Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiCây cầu tình yêu

Cây cầu tình yêu

Sông Ba thơ mộng chảy qua huyện Krông Pa bốn mùa mát trong. Phù sa mùa lũ khiến cho bông lúa thêm trĩu hạt, rẫy bắp, rẫy mì ngút ngàn một màu xanh tươi mới. Con đường đất từ xã Phú Cần chạy dài đến bến đò Ia Rmok đã được đổ thêm một lớp đất cấp phối bằng phẳng, rất thuận tiện cho những chuyến xe qua.

Đây là con đường ngắn nhất đến với các xã phía Nam Krông Pa. Con đò chạy bằng máy tạo nên sự thông thương giữa 2 bờ và cũng chở thầy-cô giáo đi qua sông để đến với trường làng. Mùa nước cạn, rất khó khăn cho việc chạy đò nên những người lái đò đã hùn nhau làm một cây cầu gỗ bắc qua sông Ba. Vậy mà cây cầu giản dị này vẫn đủ sức thu hút những kẻ lãng du bởi vẻ đẹp mộc mạc mà nên thơ.

Cầu gỗ bắc qua sông Ba. Ảnh: Lâm Caro
Cầu gỗ bắc qua sông Ba. Ảnh: Lâm Caro

Cây cầu có độ dài khoảng 200 m, rộng 2,5 m, đủ cho 2 xe máy ngược chiều tránh nhau. Sàn cầu được lát bằng ván bằng phẳng. Trụ cầu được làm từ những thân cây bạch đàn to vững chãi. Ngoài ra, cầu còn được trang bị thêm lan can bằng những cây gỗ tạo cảm giác an toàn. Vào buổi tối, để mọi người qua cầu được thuận tiện, chủ cầu còn mắc thêm các bóng điện chạy dọc thân cầu.

Cầu bắc xong cũng là lúc Tây Nguyên đang vào mùa khô. Mùa nước cạn, cây cầu lộ rõ hình hài, những trụ dài cách nhau khoảng 2 m xỉa sâu xuống lòng sông. Cầu vắt ngang bãi cát mịn màng xen lẫn đất phù sa. Vào thời khắc nào cây cầu cũng mang những vẻ đẹp riêng. Sớm mai mùa đông, trời se se lạnh, hơi sương bốc lên từ mặt sông khiến nó trở nên e ấp trong sương mờ quyến rũ, huyền ảo. Khi trời tròn bóng, nắng vàng tươi chan hòa khắp nơi nơi, cầu thẳng tắp duỗi mình với sắc gỗ nâu nổi bật giữa trời xanh mây trắng, soi gương xuống mặt nước trong trẻo. Khi chiều về, cầu lại lung linh trong ánh mặt trời đỏ ối đang khuất dần phía bên kia dãy núi. Và trong đêm đen tĩnh lặng, cây cầu vẫn không mất đi vẻ duyên dáng khi thắp lên mình những bóng sáng xinh xinh.

Chính vì vẻ đẹp riêng có ấy của cây cầu mà các đôi bạn trẻ ở Krông Pa khi chụp ảnh cưới cũng chọn nơi đây làm điểm đến cho những bức hình ngoại cảnh. Cô dâu xúng xính váy xòe, tay cầm bó hoa tươi cười rạng rỡ bên chú rể phong trần tạo dáng giữa trời nước mênh mông. Nhìn vào mắt đôi trẻ, ta thấy ngời lên niềm hạnh phúc. Bạn bè tôi mỗi khi đến đây cũng được tôi dẫn ra ngắm cầu, ngắm sông, ngắm những cánh đồng dưa hấu đang độ thu hoạch quả căng tròn, bóng láng như những chú heo con. Ai cũng trầm trồ rằng khung cảnh sao mà trù phú, nên thơ quá.

Cảm xúc khi qua cầu của mỗi người rất khác nhau. Đối với những người chuyên đi đổi hàng thì cây cầu như là vị cứu tinh. Bởi nhờ nó mà họ thoát khỏi cảnh chen lấn khi lên đò với 2 sọt hàng trĩu nặng như trước đây. Với cánh đàn ông khỏe mạnh, vững tay lái thì cây cầu chẳng là trở ngại gì, họ phăng phăng qua cầu, đến nơi cần đến. Đối với những người sợ sông nước thì lỡ qua một lần rồi… thôi, không dám đi lần 2. Còn tôi, mặc dù cảm nhận chút mạo hiểm khi lái xe qua cầu, nhất là khi 2 xe phải tránh nhau, nhưng tôi vẫn ngày ngày qua lại để đến bờ bên kia, nơi mình và các đồng nghiệp vẫn ngày ngày miệt mài đem con chữ đến với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và có những lúc vì quá yêu phong cảnh nơi đây, chúng tôi lại thả bộ trên cầu, tay nắm tay mà cảm nhận vẻ đẹp của trời, mây, nước mà ở đó những tà áo dài đã trở thành điểm nhấn duyên dáng, góp chút màu sắc cho bức tranh quê thêm phần quyến rũ, đậm đà tình yêu thiên nhiên, con người!

Mai Hương

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới