Thứ Bảy, 26 Tháng 4, 2025
Trang chủGiá Cả Thị TrườngCần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa...

Cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả

Trước tình hình sữa giả ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, ngày 23-4, Sở Y tế tỉnh Gia Lai có Công văn số 1728/SYT-QLATTP về việc rà soát việc lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.

Hoang mang trước “ma trận” sữa giả

Biết thông tin gần 600 loại sữa giả tung hoành trên thị trường trong thời gian qua, chị Từ Thị Phi Loan (205 Wừu, TP. Pleiku) hết sức lo lắng. Chị Loan cho biết: Phần lớn số sữa này dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già, người ốm. Đây là những trường hợp có sức đề kháng kém nên việc dung nạp sản phẩm sữa giả lại càng gây hại cho sức khỏe.

“Đặc biệt, những lúc đau ốm không ăn được, nhiều người chỉ uống vài ngụm sữa và tin rằng đã được bổ sung dinh dưỡng thay cho thức ăn… Thế nhưng lại không biết rằng nó khiến người uống thêm còi cọc, mất sức mà chẳng rõ lý do. Tôi cho rằng hành vi sản xuất sữa giả, thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng… cần phải xử lý thật nghiêm để làm bài học răn đe cho những kẻ có ý định tương tự”-chị Loan kiến nghị.

Còn chị Nguyễn Phương Nga (tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thì cho hay: Chị là người cẩn thận nhưng với nhiều mặt hàng thực phẩm lưu thông hiện nay trên thị trường mà ngay cả các cấp quản lý, giám sát cũng chưa thể kiểm soát hết thì người tiêu dùng không chắc mình đã tinh tường.

“Tôi không thể tưởng tượng được và cũng không muốn tin giữa cuộc sống này lại có những kẻ lừa đảo đồng bào mình bằng thủ đoạn tàn nhẫn đến vậy. Biết bao người đang trong cảnh nghèo khó, biết bao bệnh nhân trong cơn bạo bệnh đã dốc từng đồng bạc lẻ mong sức khỏe được cải thiện khi lâm bệnh.

Đây thực sự là một tội ác, tội phạm chủ đích làm giả sữa bột dành cho trẻ sinh non, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người bị tiểu đường, suy thận”-chị Nga bức xúc.

nguoi-tieu-dung-can-lua-chon-cac-san-pham-sua-tu-nha-cung-cap-lau-nam-co-uy-tin-tren-thi-truong-anh-nhu-nguyen.jpg
Người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm sữa từ nhà cung cấp lâu năm, có uy tín trên thị trường. Ảnh: N.Y

Liên quan đến các mặt hàng sữa giả, bà Nguyễn Thị Kim Ngân-Phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin: Hiện nay, sữa giả đang là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm, lo lắng. Sữa giả, sữa kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người bị bệnh mạn tính, người già.

Khi gặp phải sữa giả, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, người dùng có thể bị ngộ độc cấp như tiêu chảy, nôn ói, các phản ứng dị ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Theo bà Ngân, thành phần dinh dưỡng trong sữa giả không đủ hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, lượng chất dinh dưỡng như năng lượng protein, lipid. Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ sử dụng sữa giả trong thời gian dài sẽ có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, không đảm bảo cho sự tăng trưởng phát triển bào thai và các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, dẫn đến bị suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, các đối tượng bị bệnh nền (bệnh mạn tính) khi sử dụng phải sữa giả nguy cơ làm tăng, trầm trọng hơn bệnh lý. Ví dụ: Người bị tiểu đường nếu sử dụng sữa giả không kiểm soát được lượng đường thì nguy cơ đường huyết có thể tăng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo khảo sát ban đầu, thị trường Gia Lai gần như không tiêu thụ các loại sữa giả nói trên. Chị Nguyễn Thị Ly Ly-Chủ cửa hàng tiện lợi Family (25 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) cho biết: “Đối với mặt hàng sữa, cửa hàng chọn những nhà phân phối lớn, có uy tín, hàng hóa được chứng nhận của cấp quản lý và liên quan. Những ngày vừa qua, thông tin sữa giả khiến tình hình mua bán các loại sữa bột tại cửa hàng sụt giảm đáng kể”.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Gia Lai đã tiếp nhận thông tin phản ánh của chị C.N.A. (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho rằng mình mua phải sản phẩm sữa “có vấn đề” tại cửa hàng C.C. (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku). Chị cho hay: Ngày 14-12-2024, chị đến cửa hàng C.C. mua 2 hộp sữa (sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ 0-12 tháng, dạng thanh) với giá 455 ngàn đồng/hộp.

“Khi khui hộp sữa để pha, tôi phát hiện bất thường, bột sữa chuyển màu nâu và có mùi hôi. Hôm sau, tôi tiếp tục khui 1 hộp khác và lấy thanh sữa ra so sánh thì bằng cảm quan thấy 2 thanh sữa có màu khác nhau hoàn toàn, một màu trắng đục, một ngả sang màu nâu. Nghi ngờ sản phẩm có vấn đề, tôi lập tức phản ánh với cửa hàng và đại diện cửa hàng nói sẽ báo về công ty để giải quyết”-chị C.N.A. nói.

Cũng theo chị C.N.A, chị không đồng tình với cách tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố cùng lời đề nghị đem sản phẩm lên đổi lại của công ty. “Nếu mua phải hàng kém chất lượng là quần áo hay vật dụng gì thì vẫn đỡ lo lắng hơn vì mức độ ảnh hưởng sẽ thấp, còn đây là sữa-sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. C.C. là chuỗi cửa hàng lớn, bán sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của em bé sơ sinh.

Giả sử trong trường hợp sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng thì sẽ thế nào? Tôi đã gọi đường dây nóng phản ánh với ngành chức năng và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng”-chị C.N.A. cho hay.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có phản ánh, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh-cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn của người tiêu dùng phản ánh, Hội đã gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp dừng lô hàng, không để đưa ra thị trường, cơ quan quản lý nhà nước có các bước xử lý tiếp theo theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu làm cầu nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đứng về phía người tiêu dùng. Trong trường hợp không hòa giải được mới phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành các bước tiếp theo theo trình tự của quy định pháp luật.

nganh-chuc-nang-tang-cuong-kiem-tra-ra-soat-cac-san-pham-sua-anh-vu-thao.jpg
Trước tình hình sữa giả ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, Sở Y tế có công văn đề nghị Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các sản phẩm sữa. Ảnh: V.T

Trước tình hình sữa giả ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, ngày 23-4, Sở Y tế có Công văn số 1728/SYT-QLATTP về việc rà soát việc lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác phòng-chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm sữa bột giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây. Tập trung quản lý các sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung kinh doanh tại các đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội…

Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và ý thức trách nhiệm của các cơ sở y tế, cơ sở khám-chữa bệnh, phòng khám tư nhân… trên địa bàn trong việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục sữa giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây. Nếu phát hiện sản phẩm sữa giả thì phải kịp thời cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thu hồi sản phẩm.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I-2025 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vào ngày 21-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn-Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia-cho rằng: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo tiến hành rà soát, chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật cùng với tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bổ sung thêm chế tài xử lý vi phạm, không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và khuyến khích người dân tố giác vi phạm thông qua các kênh phản ánh minh bạch, nhanh chóng.

Đồng thời, tăng cường điều tra, truy tố và xét xử vi phạm để đảm bảo quy định pháp luật được thực thi nghiêm minh, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường.

NHƯ Ý / Nguồn: Báo Gia Lai

VŨ THẢO / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Giá vàng tăng cao, vì sao người dân không mang bán?

Sáng nay (26/4), giá vàng trong nước lại tăng trở lại lên mốc 119,5 triệu đồng/lượng vàng nhẫn và 120,5 triệu đồng/lượng vàng miếng....

Bài Viết Mới