Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiCẩn trọng khi đặt tên địa danh

Cẩn trọng khi đặt tên địa danh

Thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính, ngày 10-9, HĐND tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 178/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ý nghĩa sáp nhập để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nghị quyết này đã xử lý một cách đúng đắn tên gọi liên quan đến địa danh Chư Đang Ya. Liên quan đến địa danh này, lâu nay các văn bản hành chính cũng như tài liệu nghiên cứu, báo chí lẫn lộn giữa hai cách gọi: Chư Đang Ya hay Chư Đăng Ya. Theo một số nhà nghiên cứu, Chư Đang Ya trong tiếng của đồng bào Jrai nghĩa là củ gừng dại. Trong khi đó, cụm từ Chư Đăng Ya lại không có nghĩa thực sự. Như vậy, sau khi Nghị quyết số 178/NQ-HĐND được ban hành, địa danh Chư Đang Ya đã “chính danh” với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 174/NQ-HĐND về việc chia, nhập để thành lập và đặt tên mới thôn, tổ dân phố; đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh quyết nghị chia, nhập để thành lập và đặt tên mới 46 thôn, tổ dân phố và đổi tên 3 thôn, tổ dân phố. Nhìn chung việc chia, nhập, đặt tên mới và đổi tên dựa chủ yếu vào nguyện vọng của người dân và điều kiện kinh tế-xã hội, phong tục tập quán của địa phương. Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một số tên thôn, làng, tổ dân phố cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chính cho phù hợp.

Trước hết là việc ghép tên làng. Thông thường, hễ cứ 2 làng nhập lại thì tên mới sẽ ghép 2 tên cũ lại, ở giữa có dấu ngang (-). Cách làm này dẫn đến tên làng trở nên rất dài, khó nhớ, đôi khi nghĩa của 2 từ khá “chỏi” nhau. Ví dụ như: sáp nhập làng Mơhra với làng Đáp thành làng Mơhra-Đáp; sáp nhập làng Tnùng 2 với làng Măng thành làng Tnùng-Măng; sáp nhập làng Sung O với làng Boòng Nga thành làng Sung O-Boòng… Cá biệt là trường hợp làng Păng Gol sáp nhập với thôn Phù Tiên thành làng Păng Gol-Phù Tiên (!)

Thứ hai là việc sáp nhập giữa tổ dân phố với làng dẫn đến một cái tên mới khá khó hiểu. Ví dụ như sáp nhập tổ dân phố 1 với làng Ktỏh thành tổ dân phố Plei Ktỏh. Tương tự là các trường hợp: tổ dân phố Plei Pyang, tổ dân phố Plei Hlektu, tổ dân phố Plei Nghe… Theo tiếng Jrai, từ “plei” có nghĩa là làng, buôn. Vì vậy sẽ rất khó hiểu khi đặt tên như vậy!

Theo Wikipedia, làng là một đơn vị cư trú và một hình thức tổ chức xã hội quan trọng của nông thôn Việt Nam. Với người Việt, tên làng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, nó phản ánh lịch sử hình thành, đời sống văn hóa và phong tục tập quán của một cộng đồng dân cư. Theo Hiến định, thôn/làng không được xem là cấp hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, làng đã trở thành “tế bào” tồn tại bền vững trong “cơ thể” của một quốc gia. Trong tâm khảm người Việt, làng là nơi chôn nhau cắt rốn, là tổ tiên ông bà, là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống.

Cũng giống như các dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đồng bào Jrai, Bahnar rất cẩn trọng khi đặt tên làng. Theo đó, tên làng thường gắn với một truyền thuyết, sự tích hay dòng sông, con suối, ngọn núi… Hầu hết tên làng đều mang một ý nghĩa nào đó. Vì vậy, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cần cẩn trọng khi đặt tên địa danh. Làm thế nào để tên địa danh mới phải ý nghĩa, dễ nhớ và gần gũi với đời sống của người dân địa phương.

DUY LÊ

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới