Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiCảnh báo rủi ro khi kí gửi nông sản

Cảnh báo rủi ro khi kí gửi nông sản

Sau vụ thu hoạch các loại nông sản, như: cà phê, hồ tiêu, điều…một số người dân mang ký gửi tại kho của các đại lý, công ty, doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn. Mặc dù không có hợp đồng ràng buộc về pháp lý. Thực tế cho thấy, hình thức ký gửi này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi công ty, doanh nghiệp, đại lý, tuyên bố phá sản, người gửi mất tài sản và gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương.

Vbtt 01 Người dân tại huyện Ia Grai đang thu hoạch cà phê.
Người dân tại huyện Ia Grai đang thu hoạch cà phê.

Vụ vỡ nợ tại Công ty Hoàng Sang ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai do bà Thái Thị An (SN 1973), làm Giám đốc cách đây hơn 1 năm, nhưng hệ lụy của nó vẫn còn hiện hữu với nhiều người nông dân tại thị trấn Ia Kha. Hơn một năm cầm cự, đến thời điểm này gia đình ông Cao Văn Tĩnh, ở tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai không còn khả năng vay mượn tiền để trang trải cuộc sống và trả nợ cho ngân hàng, ông đành phải treo biển bán nhà, bán rẫy. Mùa vụ năm 2018, gia đình ông Tĩnh thu hoạch được 10 tấn cà phê nhân, trị giá gần 500 triệu đồng. Trong khi chờ thời điểm cà phê tăng giá để bán, ông mang gửi vào Công ty Hoàng Sang. Thấy giá cà phê ngày càng tăng, gia đình rất phấn khởi, niềm vui chưa kịp tày gang thì công ty tuyên bố phá sản. Ông Tĩnh cho biết: “Gia đình chỉ trông chờ vào rẫy cà phê, bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư vào rẫy, chi phí các con ăn học, ngoài ra gia đình ông còn vay mượn thêm tiền để đầu tư phân bón, nhân công…Thu hoạch xong cà phê, thấy nhiều người gửi, mình cũng yên tâm gửi, chứ chẳng nghĩ gì đến rủi ro.Nhà không có kho chứa, gia đình ở trên rẫy tối mới về nên không yên tâm, hầu như những người gửi vào đây chờ thời điểm giá cà phê lên cao thì cắt bán. Khi cần tiền đến cắt bán 2 hoặc 3 tạ cà phê thấy cũng thuận tiện. Không ngờ đến lúc rơi vào cảnh khổ sở thế này”.

Chúng tôi theo chân ông Ngô Văn Tiến tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai đến vườn cà phê trĩu quả, chín đỏ. Mặc dù năm nay vườn cà đạt năng suất cao, nhưng ông Tiến không mấy phấn khởi, vì số tiền vay mượn để đầu tư quá nhiều. Theo ông Tiến, mùa vụ cà phê năm 2018, vườn cà phê này thu được gần 7 tấn cà nhân, ông mang ký gửi hết vào Công ty Hoàng Sang. Khi công ty tuyên bố phá sản ông và nhiều người khác đứng ngồi không yên, đến nay xem như mất. Thành quả một năm lao động lam lũ bỗng chốc trắng tay. Để tái đầu tư cho vườn cà phê và trang trải cho sinh hoạt của gia đình, hầu hết, mọi người phải vay tiền từ ngân hàng và người thân.

Anh Nguyễn Văn Cường, tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nói về thiếu sót của những người kí gửi nông sản, anh Cường chia sẻ: “Tôi ký gửi 1 tấn cà phê nhân ở Công ty Hoàng Sang, khi công ty vỡ nợ chẳng thu lại được đồng nào. Trong quá trình kí gửi tôi và mọi người không quan tâm đến hợp đồng, pháp lý. Khi đến gửi nông sản, công ty tiến hành cân, sau đó in một phiếu nhập kho có chữ ký và đóng dấu của công ty. Tôi không biết phiếu này có giá trị pháp lý gì hay không, thấy mọi người đều kí gửi như vậy nên tôi tin tưởng gửi theo. Biết tin công ty phá sản, tôi thấy mình thua thiệt. Mong rằng, mọi người nên biết việc kí gửi tiềm ẩn rủi ro để tránh rơi vao hoàn cảnh như chúng tôi”.

Kho chứa nông sản của Công ty Hoàng Sang đã thế chấp vay tiền tại Ngân hàng. Vbtt 02
Kho chứa nông sản của Công ty Hoàng Sang đã thế chấp vay tiền tại Ngân hàng.

Được biết, trong 2 năm 2017 và 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 4 vụ vỡ nợ liên quan đến kí gửi nông sản, thiệt hại tài sản của nhiều người, với số tiền hàng chục tỷ đồng. Trước khi tuyên bố phá sản các công ty, doanh nghiệp, đại lý đều tẩu tán hết tài sản. Giao dịch dân sự, không có hợp đồng pháp lý nên những người nông dân kí gửi cà phê không thể khởi kiện, đành chấp nhận mất tài sản. Nói về những rủi ro trong việc kí gửi nông sản, Trung tá Phạm Chính Nghĩa-Phó trưởng Công an huyện Ia Grai cho bết: Kết thúc mùa thu hoạch nông sản, xuất phát từ một số nguyên nhân như: không có nơi bảo quản nông sản, sợ mất trộm…nhiều người nông dân mang nông sản đến gửi tại kho của doanh nghiệp thu mua. Đến một thời điểm nào đó, nông dân và chủ doanh nghiệp thỏa thuận giá cả để giao dịch mua, bán. Việc ký gửi, giao dịch này thường chỉ được thể hiện bằng giấy tờ không có giá trị pháp lý. Do vậy, khi chủ doanh nghiệp “tuyên bố vỡ nợ” thì người nông dân hoàn toàn bị động với tài sản của mình…

Cũng theo Trung tá Nghĩa: Để hạn chế tình trạng trên, ngay từ đầu mùa vụ thu hoạch nông sản, đặc biệt là mùa vụ thu hoạch cà phê năm nay, Công an huyện Ia Grai đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ Công an huyện phối hợp với các hội, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên tuyền, cảnh báo đến mọi người dân nêu cao cảnh giác, cân nhắc trước khi kí gửi nông sản vào các công ty, doanh nghiệp, đại lý. Những hộ gia đình không có khả năng phơi, bảo quản nông sản cần kí gửi phải chọn các công ty, doanh nghiệp, đại lý có tư cách pháp nhân; có hợp đồng kí gửi ràng buộc…Trong trường hợp phía công ty, doanh nghiệp, đại lý…tuyên bố phá sản người dân có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án để được pháp luật bảo vệ quyền lợi.

Hữu Trường

Theo Congan.gialai.gov.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới