Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựChia sẻ hạ tầng viễn thông

Chia sẻ hạ tầng viễn thông

Cuối tháng 5/2020, bốn doanh nghiệp viễn thông di động là VNPT, Viettel, Mobifone, Vietnammobile đã thống nhất ưu tiên tối đa việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS) tại Quảng Ninh. Qua đó giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp và người dùng.

Chia sẻ hạ tầng viễn thông Ảnh 1

4 doanh nghiệp viễn thông ký kết biên bản chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.

Đến tháng 6/2020, hạ tầng viễn thông tại Quảng Ninh có trên 5.500 trạm 3G và 4G, phủ tới 95% dân số. Trên đất liền, công nghệ cáp quang phủ rộng tới từng xã, từng hộ gia đình. Tuy nhiên, những trạm BTS này gần như chưa có sự chia sẻ sử dụng chung hạ tầng (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm). 100m2 có tới 2-3 trạm BTS, phổ biến ở những khu vực đô thị của tỉnh; trong khi chi phí đầu tư từ 600 triệu -1,2 tỷ đồng/trạm BTS. Việc mỗi doanh nghiệp xây dựng một hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động riêng, không chỉ dẫn đến sự chồng chéo, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.

Chia sẻ hạ tầng viễn thông Ảnh 2

Trạm thu phát sóng của VNPT Quảng Ninh tại phường Hùng Thắng (TP Hạ Long)

Để khắc phục tình trạng này, tháng 5/2020, Sở TT&TT đã làm đầu mối, xây dựng phương án và tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp. Theo biên bản ký kết, đối với những trạm BTS phát triển mới trong năm 2020, các đơn vị viễn thông sẽ cùng hợp tác, chia sẻ hạ tầng dùng chung gần 100 trạm BTS theo nguyên tắc trao đổi “một đổi một”, tức là mỗi doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng mới khoảng 20-40 trạm BTS. Trên cơ sở danh sách được phân công tại biên bản, các doanh nghiệp sẽ tiến hành khảo sát, thống nhất vị trí xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phù hợp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Ninh và quy hoạch mạng lưới của mỗi doanh nghiệp. Đối với những vị trí cơ sở hạ tầng hiện có, qua rà soát của các doanh nghiệp, nếu thấy phù hợp với vị trí quy hoạch, yêu cầu về chất lượng cơ sở hạ tầng của cả hai bên, các doanh nghiệp cũng thống nhất chia sẻ cơ sở hạ tầng hiện hữu để sử dụng chung.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Chi nhánh Viettel Quảng Ninh, chia sẻ: Trong những giai đoạn trước, các trạm BTS được coi là “vũ khí” cạnh tranh giữa các nhà mạng, vì hạ tầng tốt sẽ đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, đến nay các nhà mạng đã cơ bản có độ phủ sóng rộng, sâu đến tất cả các địa phương. Hiện Viettel Quảng Ninh đã đầu tư gần 1.000 trạm BTS trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng là xu thế tất yếu để các doanh nghiệp tối ưu chi phí đầu tư, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng.

Chia sẻ hạ tầng viễn thông Ảnh 3

Cán bộ kỹ thuật Viettel Quảng Ninh triển khai lắp mới dịch vụ cố định cho khách hàng tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long.

Đánh giá về cách làm của Quảng Ninh, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), khẳng định: Nhiều địa phương trong nước đã có sự chia sẻ hạ tầng viễn thông, nhưng là do các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau, nên hiệu quả chưa thực sự cao, vì còn mang tính chủ quan ở mỗi doanh nghiệp. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước có sự điều phối của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Qua đó, góp phần đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phát triển tiên tiến hiện đại thời gian tới. Đây là tiền đề để lan tỏa kinh nghiệm, cách làm cho các địa phương khác trong thực hiện Chỉ thị số 52/CT-BTTTT của Bộ TT&TT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

Hoàng Nga

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới