Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựChính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4

Chiều 4-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh hết sức khó khăn của thế giới và khu vực, thời tiết không thuận lợi nhưng tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) vẫn có những chuyển biến đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ những tồn tại, khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Do đó Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải nỗ lực đề ra giải pháp khắc phục, xử lý, không để ảnh hưởng kết quả cả năm.

Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chính phủ kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; càng khó khăn thì càng quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra. Cho nên nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, đề ra các đối sách khả thi trung hạn và dài hạn, phù hợp diễn biến quốc tế và trong nước.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sát sao hơn, nỗ lực hơn nữa, nghiêm túc thực hiện phương châm của Chính phủ, thực hiện nghiêm các Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ, bám sát mục tiêu tăng trưởng hằng quý, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thực chất, hiệu quả. Chỉ ra tình trạng đây đó trong cơ quan công quyền vẫn còn có trường hợp tắc trách giải quyết giấy tờ, “ngâm” hồ sơ quá lâu, không giải quyết khó khăn… Thủ tướng yêu cầu không được để tình trạng này xảy ra; chúng ta phải đề cao tính kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ, ngành phải thực hiện tốt kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất quán tạo nền tảng phát triển bền vững. Bốn bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế vĩ mô thường xuyên theo dõi sát diễn biến quốc tế, phân tích, đánh giá, nhất là giá dầu thô, các biến động chính sách tiền tệ, tài khóa trên thế giới để có giải pháp ứng phó kịp thời. Phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để dư luận đồng thuận, hiểu rõ, ủng hộ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát lạm phát; thực hiện linh hoạt, hài hòa các chính sách tiền tệ, tín dụng, cung tiền, phối hợp các bộ ngành khác làm tốt các chính sách vĩ mô để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để bị động, bất ngờ. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng linh hoạt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chú trọng thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, không để xảy ra mất an toàn. Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý thu chi NSNN đúng pháp luật, tăng cường chống thất thu thuế, chuyển giá, tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử; tiếp tục hạn chế chi thường xuyên, mua sắm ô-tô, tiết kiệm chi, hạn chế đi nước ngoài; về vấn đề này, các Bộ trưởng phải làm gương.

Thủ tướng lưu ý không thể chủ quan trước nguy cơ lạm phát; yêu cầu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sửa Luật Đầu tư công; sớm giao kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công (ĐTC) của các địa phương… Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, nghiêm khắc kiểm điểm các đơn vị chậm giải ngân vốn ĐTC; nếu cần thiết thì cắt bỏ các dự án ĐTC do chủ đầu tư chậm giải ngân, chuyển cho đơn vị khác làm để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Bộ trưởng Giao thông vận tải đẩy nhanh các dự án đầu tư trọng điểm, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, nhất là dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục để đẩy nhanh tiến độ công trình này, bảo đảm đến năm 2021 phải hoàn thành tuyến cao tốc này để phục vụ phát triển đồng bằng sông Cửu Long; chấn chỉnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục các tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sớm chấm dứt bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh khác; nghiên cứu đánh giá kỹ trong chỉ đạo điều hành về giá nông sản về giá gạo, cá tra; truy suất nguồn gốc nông sản; ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp. Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là cung cấp đủ nước cho sản xuất, đề phòng hạn hán, cháy rừng… Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan phát triển các ngành chế biến, chế tạo, mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn từng dự án trọng điểm. Đối với các dự án nguồn điện, Bộ cùng với các đơn vị liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động các nguồn lực, thúc đẩy từng dự án nguồn điện sớm đi vào vận hành trên cơ sở bảo đảm công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường… trên tinh thần không để thiếu điện. Ngành Công thương phải đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh; có chương trình phát triển công nghiệp quốc gia, nâng cao cạnh tranh thương mại… Bộ Công thương phối hợp Bộ Giao thông vận tải có mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành dịch vụ logistics. Bộ Xây dựng theo dõi sát thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà ở, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị, phát triển nhà ở xã hội, kiểm soát chặt ngành vật liệu xây dựng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có các giải pháp tăng cường xúc tiến du lịch; bảo đảm an toàn cho du khách.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo kết quả cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tới; cụ thể hóa các chính sách để hỗ trợ phát triển các DN nhỏ và vừa. Bộ VH-TT-DL phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019. Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử; rút kinh nghiệm, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, không để tái diễn các sai phạm như năm 2018; bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè, hạn chế đuối nước. Bộ Y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè; giảm quá tải; bảo đảm an toàn trong các bệnh viện. Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tốt công tác hạn chế rác thải nhựa. Bộ Công an tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, xuyên quốc gia. Bộ Quốc phòng theo dõi sát, nhất là tình hình biển đảo, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…

Theo Bộ KHĐT, bốn tháng qua, vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đăng ký tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%; đăng ký thành lập DN vẫn duy trì đà tăng tích cực, ước có hơn 43,3 nghìn DN được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt khoảng 543 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số DN và tăng 31,7% về số vốn; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8%; kim ngạch nhập khẩu ước 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%; xuất siêu đạt giá trị 711 triệu USD.

Tin: THANH GIANG. Ảnh: TRẦN HẢI

Theo Sggp.org.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới