Theo theo ước tính của các chuyên gia, con số 46% nếu thành hiện thực, không chỉ tác động mạnh vào hoạt động ngoại thương mà còn có thể ảnh hưởng tới 7-7,5% GDP của Việt Nam.
Thông tin về việc Chính phủ Mỹ cân nhắc áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, các chuyên gia ước tính, con số “gây sốc” này nếu thành hiện thực, không chỉ tác động mạnh vào hoạt động ngoại thương mà còn có thể ảnh hưởng tới 7-7,5% GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, đằng sau con số thặng dư thương mại, các chuyên gia cho rằng Chính phủ Mỹ có thể còn đang cân nhắc đến những yếu tố phức tạp hơn, bao gồm cả vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mối quan hệ với Trung Quốc.
Nguy cơ hiện hữu
Với thông tin về mức thuế suất đối ứng 46% áp lên hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu không ngần ngại gọi đây là một “biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ chưa từng xảy ra đối với thế giới cũng như là đối với Việt Nam.” Ông phân tích điều này sẽ tác động rất mạnh đến ngoại thương của Việt Nam, tại vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam, theo đó sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế mà cụ thể là mức tăng trưởng GDP.
Đồng tình với mức độ đánh giá này, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra những tính toán cụ thể hơn về tác động. Ông lưu ý rằng dù các thông tin chi tiết về danh mục hàng hóa và thời điểm áp dụng chính xác vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng (do áp dụng vào mốc thời gian ngày 9/4), nhưng quy mô ảnh hưởng là không thể xem nhẹ.
Ông Hưng diễn giải xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ liên quan đến GDP của Việt Nam là khoảng tầm 120 tỷ USD và nếu tính cái giá trị gia tăng tạo ra khoảng tầm 30% thì trong trường hợp xấu nhất những ảnh hưởng ban đầu có thể từ 7 đến 7,5% GDP của Việt Nam. Con số này cao hơn đáng kể so với các ước tính trước đây chỉ dao động quanh mức 1-1,5% GDP với kịch bản thuế chỉ dừng ở 10-15%. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đề xuất thuế quan mới.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở con số thặng dư thương mại mà Việt Nam đang có với Mỹ. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một yếu tố quan trọng mà Chính phủ Mỹ cân nhắc là vai trò của Việt Nam trong dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.

“Việc đánh thuế quan ở mức không tưởng như thế này là Mỹ có thể nhằm ‘chặn’ cả Việt Nam và Trung Quốc, tránh hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần xác định quan điểm của Chính phủ Mỹ là quyền lợi đồng hành,” ông Hiếu nói.
Chiến thuật đàm phán và áp lực nhượng bộ
Mặc dù mức thuế đề xuất gây sốc, song nhiều chuyên gia lại nhìn nhận đây có thể là một chiến thuật đàm phán đặc trưng của chính quyền Tổng thống Trump.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh chỉ ra rằng mức thuế đề xuất cho Việt Nam cao hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Trung Quốc. “Như vậy, Trump đang đưa một mức rất là cao để yêu cầu Việt Nam đàm phán,” ông Tú Anh nói.
Ông Phạm Lưu Hưng cũng chia sẻ góc nhìn tương tự và coi mức thuế 46% như một “mức trần” để khởi động quá trình thương lượng. Theo ông, đây không phải mức thuế sẽ được áp dụng lâu dài và mục tiêu của việc đưa ra mức thuế cao này khả năng là tạo áp lực tối đa, buộc Việt Nam phải có những nhượng bộ nhất định trong các cuộc đàm phán sắp tới, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà Mỹ quan tâm.
Trước áp lực lớn, các chuyên gia đều thống nhất rằng Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, tránh các hành động trả đũa có thể làm leo thang căng thẳng thương mại và ưu tiên con đường đàm phán.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh Chính phủ không nên đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thay vào đó, ông cho rằng Việt Nam nên tiếp tục đối thoại, tìm “tiếng nói chung” và xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Mỹ (như nông sản, máy bay, các trang thiết bị…) nhằm từng bước cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khả năng Mỹ loại bỏ hoàn toàn Việt Nam khỏi danh sách áp thuế là rất khó xảy ra.
Bên cạnh nỗ lực đàm phán, ông Hiếu cho rằng việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là một hướng đi chiến lược quan trọng. Nếu mức thuế cao được duy trì, hàng hóa Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh nghiêm trọng tại thị trường Mỹ so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Ấn Độ.
“Hàng hóa của Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng sẽ có mức giá rất cao, khi đó người tiêu thụ Mỹ có thể tìm đến những sản phẩm của các quốc gia khác. Chính vì thế, Việt Nam cũng nên xem xét để tìm kiếm những cái thị trường khác có thể thay thế cho thị trường của Mỹ,” ông Hiếu nói.
Đáng chú ý, các chuyên gia cũng ghi nhận những nỗ lực chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thương mại song phương thời gian qua. Ông Phạm Lưu Hưng liệt kê hàng loạt động thái tích cực về Việt Nam giảm thuế với 14 mặt hàng, các chính sách liên quan đến các ngành đặc thù được phép hoạt động. Hay là gần đây nhất, chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương của Việt Nam đến Hoa Kỳ và bản dự thảo về Nghị định liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược…, thiện chí của Việt Nam trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ…
Chủ động thích ứng linh hoạt
Chiều ngày 3/4, trả lời vấn đề liên quan đến mức thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ, ông Trương Bá Tuấn-Cục phó Cục Chính sách thuế, thuế, lệ phí (Bộ Tài chính) nhấn mạnh mức thuế suất 46% là cao hơn rất nhiều so với mức thuế hiện hành. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là những nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ (như linh kiện điện tử, nông nghiệp, dệt may, da giày…).
Ông cho biết Bộ Tài chính đã chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới. Cụ thể đã rà soát tổng thể các mức thuế nhập khẩu và tham mưu Chính phủ ban hành nghị định 73 ban hành (ngày 31/3) về điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu của một số mặt hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã rà soát lại toàn bộ các mức thuế đang áp dụng với hàng nhập khẩu và các sắc thuế có liên quan khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…

Chiếu báo cáo gần đây nhất của Đại diện thương mại Mỹ, mức thuế suất bình quân của biểu thuế của Việt Nam là 9,4%, trong khi phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế suất khoảng 15% (ngoại trừ một số ít mặt hàng). Như vậy, ông Tuấn khẳng định mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với mức 90% cũng như mức 46%, do đó cần làm rõ ngoài yếu tố thuế thì yếu tố gì và lý do gì để Mỹ đưa ra thuế đối ứng này, để từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.
Cũng tại đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ thêm Việt Nam đã rất chủ động rà soát điều chỉnh mức thuế các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ Mỹ với mục tiêu hướng tới cân bằng thương mại tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác và các bộ ngành cũng đang nghiên cứu và tìm hiểu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh mục đích của việc áp thuế là hướng đến cân bằng thương mại. Song, cân bằng là phải phát triển, tức là kim ngạch phải lớn hơn chứ không phải là giải quyết bằng vấn đề thuế. Đó mới là vấn đề cần hướng tới, bởi cân bằng bằng cách phải tăng thuế không phải là phương án tốt cho tất cả các bên.
“Chúng ta cần kiên trì tìm ra các giải pháp, trao đổi và chia sẻ với đối tác Mỹ để hướng tới cân bằng thương mại theo hướng phát triển để người tiêu dùng của cả hai quốc gia đều được hưởng lợi,” Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
Nguồn: Báo Gia Lai