Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựBán kháng sinh không kê toa bị phạt tối đa 500.000 đồng

Bán kháng sinh không kê toa bị phạt tối đa 500.000 đồng

Hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có toa thuốc bị phạt 200.000-500.000 đồng, Bộ Y tế cho là “quá nhẹ”.

Phát động Tuần lễ Truyền thông Toàn cầu về kháng thuốc, sáng 13/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết phần lớn kháng sinh thuộc thế hệ 1 và 2 hiện nay đã không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới.

Ngành y tế đã có nhiều quy định về kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị, bán thuốc kê đơn. Hành vi bán lẻ kháng sinh mà không có toa thuốc bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Thứ trưởng Tiến cho rằng hiện mức phạt bán lẻ kháng sinh không kê toa chỉ 200.000-500.000 đồng là chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, kháng sinh đóng góp 13% (ở thành thị) và khoảng 19% (ở nông thôn) doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

“Chính sách và cam kết mạnh hơn của cấp lãnh đạo vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh mà phải vận động cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều biết cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bán kháng sinh không kê toa bị phạt tối đa 500.000 đồng
Các chuyên gia đạp xe đạp tuyên truyền về bán thuốc kháng sinh theo kê đơn. Ảnh: L.H.

Theo Thứ trưởng Tiến, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.

Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, trong giai đoạn 2017-2018, Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế triển khai đề án tại Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ. Giai đoạn hai từ năm 2018 đến 2020 mở rộng toàn quốc. Đến năm 2020,  các quầy thuốc, nhà thuốc bán kháng sinh phải 100% có đơn thuốc.

Bán kháng sinh không kê toa bị phạt tối đa 500.000 đồng
Đại diện Bộ Y tế tham gia ký cam kết phòng chống kháng thuốc. Ảnh: L.H.

Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Kết quả khảo sát cho thấy 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn kháng sinh được bán mà không có đơn. 

Hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại, một số thậm chí kháng với tất cả kháng sinh. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm như E.coli.

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 và là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Nó giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…

Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người, lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bác sĩ kê đơn không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn không đúng kháng sinh, không phù hợp với bệnh, kê đơn quá liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ lần đầu dùng kháng sinh… Dược sĩ bán thuốc khi không có đơn của bác sĩ, thậm chí chỉ định kháng sinh cho người bệnh. Người bệnh, người dân tự ý dùng kháng sinh, không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc…

Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên thế giới cho thấy 22% bệnh nhân được dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn ba ngày thay vì năm ngày.

 

Nam Phương / Vnexpress

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới