Thứ Bảy, 10 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiBảo tồn cồng chiêng: "Lấy ngắn nuôi dài"

Bảo tồn cồng chiêng: “Lấy ngắn nuôi dài”

Sự dùng dằng giữa bảo tồn và phát triển là mâu thuẫn cơ bản trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng. Nên bảo tồn theo lối nguyên bản hay “lựa thế” theo sự phát triển chung của xã hội là câu hỏi đang được thực tiễn cuộc sống và chính các chủ nhân của di sản cồng chiêng trả lời. Và, “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách đưa cồng chiêng ra khỏi phạm vi làng tham gia làm dịch vụ, phát triển du lịch là một trong những lựa chọn để từ đó nuôi lớn tình yêu với văn hóa truyền thống.

1.Trước kia, tại Pleiku chỉ lác đác vài quán ẩm thực Tây Nguyên nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, số lượng các quán cũng tăng lên nhanh chóng. Đi kèm với ẩm thực là dịch vụ cồng chiêng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách về trải nghiệm văn hóa bản địa. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu ấy, cách đây khoảng 5 năm, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) tập hợp nghệ nhân cồng chiêng từ các làng trên địa bàn thành phố lại thành đội chiêng 10-15 người. Chỉ cần một cú điện thoại từ các quán Nghệ nhân Ksor HNao (làng Kép, phường Đống Đa), TNưng (xã Biển Hồ), Bazan (phường Thắng Lợi)…, anh và các thành viên trong đội chiêng sẵn sàng có mặt, khởi lên một không gian trầm bổng, rộn rã của cồng chiêng. Cách đây nh­­iều năm, đội chiêng của anh còn nhận lời biểu diễn tại đám cưới ở một nhà hàng khiến toàn thể khách mời một phen bất ngờ, thích thú. Đó là cái nhanh nhạy và thức thời của người biết sống dựa vào di sản, cũng từ đó quảng bá cho di sản.

Anh Rơ Chăm Tih cho hay, thu nhập từ việc “chạy sô” ở các quán đã giúp các thành viên trong đội có thêm khoản thu nhập kha khá ngoài những công việc thường nhật, bởi không chỉ “đắt sô” dịp cuối tuần mà các ngày còn lại đội chiêng cũng thường xuyên có “lịch” biểu diễn. Bận rộn là vậy nhưng hàng tuần anh vẫn dành thời gian tập luyện cho đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của làng Jút 1. Được “nhạc trưởng” tài hoa Rơ Chăm Tih dìu dắt, 15 thành viên trong đội đều biết chơi cồng chiêng và các loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Jrai để tham gia các lễ hội của làng.

 Trình diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Trình diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC

2. Gặp nghệ nhân Đinh Plih (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) không dễ bởi hiện anh đang cùng 10 nghệ nhân khác của làng ra sinh sống tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu Du lịch Đồng Mô, huyện Sơn Tây, Hà Nội). Nhiệm vụ của anh và nhóm nghệ nhân là giới thiệu, quảng bá về văn hóa của dân tộc Bahnar thông qua các hoạt động như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát, biểu diễn cồng chiêng… Cộng tiền bán các sản phẩm thủ công cho khách du lịch và mức “lương” hiện có, thu nhập của mỗi nghệ nhân khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ hết các chi phí. Có thể nói, đây là cách “xuất khẩu” văn hóa rất hay để làm du lịch; các nghệ nhân, trong đó có 3 nghệ nhân cồng chiêng cũng “có thu nhập rất cơ bản” như cách nói của Plih.

Trong ngành văn hóa tỉnh nhà, nghệ nhân Đinh Plih là gương mặt hết sức quen thuộc bởi những tâm huyết của anh đối với bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc. Từ năm 2012 đến nay, anh chính là người đã đứng ra thành lập 3 đội cồng chiêng của làng Leng, gồm đội chiêng “nhí”, đội chiêng nữ và một đội nữa của những người trung niên tham gia làm du lịch, biểu diễn tại Làng kháng chiến Stơr hoặc ngay tại làng khi có khách đến thăm, tìm hiểu văn hóa bản địa. Trò chuyện với nghệ nhân này, chúng tôi càng bất ngờ khi nghe những tính toán rất hợp lý của anh: 2/3 thu nhập từ việc biểu diễn chia đều cho các thành viên trong đội chiêng, phần còn lại làm quỹ chung để đầu tư trang phục, đạo cụ cho các đội, chưa kể việc mua bộ cồng chiêng và trống với giá gần cả trăm triệu đồng. Đáng chú ý là cũng từ nguồn quỹ này, các đội chiêng đã thống nhất mua bò sinh sản tặng hơn 20 hộ nghèo trong làng nuôi rẽ. Và tình yêu với cồng chiêng đã được gìn giữ theo cách đó trong lòng mỗi người dân làng Leng.

3. Từng có nhiều ý kiến phản đối việc sân khấu hóa cồng chiêng, tách rời cồng chiêng khỏi không gian diễn xướng từ bao đời nay. Quan điểm này có cái lý riêng, bởi không gian của làng buôn với nhà rông, nhà sàn, bến nước… cùng những lễ hội chính là những yếu tố đảm bảo hồn cốt cồng chiêng. Chính không gian ấy (chứ không phải riêng cồng chiêng) đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Nhưng cũng từ thực tế, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên rằng: Không thể vặn ngược kim đồng hồ! Nghĩa là không thể đi ngược lại với nhu cầu phát triển tất yếu của đời sống. Gìn giữ và phát huy giá trị di sản sẽ chỉ là khẩu hiệu, là nói suông nếu không gắn liền với thực tiễn, với lợi ích thiết thân, với nhu cầu đảm bảo cuộc sống của chủ nhân di sản. Sự nhanh nhạy bứt lên, bảo tồn cồng chiêng theo cách của Rơ Chăm Tih, Đinh Plih và nhiều nghệ nhân khác trên địa bàn tỉnh đã khẳng định một điều rằng: Không thể chỉ đóng khung cồng chiêng trong phạm vi buôn làng.

GS-TS. Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc châu Á: “Cần đào tạo thêm nhiều nhóm cồng chiêng “nhí” và cồng chiêng nữ để thu hút giới trẻ trong việc thực hành cách đánh cồng chiêng theo đúng kỹ thuật cổ truyền dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, hết lòng đem sự hiểu biết của mình truyền lại cho hậu sinh. Ngoài ra, điều tôi mong muốn là trong sự góp mặt của cồng chiêng vào lĩnh vực du lịch, các nghệ nhân nên ý thức về y phục của từng sắc tộc chứ không nên biến đổi theo thị hiếu quần chúng”.

Còn nhớ, tại Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Pleiku năm 2009, PGS-TS. Ngô Văn Doanh từng rất trăn trở: Với sự đổi thay to lớn và mạnh mẽ của đời sống văn hóa-xã hội, cồng chiêng không thể không bị mất dần không gian sống của mình, bị “vỡ” ra và biến thái đi. Vậy phải làm thế nào để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục sống trong đời sống hiện đại của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên? Và ông đề ra giải pháp như sau: “Cần tổ chức, chọn ra và xây dựng những đội cồng chiêng “chuyên nghiệp” hay “bán chuyên nghiệp” của các dân tộc, của từng đơn vị hành chính. Tất nhiên, khi đã thành chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp rồi thì các đội cồng chiêng này phải dần dần tự sống và tự hoạt động”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Doanh cũng giải đáp thêm câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra: Tại sao lại lập ra các đội cồng chiêng chuyên nghiệp, trong khi đó di sản mà chúng ta phải bảo vệ là “không gian văn hóa cồng chiêng”? Ông khẳng định: “Từ những kinh nghiệm ở các dân tộc khác ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, “không gian văn hóa” chắc chắn sẽ có nhiều biến đổi trong những hoàn cảnh và điều kiện mới, trong khi đó thì cồng chiêng gần như là hạt nhân không thể hoặc khó bị thay thế. Ngư­ợc lại, dù khi các không gian văn hóa cồng chiêng cụ thể (nh­ư các lễ hội, các phong tục…) có bị thu hẹp, bị loãng hay bị biến đổi cho phù hợp với môi trư­ờng sống thì chính cồng chiêng sẽ tạo ra cái hồn Tây Nguyên và duy trì cái hồn ấy trong các không gian đã bị biến đổi”.

Cũng từng tham dự và có một tham luận tại hội thảo trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất năm 2009, đến nay, nhìn lại sự phát triển của các đội cồng chiêng trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua, GS-TS. Trần Quang Hải-chuyên gia về âm nhạc châu Á cũng tán đồng việc cồng chiêng “lấy ngắn nuôi dài”. Từ Pháp, trao đổi với chúng tôi qua email, ông nhắn gửi: “Tôi rất mừng về việc bảo lưu và duy trì truyền thống cồng chiêng ở Gia Lai theo cách này, đặc biệt là của 2 sắc tộc Jrai và Bahnar-những người đã hết lòng phát huy nghệ thuật cồng chiêng, giữ gìn gia tài cồng chiêng với hơn 5.000 bộ”.
PHƯƠNG DUYÊN

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới