Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựAn Khê-Vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa

An Khê-Vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa

An Khê là nơi hội tụ nhiều yếu tố tạo nguồn du lịch lịch sử, văn hóa và thiên nhiên hấp dẫn. Nhắc đến An Khê, người ta nhớ ngay đến vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa, xây dựng căn cứ địa vững chắc của cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII.

Lịch sử qua đi, nhưng vùng đất Tây Sơn Thượng đạo vẫn còn lưu giữ một quần thể gồm 18 di tích, thuộc 6 cụm là: Lũy An Khê, An Khê trường, Gò Chợ; Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké; Miếu Xà, Cây ké phất cờ, Cây cầy nổi trống; Sa khổng lồ, Hồ Ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền; Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu và Hòn đá Bok Nhạc. Những di tích này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Đây cũng là những bằng chứng khách quan về giai đoạn đầu tiên của nhà Tây Sơn tụ nghĩa và cũng là các điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Những hiện vật quý được phát hiện ở các di tích khai quật tại thị xã An Khê. Ảnh: Vĩnh Xuân
Những hiện vật quý được phát hiện ở các di tích khai quật tại thị xã An Khê. Ảnh: Vĩnh Xuân

Cụm di tích lũy An Khê, An Khê trường và Gò Chợ hiện nằm trên địa bàn phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Các di tích này được xây dựng và hình thành trong giai đoạn 1771-1773 và có vị trí hết sức quan trọng đối với nhà Tây Sơn. Trước năm 1977, người ta vẫn còn nhận thấy một số đoạn thành lũy, cổng ra vào thành lũy An Khê; khu vực Gò Chợ và khuôn viên An Khê trường. Quá trình đô thị hóa đã làm cho các di tích này biến dạng. Tuy nhiên, có thể khảo sát, tìm kiếm, phục nguyên một số đoạn thành lũy và vị trí Gò Chợ. Các di tích này sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về nhà Tây Sơn xây dựng thành lũy, luyện tập quân sĩ hoặc giao dịch của các thương nhân người Việt và người Thượng xưa kia.

Cụm các di tích ở phía Đông thị xã An Khê gồm: Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké là các điểm lịch sử quân sự nổi tiếng của nhà Tây Sơn. Nơi đây, có một thành lũy nhân tạo nối liền hai hòn núi Ông Bình và Ông Nhạc. Mặt lũy rộng khoảng 6 m, cao trên 10 m, chân rộng vài chục mét. Chân hai núi này là Xóm Ké-nơi tích trữ lương thảo của nhà Tây Sơn. Các di tích này kể lại câu chuyện xây dựng các khu đồn trú trên các hòn núi cao để quan sát, khống chế con đường độc đạo từ Quảng Ngãi đi lên miền thượng qua đèo An Khê và các kho lương thực dựa vào các thôn xóm và lòng dân của nghĩa quân Tây Sơn. Đây là nguồn du lịch tìm hiểu về thiên tài quân sự của nhà Tây Sơn và sinh thái kỳ thú của vùng đất chuyển tiếp từ cao nguyên đất đỏ phía Tây xuống đồng bằng biển đảo miền Trung.

Cụm các di tích Miếu Xà, Cây ké phất cờ, Cây cầy nổi trống hiện ở phía Đông thị xã An Khê. Đây là các di tích gắn liền với du lịch tâm linh, kể lại các câu chuyện thần rắn, thần cây giúp nghĩa quân Tây Sơn mạnh hơn về tinh thần, về bản lĩnh trước lúc xuất quân khởi nghĩa. Các di tích này còn gắn với các lễ hội dân gian đặc sắc, một nguồn năng của du lịch An Khê.

Cụm di tích Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu hiện nằm trên đất Kbang, còn Hòn đá Bok Nhạc trên đất Đak Pơ. Các di tích này sẽ kể lại câu chuyện nghĩa quân Tây Sơn trồng lúa, trồng rau màu trên Cánh đồng Cô Hầu; trồng cây ăn trái như vườn cam, vườn mít tạo dựng khu căn cứ địa lâu dài cho nhà Tây Sơn. Thật bất ngờ, mới đây, các nhà khảo cổ đào thám sát nhỏ ở khu vực Vườn Cam ở xã Đak Smar (nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện An Khê-Ka Nak) đã phát hiện các bếp lửa, gò đống chôn voi, gốc cam cổ thụ, nhiều di vật thời Tây Sơn như: nồi gốm, đĩa sứ, công cụ và vũ khí bằng sắt. Đây là khu vực đồn trú của các dân binh nhà Tây Sơn trong việc trồng cây lương thực, chăn nuôi ngựa, nuôi voi và các loại gia cầm, tích trữ lương thảo. Đến với cụm di tích này, chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn về cuộc sống thường nhật của nghĩa quân Tây Sơn mà còn được thưởng thức vị thơm ngon của gạo nương, vị ngọt ngào của cam, vị thơm đậm của mít và nhiều đặc sản khác trong vùng, được chính nghĩa quân Tây Sơn vun trồng từ hàng trăm năm trước.

Di tích lịch sử An Khê trường-cổ đình trên vùng đất An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc
Di tích lịch sử An Khê trường-cổ đình trên vùng đất An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cụm di tích Sa khổng lồ, Hồ Ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro) cho chúng ta biết câu chuyện về mối quan hệ Kinh-Thượng trong lịch sử nhà Tây Sơn ở buổi đầu khởi nghĩa. Rằng, ông Nhạc làm nhà, đào hồ lấy nước dùng, dựng kho tiền và biến nơi đây thành điểm giao dịch, buôn bán với người Bahnar. Nơi đây có nhiều điều lý thú, như: Những khối đá ong được đục vuông thành, sắc cạnh là các loại vật liệu kiến trúc Champa cổ. Loại này tìm thấy nhiều nhất ở nơi được gọi là nền nhà ông Nhạc. Trong đó một số viên có khắc rãnh dẫn nước hình lòng máng, để dẫn nước “thánh” từ Yoni ở trong tháp thờ ra ngoài, phổ biến trong kiến trúc tháp Champa muộn (thế kỷ XIV-XV). Nền nhà ông Nhạc là một trong 3 gò cao ở đây. Giữa các gò đất cao có một con đường được xếp đá granite từ trung tâm tháp, xuyên qua vùng trũng sang chân đồi bên kia, một nhánh đường đá khác được xếp dẫn tới một cái giếng cổ.

Giếng cổ bị vùi lấp, tình cờ người dân mới phát hiện năm 2010. Giếng hình gần tròn, xung quanh kè đá các khối đá xanh, dạng bazan, kích thước rất lớn (8 m x 0,5 m x 0,4 m). Kiến trúc và kỹ thuật xây giếng này mang đặc trưng giếng Champa cổ. Khi đào đất xây nền nhà ông Nhạc, người ta đã tìm thấy nền móng kiến trúc vuông dạng tháp cổ, mỗi cạnh dài khoảng 8 m, xây bằng đá ong. Trong lòng tháp này đã phát hiện tượng đầu rắn Naga, làm từ phiến thạch. Tượng rắn này biểu trưng cho thần Shiva-vị thần tối cao, người nắm trong tay sự hủy diệt và tái sinh, khá phổ biến trong các di tích văn hóa Champa thế kỷ XIV-XV.

Xa xưa hơn nữa, trong cụm nhà ông Nhạc là hệ thống các di tích công xưởng chế tác rìu đá-đá opal, đá bán quý, có niên đại cách đây chừng 4.000 năm, phân bố xung quanh di tích. Các công xưởng này có quy mô to lớn, số lượng di vật đồ sộ, có dấu tích về quy trình khai thác, chế tạo và hoàn thiện sản phẩm, cũng như được buôn bán, trao đổi trên một vùng rộng lớn ở các tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Đây là bằng chứng quan trọng về sự phân công lao động, về sự thống nhất trong đa dạng, bước dạo đầu cho nền văn minh sông Ba-thời đại Kim khí. Các di tích này kể lại câu chuyện hơn 4.000 năm trước, con người đến đây lập nghiệp, họ đi tìm đá opal, khai thác, chế tạo chúng và đem sản phẩm đi trao đổi.

Cổ xưa hơn nữa là hệ thống các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, có tuổi 80 vạn năm trước, minh chứng An Khê là cái nôi của nhân loại, quê hương đầu tiên của con người, thuở bình minh của lịch sử dân tộc. Vậy là, từ các chứng cứ khảo cổ học và từ nghiên cứu khảo cổ học, chúng ta có thêm nhận thức mới, nối dài thêm lịch sử vùng đất Tây Sơn Thượng đạo về thời tiền sử và mang tầm vóc quốc gia, quốc tế.

Hệ thống các di tích khảo cổ vùng An Khê là một thành tố quan trọng không tách rời khu di sản Tây Sơn Thượng đạo và khu Công viên địa chất toàn cầu Kbang-An Khê. Ba loại hình di tích này sẽ hội tụ thành một hệ thống Di sản lịch sử-văn hóa và thiên nhiên An Khê. Đây chính là tài nguyên vô giá mà tổ tiên đã để lại cho thế hệ người An Khê hôm nay cần được bảo tồn và phát huy, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững vùng đất An Khê trong giai đoạn mở cửa và hội nhập.

Tuy nhiên, trong ba loại hình di tích kể trên, thì hệ thống các di tích Tây Sơn Thượng đạo dù được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, song vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu đầy đủ, chi tiết dưới góc độ khảo cổ học. Do vậy, chúng ta chưa có cơ sở khoa học đầy đủ về thực trạng và giá trị di sản lịch sử này. Với di sản của khu Công viên địa chất toàn cầu Kbang-An Khê đã và đang được khảo sát xây dựng hồ sơ, cũng cần tính đến những giá trị lịch sử văn hóa trong nó, gắn liền với du lịch sau này.

Riêng lĩnh vực khu di tích khảo cổ Đá cũ An Khê đã và đang triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên cũng cần tiến tới xây dựng một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nhân loại ở An Khê.

Việc xây dựng trung tâm này cần gắn kết với một số di sản văn hóa, cơ sở kinh tế-xã hội hiện có ở An Khê. Đó là hệ thống di sản Công viên địa chất toàn cầu An Khê-Kbang đang triển khai; quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia; kết hợp với di tích kiến trúc đình, chùa, nhà cổ truyền thống của An Khê; gắn chặt với phát triển du lịch bền vững ở An Khê với cơ sở hạ tầng đồng bộ như: hệ thống giao thông, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ dưỡng; các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch cộng đồng dân tộc Bahnar. Gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững vùng đất An Khê, trong việc chuyển đổi canh tác thuần nông (trồng mía) sang nông nghiệp chất lượng cao, chuyển một bộ phận sang làm du lịch văn hóa. Cuối cùng cần đào tạo một đội ngũ các nhà quản lý khu trung tâm nghiên cứu bảo tồn, phát huy di sản giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với nghề.

T.S Nguyễn Khắc Sử-Th.S Bùi Tấn Sĩ

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới