèo

An Khê “tiếp sức” giúp người dân thoát nghèo

Những năm qua, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án, đa dạng hóa sinh kế và huy động nguồn lực để “tiếp sức” cho hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Tín dụng chính sách “tiếp sức” hộ nghèo

Được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Thượng 3 (xã Song An) hỗ trợ làm hồ sơ, chị Đỗ Thị Xuân Kiên đã được vay vốn ưu đãi và nâng hạn mức để đầu tư phát triển kinh tế. Cuối năm 2022, gia đình chị đã ra khỏi diện hộ nghèo. Tiếp tục đồng hành, năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã cho chị Kiên vay 90 triệu đồng để trồng 2 ha keo.

Chị Kiên cho biết: Chồng chị mắc bệnh u não từ năm 2020 đến nay, các con đang trong độ tuổi ăn học nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ có vốn ưu đãi cho vay trồng rừng lãi suất thấp, thời gian cho vay dài nên chị có điều kiện để phát triển kinh tế. “Gần 2 năm nữa, rừng keo cho thu hoạch. Khi đó kinh tế gia đình tôi chắc chắn sẽ ổn định”-chị Kiên tin tưởng nói.

Còn chị Nguyễn Thị Loan (tổ 1, phường An Tân) là mẹ đơn thân nuôi 2 con. Hàng ngày, chị Loan đi phụ hồ, hái ớt, cuốc cỏ thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị có 2 sào đất nhưng thiếu vốn đầu tư nên hiệu quả sản xuất thấp. Năm 2021, chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con bò và làm chuồng trại nuôi nhốt. Chị cũng trồng thêm 2 sào cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Hiện đàn bò đã phát triển lên 4 con.

“Đàn bò là tài sản lớn và là sinh kế giúp gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo”-chị Loan khẳng định.

chi-nguyen-thi-loan-ben-phai-o-to-1-phuong-an-tan-thi-xa-an-khe-cham-soc-dan-bo-anh-ngoc-minh.jpg
Chị Nguyễn Thị Loan (bìa phải, tổ 1, phường An Tân) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: N.M

Ông Nguyễn Hữu Duy-Phó Chủ tịch UBND phường An Tân-cho hay: Phường có 3 tổ dân phố với 6 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2024, phường có 66 lượt hộ vay với tổng cộng 5,055 tỷ đồng. “Nhờ phát huy nội lực cùng các nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số hộ nghèo vươn lên, cuối năm 2024, phường có 3 hộ thoát nghèo, vượt 2 hộ so với chỉ tiêu được giao. Hiện phường còn 9 hộ nghèo”-ông Duy thông tin.

Theo bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê: Tính đến cuối tháng 3-2025, toàn thị xã có 923 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn của đơn vị với tổng dư nợ 25,713 tỷ đồng.

“Những năm tới, Phòng Giao dịch tiếp tục hướng dẫn thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ giải ngân cho người dân có nhu cầu để đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương”-bà Tiên cho biết.

Triển khai hiệu quả chương trình, chính sách

Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống, năm 2024, thị xã An Khê tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong đó, UBND thị xã đã thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Các tổ thẩm định được thành lập để rà soát, đánh giá 21 mô hình chăn nuôi bò sinh sản dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại các xã, phường. Tổng kinh phí phân bổ cho các mô hình là 2,129 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1,936 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thị xã (193 triệu đồng).

nam-2024-ban-van-dong-quy-vi-nguoi-ngheo-thi-xa-an-khe-da-ho-tro-kinh-phi-tao-dieu-kien-cho-nhieu-ho-ngheo-vuon-len-on-dinh-cuoc-song-anh-ngoc-minh.jpg
Năm 2024, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” thị xã An Khê đã hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống. Ảnh: N.M

Cùng với phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thị xã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chủ động tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Một số chính sách được địa phương triển khai như: hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh khuyết tật; cấp 741 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tú An, 1.710 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; cấp kinh phí hỗ trợ tiền điện cho 419 lượt hộ nghèo với số tiền trên 74,8 triệu đồng.

Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thị xã xuất Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 26 hộ nghèo, cận nghèo 746 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở và đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, giúp họ có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2024, thị xã còn 174 hộ nghèo, chiếm 0,98% tổng số hộ dân, giảm 52 hộ so với năm 2023.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Cương-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả, thị xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo.

NGỌC MINH / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới