Thứ Hai, 7 Tháng 7, 2025
Trang chủTin Gia LaiChàng kỹ sư đam mê thư pháp

Chàng kỹ sư đam mê thư pháp

Trong không gian đậm chất thiền, hương trầm bảng lảng, “ông đồ” Lê Trọng Hậu (SN 1989) khẽ nhấp một ngụm trà, mài mực, vuốt phẳng tờ giấy, tỉ mỉ viết dòng chữ “Phúc sinh phú quý gia đình thịnh”. Nhìn cách anh cầm bút, thấm mực, nhấn nhá từng nét chữ, tôi phần nào hiểu được niềm đam mê của anh với thư pháp.

Trong khoảng 10 phút, anh Hậu đã hoàn thành bức thư pháp với dòng chữ cách điệu đậm nhạt, uốn lượn theo từng đường nét. Anh Hậu cho biết: “Khi viết thư pháp, tâm hồn mình phải thật lắng đọng, không vướng bận những chuyện khác, chỉ tập trung vào cây bút và chữ viết. Chỉ cần ngồi xuống với giấy mực là mọi mệt mỏi, căng thẳng tan biến hết”.

 “Ông đồ” Lê Trọng Hậu. Ảnh: T.B
“Ông đồ” Lê Trọng Hậu. Ảnh: T.B

Nói về “cái duyên” với thư pháp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt TP. Pleiku Lê Trọng Hậu kể: Những năm học phổ thông, anh đã viết chữ khá đẹp. Thấy những chữ thư pháp trên bìa sách vở, anh tập viết lại bằng bút bi hoặc bút chì. Lúc ấy, mạng internet còn là điều xa xỉ với những người ở vùng thôn quê nên anh chưa hiểu nhiều về nghệ thuật thư pháp. Năm 2009, khi vào đại học, anh Hậu mới thực sự hiểu rõ hơn khi tham quan những phòng tranh thư pháp và giao lưu với các “ông đồ” ở TP. Đà Nẵng. Tiền bố mẹ gửi ra chỉ đủ để đóng học phí và sinh hoạt, anh Hậu phải đi làm thêm để mua bút lông, mực tàu, giấy rồi tự nghiên cứu, mày mò cách viết. Từ những tác phẩm đầu tay tặng bạn bè và nhận được nhiều lời khen, anh Hậu càng đam mê. Mỗi tối, anh bày biện dụng cụ, “đồ nghề” viết thư pháp tại các tuyến phố đi bộ ở Đà Nẵng để kiếm thêm thu nhập.

11 năm theo đuổi đam mê, chăm chỉ tập luyện đã giúp anh Hậu có thêm nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong cách thể hiện. Do đã thuần thục nên anh chỉ mất khoảng 10 phút để hoàn thành một bức thư pháp; với những bức nhiều chữ và có trang trí họa tiết thì khoảng 30 phút. Anh phân tích: Vẻ độc đáo tạo nên sự hấp dẫn của thư pháp nằm ở những nét thẳng, cong, uốn lượn, đậm nhạt kết hợp để đem lại sự cân đối, hài hòa nhưng cũng đầy sáng tạo của bản thân mỗi “ông đồ”. Để tác phẩm thêm ý nghĩa, ngoài chữ viết, anh Hậu còn sưu tầm thêm những bài thơ, ca dao, danh ngôn phù hợp với từng chủ đề; kết hợp hài hòa giữa chữ và họa để bức thư pháp thêm phần đặc sắc. Ví dụ như với chữ cha mẹ, anh Hậu cách điệu chữ “Mẹ” mang dáng dấp của người đàn bà đang gồng gánh mưu sinh để nuôi con, chữ “Cha” cách điệu với hình ảnh người đàn ông chèo đò ngược xuôi giữa dòng. Hay với chữ “An”, anh Hậu khéo léo điểm tô hình ảnh hoa sen, mặt hồ tĩnh lặng… để thể hiện sự an yên.

Ngoài viết thư pháp trên các chất liệu quen thuộc như giấy, lụa, anh Hậu còn nhận viết thư pháp lên gỗ, đá hay lên trái cây để chưng Tết. Những bức thư pháp có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy theo chất liệu, sự kỳ công, kích cỡ tác phẩm… Khá thú vị khi biết rằng công việc chính của anh dường như chẳng liên quan gì đến đam mê: Hiện tại, anh đang là kỹ sư xây dựng công trình thủy lợi, công tác tại Chi cục Thủy lợi tỉnh. Cả ngày bận rộn với những con số, những văn bản nhưng tối đến, anh đều dành thời gian viết thư pháp như một thú vui.

Những bức thư pháp do anh Lê Trọng Hậu viết. Ảnh: Thủy Bình
Những bức thư pháp do anh Lê Trọng Hậu viết. Ảnh: Thủy Bình

Với niềm đam mê và kiên trì, anh Hậu đã tạo lập được những dấu ấn riêng. Khi Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt TP. Pleiku được thành lập vào năm 2016, anh được bầu làm chủ nhiệm dù là thành viên nhỏ tuổi nhất. Hiện tại, Câu lạc bộ có 29 thành viên, thường xuyên tổ chức giao lưu với những người yêu thư pháp ở các tỉnh, thành trong cả nước để chia sẻ niềm đam mê, sáng tạo.

Mỗi dịp Tết đến, anh Hậu thường ngồi cho chữ ở Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)… với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của thư pháp đến những người yêu nét đẹp truyền thống. Dự định sắp tới của anh Hậu là mở các lớp dạy thư pháp cho những người có nhu cầu. Thầy Thích Huệ Thức-tăng chúng chùa Thiền Sơn (TP. Pleiku) cho hay: “Những nét chữ thư pháp của anh Hậu rất có hồn, có điểm nhấn tạo nên sự độc đáo và ý nghĩa. Tôi đã nhờ anh Hậu viết 10 bức thư pháp về các bài kệ để treo ở chùa”. Cũng là khách hàng thường xuyên, anh Ngô Thanh Tuyên (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi cũng là người yêu thư pháp nhưng không có thời gian theo học. Vậy nên tôi hay mua chữ chỗ anh Hậu về treo trong nhà. Nhìn chữ, tôi thấy lòng mình an yên hơn”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hậu cho hay niềm hạnh phúc của anh là được tập trung tất cả tâm-ý-trí-lực để tạo ra những bức thư pháp mang ý nghĩa sâu sắc. Và càng hạnh phúc hơn khi góp phần giúp lan tỏa tình yêu dành cho cái đẹp.

THỦY BÌNH

Nguồn Báo Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202002/chang-ky-su-dam-me-thu-phap-5670398/

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới