Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựAsanzo có dấu hiệu trốn thuế, lừa dối khách hàng

Asanzo có dấu hiệu trốn thuế, lừa dối khách hàng

Nhập dời các thiết bị, linh kiện điện tử; lập lờ giữa việc ghi ‘Xuất xứ Việt Nam’ thay vì ‘Made in Việt Nam’ trên sản phẩm của mình, Asanzo có dấu hiệu trốn thuế và lừa dối khách hàng.

Mấy ngày qua, người tiêu dùng bàng hoàng khi báo chí phanh phui vụ Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam (đơn vị đã được cấp chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” năm 2017) thực ra chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng, công ty nhập “nguyên con” từ Trung Quốc, không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào. Tuy nhiên, trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan “Asanzo – đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”.

Trước nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, CEO tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên, khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

CEO tập đoàn Asanzo – ông Phạm Văn Tam

Trước sự việc gây ồn ào của Asanzo, VietNamNet đã có trao đổi với luật sư Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam).

Theo luật sư Thịnh, trường hợp của Asanzo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể chúng ta tránh hàm oan nhưng không được bỏ lọt tội phạm.

“Theo thông tin báo chí phản ánh, họ có một số đơn vị doanh nghiệp nhập các thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc về. Nhưng Asanzo không nhập nguyên chiếc vì nhập nguyên chiếc sợ thuế. Theo quy định, nhập nguyên chiếc đối với hàng điện tử sẽ phải đóng 10% thuế nên họ nhập dời ra như vậy để né thuế. Số tiền né thuế này rất lớn. Đây là vi phạm về trốn thuế. Thất thoát tiền Nhà nước lớn như vậy, để cho sòng phẳng thì Cục thuế phải làm rõ việc này”, luật sư Thịnh nêu quan điểm

Cũng theo luật sư Thịnh, Asanzo còn có vi phạm thứ hai là sau khi nhập hàng về họ né kiểm tra chất lượng. Bởi, nếu nhập nguyên đai nguyên kiện sản phẩm thì buộc phải thông qua kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, nhưng họ chỉ nhập từng linh kiện, từng bộ phận thì không bị kiểm tra.

“Vì vậy, ngoài việc né thuế ra thì sản phẩm chất lượng có đáp ứng được như quảng cáo hay không? Khả năng họ né kiểm tra chất lượng là do sản phẩm không đáp ứng được”, luật sư Thịnh đặt nghi vấn.

Về nhãn mác, xuất xứ cũng như là nơi sản xuất theo luật sư Thịnh, có rất nhiều người không để ý và sẽ nhầm tưởng nó là nơi sản xuất. Xuất xứ Việt Nam thường là do Việt Nam sản xuất. Để chữ “xuất xứ Việt Nam” thì đại đa số người tiêu dùng nhìn vào đều nghĩ sản xuất tại Việt Nam chứ không thể suy diễn ra được là nó được hoàn thiện ở Việt Nam nhưng nó được sản xuất ở nơi khác.

Luật sư Thịnh cho rằng, doanh nghiệp này lập lờ để người tiêu dùng bị nhầm lẫn. “Tại sao xóa đi dấu vết “made in China”, tại sao không ghi rõ là xuất xứ tại Việt Nam, sản xuất tại Trung Quốc? còn anh ghi là xuất xứ tại Việt nam thì người ta sẽ hiểu là hàng hóa của Việt Nam”, luật sư Thịnh cho hay.

Vị luật sư khẳng định, Asanzo có dấu hiệu của tội “Lừa dối khách hàng”. Theo điều 198 BLHS quy định về tội “Lừa dối khách hàng”: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm tới 5 năm tù.

Việc làm gian dối của Asanzo theo luật sư Thịnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy nên cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ.

> Người sáng lập Phạm Văn Tam đã thoái gần hết vốn tại Tập đoàn Asanzo?

Đoàn Nga

Theo Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới