Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựChảo lửa Trung Đông lại bị 'nung nóng'

Chảo lửa Trung Đông lại bị ‘nung nóng’

‘Chảo lửa’ Trung Đông lại một lần bị ‘nung nóng’ bằng những cuộc tấn công lẫn nhau giữa quân đội Israel và một số nhóm vũ trang của Palestine tại Dải Gaza trong vài ngày qua.

Mặc dù ngày 6/5, phía Palestine thông báo các bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, song nguy cơ xung đột bùng phát luôn hiện hữu tại điểm nóng Gaza khi mâu thuẫn giữa các bên không được tháo gỡ, tiếp tục đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt chưa có đường thoát.

Có thể thấy các cuộc đụng độ hay tấn công trả đũa lẫn nhau giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine diễn ra như “cơm bữa” và trở thành câu chuyện chưa có hồi kết, không kể 3 cuộc chiến giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza kể từ năm 2008.

Khói bốc lên sau loạt không kích của máy bay Israel xuống Dải Gaza ngày 5/5/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Lần này, quy mô của các vụ nã rocket từ lãnh thổ Palestine sang khu vực miền Nam Israel và các cuộc tấn công của quân đội Israel bằng hỏa lực mạnh nhằm vào Dải Gaza đã vượt xa mức độ của các vụ đụng độ thông thường. Các số liệu thống kê do hai phía cung cấp cho thấy bạo lực từ ngày 3/5 đến nay đã khiến ít nhất 23 người Palestine và 4 người Israel thiệt mạng.

Căng thẳng bùng phát tối 3/5 sau khi giới chức Dải Gaza thông báo 4 người Palestine thiệt mạng, 2 người trong một cuộc không kích của Israel vào khu vực miền Nam Gaza và 2 người khác do trúng đạn của binh lính Israel nhằm vào những người biểu tình Palestine phản đối sự chiếm đóng của chính quyền Israel.

Phía Israel tuyên bố cuộc oanh kích của quân đội nước này nhằm vào Dải Gaza diễn ra sau vụ việc 2 binh sĩ Israel bị thương do trúng đạn từ các tay súng Palestine ở gần hàng rào biên giới Gaza. Làn sóng bạo lực giữa hai bên tiếp diễn và leo thang, phía Israel thông báo khoảng 600 quả rocket hoặc đạn cối từ Dải Gaza đã bắn sang lãnh thổ Israel, và quân đội nước này trong vòng 2 ngày tiến hành ít nhất 320 vụ oanh kích nhằm vào các mục tiêu ở Gaza mà Israel cho là có liên quan tới các nhóm vũ trang Hamas và nhóm Hồi giáo thánh chiến Jihad.

Về phần Palestine, như tuyên bố của nhóm Hồi giáo Jihad, tình hình trên thực địa mấy ngày qua, đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới, bắt nguồn từ việc Israel tiếp tục áp dụng những chính sách và biện pháp cứng rắn nhằm phong tỏa Dải Gaza về mọi mặt. Điều đó thúc đẩy một số nhóm vũ trang, trong đó có Jihad, quyết tâm theo đuổi biện pháp đấu tranh vũ trang chống lại Israel, đặc biệt trước thềm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Mặc dù những tiếng nổ chết chóc tại Dải Gaza đã tạm yên sau thỏa thuận ngừng bắn được thông báo sáng 6/5, song với những gì từng xảy ra tại vùng đất xung đột này, một thỏa thuận ngừng bắn không phải là sự bảo đảm cho hòa bình. Thực tế, Israel và các nhóm vũ trang Palestine từng nhiều lần đạt thỏa thuận, tháng trước, Ai Cập cũng đã làm trung gian cho “những thỏa thuận ngừng bắn không chính thức” giữa hai bên sau một loạt vụ đụng độ, nhưng tình trạng không thay đổi. Người dân tại Dải Gaza đã quá quen với việc rất nhiều hiệp định, thỏa thuận được ký kết nhưng lại nhanh chóng bị phá vỡ khi còn chưa kịp ráo mực.

Xung đột giữa Israel và Palestine tồn tại dai dẳng bởi những nguyên nhân sâu xa và phức tạp, khiến mọi nỗ lực giải quyết cho tới nay đều chưa mang lại kết quả. Sau cuộc bầu cử tại Israel ngày 9/4 vừa qua với chiến thắng nghiêng về phe cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, hy vọng giải quyết cuộc xung đột này theo giải pháp hai nhà nước càng trở nên khó khăn hơn, bởi ông Netanyahu là một nhân vật cứng rắn với quan điểm “không hòa giải” trong cuộc xung đột Israel/Palestine.

Giới chuyên gia thậm chí cho rằng sau cuộc bầu cử này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ càng cứng rắn hơn trong vấn đề xung đột Trung Đông bởi lo ngại sẽ đánh mất sự ủng hộ về chính trị và tôn giáo nếu công nhận Nhà nước Palestine. Tuyên bố của Thủ tướng Israel sau khi căng thẳng bùng phát hôm 3/5, rằng Israel sẽ tiếp tục “các cuộc tấn công quy mô lớn” nhằm vào Dải Gaza, cũng như việc Israel quyết định đóng cửa các cửa khẩu trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân trên biên giới nước này với dải Gaza, cũng như vùng đánh bắt cá ngoài khơi dải Gaza, càng khiến mâu thuẫn khó dàn xếp.

Hơn thế nữa, xung đột lần này bùng phát được cho một phần xuất phát từ động thái của một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, mà giới phân tích khu vực cho rằng “thiên vị với Israel”. Điều này đã được thể hiện một cách rõ nét nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, đóng cửa Văn phòng phái đoàn đại diện Palestine tại Washington, cắt khoản hỗ trợ cho Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine…

Đặc biệt, Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Washington soạn thảo, hay còn được gọi là “thỏa thuận thế kỷ” sắp công bố được cho sẽ phá vỡ những nguyên tắc lâu nay về các vấn đề như Jerusalem và các khu định cư Do Thái, và điều này đương nhiên là có lợi cho Israel. Theo truyền thông Mỹ, bản kế hoạch này có thể “không bao gồm một Nhà nước Palestine với chủ quyền đầy đủ và tách biệt”. Thay vào đó, Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ “tự trị” của Palestine. Bản kế hoạch cũng sẽ không bao gồm giải pháp “hai nhà nước” làm nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, phía Palestine từng nhiều khẳng định lập trường rằng các công thức đơn giản cho hòa bình là kết thúc sự chiếm đóng của Israel, thành lập một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô và người Palestine có quyền quyết định vận mệnh của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có liên quan.

Thực tế cho thấy, sau những bước đi vừa qua của Mỹ, Palestine có vẻ đang lâm vào tình thế bất lợi, tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đang bế tắc thì nay hy vọng cứu vãn có nguy cơ bị dập tắt hoàn toàn. Tương lai của một nhà nước Palestine hay số phận của hàng nghìn dân thường ở Gaza vốn đã lâm vào cảnh khốn khó càng trở nên vô vọng và rất có thể bị lãng quên.

Các lực lượng chính trị và phe nhóm của Palestine đã nhận thức được điều đó. Trong một động thái hiếm thấy, phong trào Fatah đã lên tiếng kêu gọi phong trào Hồi giáo Hamas “thành lập một mặt trận dân tộc Palestine” nhằm đối phó với Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Ngoài ra, giới chức chính quyền Palestine trước đó cũng đã cảnh báo tình trạng căng thẳng sẽ gia tăng và có thể bùng phát thành một cuộc nổi dậy mới (intifada) của người Palestine nhằm chống lại Israel. Không ít người Palestine ở Gaza tin rằng đây là giải pháp giúp họ giành lại đất đai hay những quyền cơ bản của mình, bằng cách thu hút sự chú ý của dư luận cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Palestine.

Thi thể một em nhỏ Palestine sau loạt không kích của máy bay Israel xuống Dải Gaza ngày 4/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, bất đồng nội bộ giữa các phe phái ở Palestine cũng cản trở những nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc xung đột Trung Đông. Mặc dù đều đặt mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập, song mỗi tổ chức ở Palestine, từ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Phong trào Giải phóng quốc gia (Fatah), Phong trào Hồi giáo Jihad (thành lập thập niên 1980) hay Phong trào Hồi giáo Hamas… lại có những quan điểm và phương thức đấu tranh khác nhau. Trong khi Fatah hướng tới giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao và trên bàn đàm phán, thì Jihad và Hamas thường chọn biện pháp đấu tranh vũ trang để chống Israel. Chính điều này cũng được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa Palestine và Israel trong suốt bao năm qua không có điểm dừng.

Cũng có ý kiến cho rằng căng thẳng hiện nay giữa Israel và Palestine sẽ sớm hạ nhiệt và lý do chủ yếu xuất phát từ phía Israel. Hiện ở nước này đang diễn ra các cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh sau chiến thắng của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử vừa qua.

Ngoài ra, một loạt các sự kiện lớn trong nước và quốc tế dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này ở Israel sẽ khiến chính quyền Tel Aviv phải tính toán và cân nhắc một cách thận trọng những bước đi tiếp theo để tránh làm ảnh hưởng tới tình hình chính trị – xã hội, đồng thời hạn chế làn sóng chỉ trích của cộng đồng khu vực và quốc tế. Israel và Palestine có thể thoát khỏi nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện bằng thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Tuy nhiên, những bất ổn, tình trạng bạo lực hay các cuộc đụng độ lẻ tẻ sẽ còn tiếp diễn, khiến việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột Trung Đông vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trương Anh Tuấn (Pv TTXVN tại Trung Đông)

Theo Baotintuc.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới