Bên cạnh cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) còn là nguồn lợi thủy sản lớn giúp cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt đang khiến nguồn thủy sản trong hồ suy giảm nghiêm trọng.
Theo thông tin từ UBND xã Ia Mơr, thời gian gần đây, tại công trình hồ thủy lợi Ia Mơr xuất hiện một số đối tượng lạ mặt đưa ghe thuyền vào tổ chức hoạt động đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ như: xung điện, chất độc, đúm, kích điện tự chế… Việc đánh bắt mang tính tận diệt trên không những khiến số lượng thủy sản giảm mạnh so với trước đây, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với người đánh bắt.
Một trong những ngư dân sống ngay gần lòng hồ, anh Siu Vân (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) bày tỏ: “Mấy năm trước, cá ở hồ thủy lợi rất nhiều, chỉ cần thả 1 tay lưới là đánh bắt được vài ký cá các loại, đủ cho cả gia đình ăn mấy ngày. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người đánh bắt quá, họ dùng nhiều loại ngư cụ như xung điện, thuốc, đúm… và tận thu mọi loại cá bất kể lớn nhỏ nên cá ngày càng ít. Cả tay lưới thả qua đêm nhưng cũng được vài con, không đủ ăn. Bây giờ, dân làng ở đây không bắt được nhiều cá ở hồ này nữa đâu. Mấy người lạ mặt đến bắt hết rồi”.
Lưới của anh Siu Vân (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) chỉ treo một góc vì hồ không còn nhiều cá để đánh bắt. Ảnh: Hoàng Hoài |
Tương tự, anh Siu Minh (làng H’Nap) cũng bức xúc khi thời gian gần đây, trên lòng hồ Ia Mơr xuất hiện nhiều người lạ sử dụng các ngư cụ đánh bắt theo kiểu tận diệt. “Cá trên hồ khoảng 2-3 năm về trước rất nhiều, dân làng chỉ cần thả 1 tay lưới là đủ ăn cho cả gia đình. Bây giờ, nhiều người trong làng không buồn đi thả lưới bắt cá trên hồ nữa vì cá không còn nhiều như trước, mỗi lần thả lưới chỉ bắt được vài ba con”.
Không chỉ làm hao hụt về sản lượng cá trong lòng hồ, việc sử dụng kích điện để đánh bắt cá đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc trên lòng hồ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND xã Ia Mơr ghi nhận có 2 trường hợp tử vong do đánh bắt cá trên lòng hồ Ia Mơr.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr, hiện các loại cá “đặc sản” trên lòng hồ như: cá lăng đuôi đỏ, cá chạch lấu, cá sơn, cá cơm, cá thác lác, cá trắng đuôi đỏ… đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, do việc đánh bắt “vô tội vạ” từ các ngư dân xóm chài.
Nguyên nhân chính là do hồ thủy lợi Ia Mơr hiện chưa được bàn giao cho bất cứ đơn vị nào quản lý và khai thác nên việc ngăn chặn tình trạng người dân đánh bắt cá theo kiểu tận diệt như hiện nay chưa triệt để.
Nắm bắt được thông tin và nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc, Ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr đã đề nghị và phối hợp cùng UBND xã Ia Mơr tổ chức, kiểm tra, rà soát con người và phương tiện đánh bắt thủy sản khu vực lòng hồ thủy lợi. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr, không làm ảnh hưởng môi trường sinh thái cũng như chủ động trong việc ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024.
Ngoài ra, để tái tạo nguồn thủy sản tại lòng hồ, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý dự án công trình thủy lợi Ia Mơr đã tiến hành thả khoảng 30 tấn cá giống các loại như: cá trắm, chép, mè, rô phi, diêu hồng… ra môi trường lòng hồ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ-cho biết: Thời gian qua, do tác động của môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm. Đặc biệt, hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý làm phá vỡ cân bằng loài tự nhiên, nhất là tình trạng sử dụng xung điện, chất độc… để khai thác thủy sản ngày càng diễn ra phức tạp.
Thời gian tới, UBND xã Ia Mơ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự ý tháo dỡ vó đèn, các lồng bè nuôi cá trong lòng hồ, trả lại mặt nước cho lòng hồ, nghiêm cấm sử dụng kích điện để đánh bắt cá. Đồng thời, có biện pháp cưỡng chế đối với những cá nhân chống đối, không tự ý tháo dỡ để hoàn trả mặt nước cho công trình.
Ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr thả 30 tấn cá giống ra hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: ĐVCC |
Công trình hồ thủy lợi Ia Mơr hoàn thành thi công vào năm 2019 với diện tích mặt nước ước tính hơn 2,8 nghìn ha và sức chứa hơn 177,8 triệu m3 dung tích toàn bộ nước. Hồ thủy lợi không chỉ cung cấp nguồn nước để người dân Ia Mơr sản xuất nông nghiệp mà còn cung cấp nguồn thủy sản giúp cải thiện đời sống của người dân. Do đó, việc quản lý, khai thác có hiệu quả đại công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của xã vùng biên Ia Mơ.
BÍCH NGỌC-HOÀNG HOÀI
Nguồn: Báo Gia Lai