Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựAnh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày...

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất


Trước khi mất, mẹ kế của anh Xuyên đã nhắc đi nhắc lại với người nhà về việc chia phần tài sản cho đứa con thất lạc.

Người nhặt ve chai sống ở vỉa hè Sài Gòn

Anh Trần Văn Xuyên sống bằng công việc nhặt ve chai gần ga Sài Gòn đã 30 năm qua. Nhiều đứa trẻ lạc đến ga tàu cũng rơi vào cảnh bơ vơ như anh Xuyên, không có bất kỳ ai hay người nào nhận nuôi, cứ tự mình bươn chải, lớn lên như cây cỏ.

Trong những năm tháng tuổi trẻ vụng dại, Xuyên từng hút bồ đà rồi bỏ, anh tự kỷ luật bản thân không lấy gì của ai, sống lành mạnh tử tế. Anh bảo, chỉ có như vậy mới tồn tại được nơi mái hiên vỉa hè xô bồ, chật chội này.

Chàng thiếu niên Xuyên từng 2 lần được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội cho học chữ rồi học nghề, nhưng không hợp môi trường ở đây nên anh lại xin ra. Rời trung tâm, Xuyên lại về tá túc gần khu vực ga Sài Gòn. Anh sống hiền lành, không gây phiền toái tới ai.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 1.

Anh Xuyên sống lang bang ở vỉa hè Sài Gòn.

Được ở một mái hiên lớn, đủ một chỗ ngủ, chắn bằng xe ba gác, Xuyên cứ thế sống qua 30 năm nay. Anh mưu sinh bằng nghề ve chai, gom đồ sắt vụn chạy từ Quận 1 tới Quận 3, tối khuya đi lượm, ngày ngủ nghỉ ở hiên, nấu cơm bằng một bếp ga du lịch cho rẻ.

Tắm gội một ngày tốn 5 nghìn, còn 20 nghìn Xuyên để dành tiền vào quán cafe xin sạc ké điện thoại. Anh không dám quen ai, không tính được ngày mai vì anh không có chút giấy tờ tùy thân nào. Thậm chí xin việc, thuê nhà, đi xe hay đi tàu là điều không tưởng.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 2.

Anh Xuyên kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 3.

Ngày nào chăm chỉ, anh kiếm được 100-200 nghìn, đủ tiền cơm cháo.

Thương cho thân phận chàng thanh niên vô gia cư lang bạt suốt 30 năm, một người phụ nữ sống gần ga Sài Gòn đã đăng ký giúp anh lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, tìm lại gốc gác. 

Quay ngược dòng thời gian về thời điểm thất lạc, anh Xuyên chẳng còn chút ký ức nào rõ ràng. Anh không rõ mình bao tuổi, quê ở đâu, chỉ nhớ hồi nhỏ ở với mẹ kế tên Nguyễn Thị Trúc, cha là Trần Văn Duyên, có 2 em khác mẹ ở dưới.

Cha thường hay đi biển, anh Xuyên ở nhà với mẹ nhưng do ham chơi nên thường hay bị mẹ đánh. Bị đòn roi nhiều quá, anh trốn nhà bỏ đi và lạc lên chuyến xe vào tận TP.HCM. Thời điểm ấy anh nhớ mang máng là năm 1986 – 1987.

Không có một manh mối cụ thể nào về nơi anh Xuyên sinh ra và lớn lên. Anh cũng chẳng rõ quê mình ở miền Bắc hay miền Trung, chỉ biết đó là vùng có mùa lạnh, Tết đến có hoa đào, bánh chưng và thịt đông ăn. Nhà anh gần 2 con sông và núi đá xanh, nhà ngoại ở ngay bên kia sông, gia đình làm ruộng.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 4.

Anh Trần Văn Xuyên không nhớ bất kỳ điều gì về quê quán.

Nỗi day dứt của người ở lại

Ở thôn Tử Lạc, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương, anh Trần Văn Điệp vẫn mong mỏi tìm được người anh cùng cha khác mẹ suốt bao năm qua. Anh Điệp vẫn nhớ, buổi trưa hè năm 1989 là lần cuối cùng anh gặp anh trai.

“Thời gian anh ấy bỏ đi vào khoảng năm 1989, đi hẳn. Do làm bục lốp công nông nhà hàng xóm nên người ta chửi, dọa sẽ đánh chết nên anh sợ, trèo qua núi, bỏ đi từ năm đấy, mất tích đến bây giờ”, anh Điệp kể.

Còn ông Trần Văn Duyên đi làm xa, về nhà mới hay tin con đi biệt tích. Ông đau xót trách vợ – bà Trúc: “Tôi bảo giờ đi làm, bà ở nhà không trông nom, chăm bẵm nó, để nó đi mà lần nào tôi cũng đi tìm. Bà ấy mới bảo một câu: Ông sinh ra nó mà ông không dạy được nó thì ông phải đi tìm”.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 5.

Anh Trần Văn Điệp – em trai cùng cha khác mẹ của anh Xuyên

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 6.

Căn nhà nơi gia đình anh Điệp, ông Duyên ở Hải Dương

Từng ấy năm mất dấu con cũng là từng ấy khoảng thời gian hai vợ chồng ông Duyên, bà Trúc sống trong sự dằn vặt. Bà Trúc một tay chăm con, một tay quán xuyến nhà cửa. Khi ấy, kinh tế cả nhà dựa vào nghề làm bánh cuốn. 

Chiều chiều con cái giúp bà Trúc xay bột, đến 1 – 2 giờ sáng bà dậy nhóm lò, đun nước, tráng bánh đến 4 – 5 giờ sáng rồi đi bán khắp ngóc ngách ở làng. “Mẹ gánh vác gia đình từ đầu đến cuối, cả nhà dựa vào mẹ rất nhiều. Không cứ gì anh Xuyên mà tôi là con mẹ đẻ ra, cũng bị những trận đòn của mẹ”, anh Điệp nói.

Năm 2014, bà Trúc đột ngột ra đi vì bệnh tim khi chưa kịp gặp lại con trai riêng của chồng bị thất lạc. Bà vẫn nuôi hy vọng một ngày con trở về, thậm chí trước khi mất, bà dặn 2 con: “Sau này thằng Xuyên, anh chúng mày trở về, chúng mày phải giãn ra rồi trả đất cho anh ấy sống”, bà Trúc lặp đi lặp lại lời dặn ấy trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Anh ve chai thất lạc, phiêu bạt Sài Gòn 30 năm, ngày đoàn tụ được cha mẹ chia đất - Ảnh 7.

Gia đình anh Xuyên hội ngộ trong nước mắt.

Chắp vá từ những ký ức vụn vặt trong quá khứ, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã khoanh vùng và tìm về gia đình ông Trần Văn Duyên ở Kinh Môn, Hải Dương. Những địa điểm theo lời anh Xuyên kể đều trùng khớp như sông Đá Bạch, sông Kinh thầy, mỏ than Mạo khê, ga Phú Thái hay cũng chính là nơi anh Xuyên bắt chuyến xe xuôi Sài Gòn năm ấy.

Anh Trần Văn Xuyên, theo giấy khai sinh, sinh năm 1977. Năm anh rời nhà đi khoảng chừng 10 tuổi. Phiêu bạt hết gần nửa đời người, anh đoàn tụ với gia đình khi đã ngoài 40.

Ông Duyên đã nhờ chương trình hỗ trợ làm giấy tờ giúp con trai, đưa anh về Hải Dương bằng máy bay. Sau khi hoàn tất giấy tờ, ông sẽ sang tên anh trên sổ đỏ theo như đúng nguyện vọng của ông và vợ.

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly

Nguồn: ttvn.toquoc.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới