Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựAnh Minh ''hữu cơ''

Anh Minh ''hữu cơ''

Từ đam mê sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Trần Công Minh (ngụ tỉnh Bình Dương) đã đầu tư hàng loạt vườn cây hữu cơ rồi chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu làm nông nghiệp sạch mà chưa biết cách làm. Tính đến nay, anh Minh đã chuyển nhượng được 3 vườn với tổng diện tích hơn 10ha.

Anh Minh ''hữu cơ'' Ảnh 1

Anh Trần Công Minh bên vườn bưởi sắp tái đầu tư hữu cơ

Hiện tại, anh Minh đang làm vườn mít hữu cơ đầu tiên rộng 14ha tại xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu. Anh dự định sẽ chuyển nhượng vườn này trong 1-2 năm tới và tái đầu tư vườn xoài hơn 10ha gần đó.

* Từ nghề tay trái trở thành niềm đam mê

Nghề chính của anh Minh là kỹ sư xây dựng. Gần 15 năm gắn bó với công việc này, anh quyết định làm thêm nông nghiệp vì đam mê thực phẩm sạch.

Cách đây 5 năm, khi các khái niệm: “thực phẩm sạch”, “sản phẩm VietGAP”, “nông sản hữu cơ” còn khá mới mẻ, anh Minh quyết định dành toàn bộ số tiền tích cóp được mua hơn 3ha đất tại tỉnh Bình Dương trồng rau theo mô hình nông nghiệp của các nước tiên tiến. Thời điểm bắt đầu, nhiều người nói rằng thay vì đầu tư vào nông nghiệp anh đem tiền gửi ngân hàng có lời hơn nhưng anh không nghe.

Tham quan vườn mít hữu cơ của anh Minh mới đây, ông TRẦN VĂN PHI, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, kinh doanh vườn cây hữu cơ là mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đây là cơ sở, là mô hình có thể áp dụng thí điểm hỗ trợ vốn, kỹ thuật, từ đó nhân rộng ra nhiều loại cây, con chủ lực khác của tỉnh phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Một công việc mới với một mô hình nông nghiệp hoàn toàn mới ở vùng đất trước nay chỉ có tiêu và điều khiến anh Minh gặp vô vàn khó khăn từ tìm mua hạt giống, các loại phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh cho đến đầu ra cho sản phẩm. Anh Minh nhớ lại, được 2 vụ đầu rau xanh tốt, nhưng tiêu thụ khó khăn mặc dù anh đã đi chào hàng từ chợ “cóc” đến chợ xã, lên cả chợ thị trấn. Ngoài ra, anh còn cho tiểu thương lấy rau bán trước trả tiền sau, vận chuyển hàng đến tận nơi, giá bán rau hữu cơ 100% bằng với rau không hữu cơ tiểu thương lấy mối. Sang vụ thứ 3, hàng ngàn m2 rau chết lụi do sâu rầy tấn công, bị nấm, phần còn lại bị dập lá do mưa.

Nghĩ mình không thể bỏ cuộc vì không chỉ toàn bộ vốn của gia đình sẽ mất trắng mà khoản tiền vay mượn từ anh em, bạn bè để cải tạo đất, đầu tư cho vườn rau cũng không biết đến khi nào mới trả được, anh Minh quyết định tạm gác công việc thiết kế để khôi phục vườn. Anh lên mạng tìm hiểu nhiều mô hình trồng rau ở các tỉnh có khí hậu tương đồng như: Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; tự mua phân chuồng về ủ, tự chế thuốc trừ sâu bằng các loại quả. Anh không xuống giống đại trà mà chia thành nhiều đợt để giảm rủi ro. Mất khoảng 2 năm, một người “tay ngang” như anh Minh mới định hình được tháng nào nên trồng loại rau gì; sử dụng phân bón, nước tưới như thế nào để cây rau phát triển tốt; cách thức đóng gói và giao cho tiểu thương đỡ hao hụt.

Thấy vườn rau của anh Minh xanh tốt quanh năm, nhiều người ngỏ ý muốn mua lại. Từ đây, ý tưởng kinh doanh vườn cây hữu cơ hình thành. Anh Minh cho biết, trước khi chuyển nhượng vườn rau cho một “đại gia” gần nhà, anh đã nhắm được vườn cam, quýt 4ha nằm ven sông Đồng Nai thuộc TX.Tân Uyên. Trên vườn cây hiện hữu, anh cải tạo theo hướng hữu cơ bằng cách hạn chế phân hóa học, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như treo long não, bẫy côn trùng, sử dụng vôi diệt nấm gốc nên cây phục hồi nhanh, quả sai, màu đẹp, nước nhiều và ngọt. Được khoảng 2 năm, anh chuyển nhượng vườn cam. Một vườn bưởi da xanh 6ha ở H.Dầu Tiếng cũng được anh làm tương tự.

Anh Minh ''hữu cơ'' Ảnh 2

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn mít hữu cơ của anh Minh

iện tại, vườn cây thứ 4 với diện tích 14ha nằm tại xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu đang bước vào vụ trái thứ 3. Anh Minh hồ hởi chia sẻ: “Đây là vườn mít hữu cơ tiên tiến hoàn toàn. Tôi mua đất, cải tạo đất, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình hữu cơ. Sau 12 tháng, mít đã cho trái. Quả to, gai đều, múi vàng, cơm ngọt và không bị xơ. Sản phẩm được một công ty tại TP.HCM bao tiêu đầu ra với giá hiện tại 10 ngàn đồng/kg (cao hơn giá thị trường 3 ngàn đồng/kg)”. Những người thân của anh Minh từ chỗ khuyên nhủ, can ngăn, giờ quay sang ủng hộ, thậm chí bắt tay vào làm phụ anh.

* Gắn mã QR cho từng quả mít

Theo anh Minh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Không những đem lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, mà còn bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, góp phần cải tạo đất đai. Vùng ven sông Đồng Nai sở hữu nguồn đất sạch, nước sạch, không khí trong lành, mát mẻ, hoàn toàn phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

“Hiện tại, vườn mít của tôi đang thực hiện tiêu chí “5 không”: không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng. Toàn bộ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh nhập khẩu từ Mỹ. Nước tưới cây được hút trực tiếp từ sông lên bể và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Tôi dự định sẽ chuyển nhượng lại vườn này trong vòng 1-2 năm tới và tiếp tục đầu tư vườn khác” – anh Minh chia sẻ.

Anh Minh ''hữu cơ'' Ảnh 3

Quá trình đầu tư và chuyển nhượng vườn cây hữu cơ đến nay gần 5 năm, với tổng diện tích gần 30ha, tuy nhiên anh Minh cho biết, chưa tiếp cận được vốn Nhà nước. Do vậy, anh Minh mong muốn Nhà nước hỗ trợ chính sách giúp người làm nông nghiệp sạch tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; chính quyền địa phương hỗ trợ hạ tầng phát triển nông nghiệp, kết nối đầu ra để người nông dân có sơ sở đầu tư. Bởi khi diện tích canh tác sản xuất hữu cơ mở rộng sẽ tạo thêm việc làm bền vững cho người dân, cải tạo đất đai, tạo ra nhiều nông sản có lợi thế xuất khẩu cho địa phương.

Để minh bạch thông tin với người dùng, anh Minh chủ động làm truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ Blockchain. Theo đó, mỗi quả mít đến tay người tiêu dùng sẽ có 1 mã QR, khi quét, các thông tin như: ngày trồng, thời gian ra trái, ngày thu hoạch; loại phân, thuốc và ngày sử dụng; địa chỉ, tên chủ vườn, sản lượng thu hoạch/năm hiện ra. Anh Minh cho biết, đây là việc làm khá tốn kém nhưng cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ những người làm nông nghiệp hữu cơ chân chính.

Ông PHẠM MINH LAN, Trưởng phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật cho hay, nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh chương trình sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm giảm sự tác động của phân bón và thuốc hóa học đến môi trường, đất đai, năng suất cây trồng và sức khỏe người nông dân; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Những mô hình như thế này rất cần được nhân rộng để người nông dân từng bước thay đổi tư duy, ý thức làm nông nghiệp.

Hoàng Lộc

Nguồn: Báo Đồng Nai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới