Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đồng thời phối hợp với tỉnh Gia Lai và Bình Định tiến hành khảo sát đối với dự án
Điều này đồng nghĩa với việc tuyến đường kết nối cao nguyên với biển lớn đang dần hiện hữu và hứa hẹn mở ra cánh cửa phát triển mới về kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.
Cao tốc dần hiện hữu
Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Xây dựng, tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, điểm đầu tại quốc lộ 19B (thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (địa phận TP. Pleiku).
Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án được đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24 m, vận tốc thiết kế 100 km/h và có tổng mức đầu tư hơn 43.500 tỷ đồng.
Tuyến giao thông trọng điểm này dự kiến khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029. Sau khi hoàn thành, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku sẽ có 3 công trình hầm qua đèo An Khê và đèo Mang Yang với tổng chiều dài gần 5 km. Cụ thể, hầm An Khê 1 dài khoảng 1.170 m, hầm An Khê 2 dài khoảng 860 m và hầm Mang Yang dài khoảng 3.000 m.
Mặt khác, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku dự kiến xây dựng 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang. Sơ bộ diện tích đất chiếm dụng hơn 942 ha và có khoảng 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Chi phí hỗ trợ, bồi thường, tái định cư ở mức 4.715 tỷ đồng.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Định cam kết bố trí vốn tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 750 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai bố trí 500 tỷ đồng.

Để bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ Xây dựng cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án; bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước; thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao địa phương thực hiện các thủ tục chuyển đổi và giải phóng mặt bằng, chính sách về cơ cấu nguồn vốn cho dự án…
Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn khẩn trương rà soát, bổ sung các mỏ khoáng sản như đất san lấp, đá, cát để chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu đảm bảo phục vụ thi công cao tốc.
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung khẳng định: Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku thuộc hành lang Đông-Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ nói chung. Đây cũng là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, khu đô thị và cảng biển lớn. Đồng thời, kết nối với khu vực Nam Lào với Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Do vậy, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa vùng Tây Nguyên và miền biển, tạo động lực liên kết vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Gia Lai và Bình Định, đồng thời tăng cường tính kết nối quốc tế qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các trục giao thông Đông-Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung nhấn mạnh: Khi có cao tốc, các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa chế biến của vùng Tây Nguyên sẽ nhanh chóng được vận chuyển đến cảng biển Quy Nhơn, mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn với các đối tác quốc tế trong khu vực. Sự liên kết chặt chẽ này là yếu tố then chốt để khai thác tối đa tiềm năng phát triển của vùng, tạo động lực đầu tư và thu hút các nguồn lực kinh tế, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chất lượng cuộc sống cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội của toàn khu vực. Không chỉ là “mạch máu” cho vận chuyển hàng hóa, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku còn được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho du lịch liên vùng, giữa biển và rừng.
Cùng với việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án đường bộ đặc biệt quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đề xuất xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Pleiku-Buôn Ma Thuột trước năm 2030.
Nhiều kỳ vọng
Theo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, tuyến quốc lộ 19 mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn còn nhiều trở ngại do điều kiện địa hình hiểm trở, đặc biệt là các đoạn qua đèo An Khê và đèo Mang Yang. Do vậy, thời gian di chuyển từ Pleiku xuống Quy Nhơn mất từ 3,5 đến 4 giờ, gây áp lực lớn về chi phí vận chuyển và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt đối với hàng hóa nông sản.
Ông Ngô Minh Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Tuấn Gia Lai-chia sẻ: Đơn vị hiện có 20 đầu xe kinh doanh vận tải, trong đó có khoảng 4-6 xe thường xuyên hoạt động tuyến Pleiku-Quy Nhơn. Do vậy, doanh nghiệp kỳ vọng khi cao tốc Quy Nhơn-Pleiku đi vào hoạt động sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển.
“Thay vì mất đến 4 giờ thì hành trình có thể chỉ còn khoảng 1,5 giờ. Thời gian vận chuyển được rút ngắn kéo theo chi phí nhiên liệu, hao mòn máy móc, hư hỏng phương tiện cũng giảm đáng kể. Hơn nữa, xây dựng cao tốc sẽ không còn những đoạn đèo dốc quanh co, hạn chế kẹt xe và những nguy cơ mất an toàn giao thông. Hàng hóa lưu thông từ các tỉnh Tây Nguyên kết nối với cảng biển sẽ thuận lợi hơn nhiều, nâng cao sức cạnh tranh với các tuyến vận tải khác. Đây không những là bước ngoặt để các doanh nghiệp vận tải tăng tần suất vận chuyển mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị trường”-ông Tuấn khẳng định.

Trong khi đó, ông Phan Văn Lâm-Giám đốc Doanh nghiệp Lâm Tiến Phát, đơn vị có 15 đầu xe vận tải tuyến Lào, Campuchia-Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai) nhận định: Khi cao tốc Quy Nhơn-Pleiku hoàn thành, việc vận chuyển nông sản từ cửa khẩu đến cảng biển sẽ vô cùng thuận lợi. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp vận tải trong khu vực đều mong đợi cao tốc Quy Nhơn-Pleiku sớm được khởi công xây dựng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới. Chắc chắn lượng hàng hóa sẽ tăng lên, doanh nghiệp cũng tính toán đến phương án mở rộng quy mô hoạt động, mở hướng vận tải hàng hóa ở các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Quân-Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn-phân tích: Theo tính toán, tuyến cao tốc này có năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa giữa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thời gian lưu thông hàng hóa rút ngắn giúp tiết giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện gia tăng nguồn hàng thông thương theo trục hành lang kinh tế Đông-Tây, thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ trực tiếp tại cảng biển Quy Nhơn để tiếp nhận hàng hóa xuất-nhập khẩu.
Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn khẳng định: Cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế vị trí địa lý kinh tế các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Bình Định. Tính liên kết vùng có điều kiện mở rộng trên quy mô lớn, phát huy lợi thế của vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp với khu vực kinh tế biển cung cấp các dịch vụ logistics và vận tải biển. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk hay các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia giáp biên với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Lệ Thanh sẽ là vùng hậu phương rộng lớn và tiềm năng về nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực cảng biển Quy Nhơn.
“Nút thắt lưu thông hàng hóa được tháo gỡ, năng lực vận chuyển được bổ sung, hạ tầng logistics được đầu tư sẽ thu hút khối lượng hàng hóa luân chuyển giữa các vùng tăng lên. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế, hình thành trung tâm logistics quy mô lớn. Khi việc lưu thông trở nên thuận lợi sẽ tạo tiền đề và cơ hội cho sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics và du lịch.
Trong đó, các ngành nghề được kỳ vọng có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư như: cơ sở hạ tầng logistics: đầu tư hệ thống kho bãi, cảng cạn và trung tâm logistics tập kết, phân phối hàng hóa; dịch vụ cảng biển và vận tải biển”-Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG / Nguồn: Báo Gia Lai