Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựCần có kế hoạch hành động sớm giảm thiểu rủi ro thiên...

Cần có kế hoạch hành động sớm giảm thiểu rủi ro thiên tai hạn mặn

‘Việt Nam cần khẩn trương phát triển Kế hoạch chung phòng, chống hạn mặn đa ngành cấp quốc gia. Mỗi tỉnh cần xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn mặn đa ngành và kế hoạch cho từng ngành của tỉnh, đặc biệt là các ngành về dịch vụ con người’- Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra khuyến nghị này trong bối cảnh hạn mặn đang hoành hành tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do hạn mặn. Ảnh: Bích Nguyên

Ngày 27-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định, xâm nhập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long đang tăng cao, dự báo ranh mặn 4g/lít duy trì đến ngày 27, 28-2-2020. Sau đó, từ ngày 29-2 đến 6-3-2020 xâm nhập mặn giảm theo kỳ triều xuống.

Ngày 26-2, ranh mặn tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông và sông Hậu lên rất cao. Trong đó, ranh mặn tại sông Hàm Luông lên đến 17g/l, xâm nhập sâu vào đất liền 78km; tại sông Vàm Cỏ Đông lên 8,3g/l, lấn sâu từ cửa biển vào đất liền 98km.

Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2020, tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng gần 29.700 ha đất sản xuất nông nghiệp; khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Do hiện tượng khô hạn kéo dài khiến cho lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sụp lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn, cụ thể tại tỉnh Cà Mau, đã xảy ra sạt lở tại 75 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 6.400m.

Trước tình hình hạn mặn xảy ra sớm và gay gắt, Tổng cục Phòng chống thiên tai và UNICEF đã tiến hành đánh giá nhanh về tình hình của trẻ em, phụ nữ và những người bị thiệt thòi nhất liên quan đến hạn hán và xâm nhập mặn tại hai tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh.

Những kết quả ban đầu cho thấy ngập mặn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi và có khả năng bị thiệt hại hoặc mất từ 30-70% với các diện tích trồng lúa.

Phần lớn các gia đình trong cộng đồng có nguy cơ cao không được tiếp cận với nước máy (tới 40%), và nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều kiện vệ sinh yếu kém dẫn tới nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng. Bên cạnh đó, hiểu biết về tác động và rủi ro của hạn hán và xâm nhập mặn của người dân còn thấp.

UNICEF khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần khẩn trương phát triển Kế hoạch chung phòng, chống hạn mặn đa ngành cấp quốc gia. Mỗi tỉnh cần xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn mặn đa ngành và kế hoạch cho từng ngành của tỉnh, đặc biệt là các ngành về dịch vụ con người (y tế, giáo dục – đào tạo).

Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin và truyền thông, thực hiện truyền thông thay đổi hành vi và huy động sự tham gia chung tay giải quyết các vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn.

Đồng thời, kiểm tra chất lượng nước đặc biệt là nước giếng, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước để đảm bảo mọi người tiếp cận với nước uống an toàn và tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương.

Bích Nguyên

Nguồn Báo Biên Phòng : http://bienphong.com.vn/can-co-ke-hoach-hanh-dong-som-giam-thieu-rui-ro-thien-tai-han-man/

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới