Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiCà phê và "gia vị" diệu kỳ

Cà phê và “gia vị” diệu kỳ

Một người sinh ra và lớn lên ở đâu đó thường không thể không có những kỷ niệm khó quên của từng giai đoạn cuộc đời gắn với nơi chốn ấy. Vậy nên, những kẻ lãng du chợt dừng chân trong quãng ngắn đâu đó giữa dòng chảy thời gian thường cảm nhận rằng, hình như tách cà phê luôn đậm đà hơn khi được nhâm nhi ngay nơi chốn của mình…

1. Có lần tôi phải hòa giải một cuộc tranh luận gay gắt giữa 2 người bạn, một ông gốc Buôn Ma Thuột, một ông sống ở Pleiku. Ông nào cũng muốn giành phần thắng về mình rằng: Cà phê quê tôi là ngon nhất!

Kỳ thực, để tìm một tách cà phê ngon xét riêng trong phạm trù ẩm thực thì chẳng có gì khó, ở bất kỳ nơi nào. Ra Hà Nội, vào Sài Gòn, nếu thích vẫn có thể tìm một ly Cappuccino từ nhà Starbucks danh giá của Mỹ hay Sols nổi tiếng của Hàn Quốc. Nhưng đôi lúc ta bỗng nhiên thèm chút hương vị đặc trưng của Ban Mê hay Pleiku mới lạ.

Ảnh internet
Ảnh internet

Tôi cũng là một người có tính cách bản vị địa phương như 2 ông bạn ấy. Cách đây không lâu, có dịp qua thăm thú xứ Cờ hoa, tôi đã chuẩn bị vài ký cà phê bột từ Pleiku, phần làm quà cho những người bạn tha hương, phần để dành giải quyết cơn thèm thứ giọt đắng này trong thời gian hàng tháng trời. Tôi không thể thưởng thức nổi cà phê bản xứ với cái ly to đùng có dung tích khoảng nửa lít chứ không ít hơn. Vào quán cà phê đặc chủng thì cũng không cải thiện được gì. Mỗi ngày tự pha, tự thưởng thức 2 cữ sáng tối tại gia, nhưng vẫn cứ có cảm giác thiếu thiếu cái gì đó. Cà phê Pleiku uống ở Mỹ vẫn không thể trọn vẹn.

Bất chợt một ngày, trên đường qua Los Angeles, tôi thấy một quán cà phê bên đường mang tên Mái Tây Hiên. Khách ngồi ngoài sân sau, sân trước đông nghịt. Không thể không vào và thật bất ngờ: cà phê pha bằng phin, lại là phin nhôm “made in Vietnam” chính hiệu. Liếc lên quầy, ngạc nhiên với vài hộp cà phê “còn chút gì để nhớ” của Pleiku, dăm lon “khơi nguồn sáng tạo” của Buôn Ma Thuột. Đến nước này thì tôi hoàn toàn có cảm giác như đang ở quê hương mình rồi, ly cà phê hôm ấy quá ngon!

2. Nơi chốn cũng là một điều kiện không thể thiếu của dân ghiền cà phê. Chẳng hạn, ở Sài Gòn, ngay đầu cái ngõ cụt 47 đường Phạm Ngọc Thạch có một quán cóc sáng chiều đông khách, dân Sài Gòn đặt tên là cà phê hẻm Trịnh vì cuối ngõ là căn nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi cũng thường đến đây ngồi nhâm nhi vào cuối tuần khi còn làm việc ở Sài Gòn. Ông Hoành-người Huế-là chủ quán, có chị gái là em dâu của ông Sơn mở bán cà phê từ khá lâu, buôn bán cũng bình thường. Sau khi ông Sơn mất thì quán bỗng rất đông khách, có lúc không đủ ghế phục vụ. Khách đến uống cà phê hẻm Trịnh đủ mọi tầng lớp, thành phần, nhưng chắc chắn cùng chung một tình cảm thương mến dành cho người nhạc sĩ tài hoa. Họ đến đó để như gần gũi hơn với ông, chiêm nghiệm đời mình, lắng đọng với từng ca từ, giai điệu trong ca khúc của ông. Thực tế là hàng ngày, người người cứ đến ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhìn chăm chăm vào bức tường rêu phía trước. Biết đâu trong cùng khoảnh khắc, họ có chung cảm giác “mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” hay “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”…

Từng giai đoạn, từng thời kỳ mà người ta gắn ly cà phê của mình với một chỗ cụ thể. Cái nơi đó được chọn tùy thuộc vào tính cách, sở thích cá nhân và có thể thay đổi theo tâm trạng nữa. Có những trường hợp sự chọn lựa khá lập dị… Tôi có ông bạn chỉ thấy ly cà phê sáng của mình ngon, đậm đà khi được ngồi đúng vị trí ở cà phê Thu Hà. Lỡ đi chậm, có người chiếm mất ghế rồi đâm ra khó chịu lắm! Ông này chỉ chịu thua khi mùa mưa tới, chủ quán đành dẹp khu vực lộ thiên. Mất chỗ, ông bạn tôi như người… thất tình.

Tôi cũng biết một đôi bạn trẻ yêu nhau nồng thắm. Họ thường có một góc bên nhau ở một quán nọ cũng tại Pleiku. Nơi ấy họ đã trao nhau những tay nắm dịu dàng, những nụ hôn vội vàng như sợ ai bắt gặp. Không may, anh người yêu mất đi sau một tai nạn giao thông thảm khốc và được gia đình đưa về chôn cất ở quê tận ngoài Bắc. Ở lại, cô gái trẻ còn gì ngoài không gian cũ, một nơi chốn ăm ắp kỷ niệm của cô và người đã khuất. Cuối tuần nào cô cũng đến quán cà phê quen. Một ly yaourt cho cô, một cà phê đen nóng cho người ấy… Khi quán đóng cửa vì một lý do bất khả kháng, cô đã khóc như mất anh lần thứ hai.

Có lẽ chỉ có cà phê mới có những gia vị phi vật chất như vậy…

NGUYỄN SƠN

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới