Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựCho TQ khai thác, Sierra Leone ‘vẫn hoàn nghèo’ dù ngồi trên...

Cho TQ khai thác, Sierra Leone ‘vẫn hoàn nghèo’ dù ngồi trên mỏ vàng

Sierra Leone nhận tới 15% trong số 30 tỷ USD Bắc Kinh đầu tư khai thác khoảng sản ở châu Phi. Nhưng người dân và cộng đồng chưa hưởng lợi trước và sau khi công ty Trung Quốc tới.

Khi thợ đào vàng Trung Quốc đến thị trấn Masumbiri ở phía bắc Sierra Leone, người dân đều ra xếp hàng xin việc.

Trẻ em nói dối tuổi để đi làm. Phụ nữ và các em gái tới nấu ăn, quét dọn ở các mỏ nằm ở triền núi, nhìn được ra cánh đồng lúa.

Dayu, công ty tư nhân mới vào Sierra Leone năm ngoái, là cái tên mới nhất trong số các công ty Trung Quốc theo chân nhau đến khai thác vàng trong lòng đất giàu khoáng sản thuộc quận Tonkolili của quốc gia Tây Phi.

“Ban đầu mọi người rất vui mừng vì sẽ có việc làm”, Hassan Tholley, lãnh đạo thị trấn Masumbiri, nói với Reuters , ngồi trên hiên nhà cùng những “già làng” khác, bên cạnh con đường đất.

Không lâu sau, hàng trăm thanh niên bắt đầu mang về cho gia đình các khoản lương và thị trấn 5.000 dân lần đầu tiên có sóng điện thoại, máy bơm – đều nhờ công ty Dayu.

Nhưng 18 tháng sau, người dân địa phương nói thu nhập của họ không đủ để bù lại những tổn thất mà họ bỏ ra, và vùng đất của họ ngày càng tệ đi.

Một đứa trẻ đứng cạnh máy bơm nước do công ty Trung Quốc lắp đặt ở quận Tonkolili của Sierra Leone. Ảnh: Reuters.

“Có nhiều mỏ vậy, lẽ ra phải phát triển hơn”

Như các quốc gia châu Phi khác, Sierra Leone đã mời gọi công ty nước ngoài, vốn trả cho các chính phủ các khoản phí lớn để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản, nhưng người dân địa phương thường cảm thấy họ không có tiếng nói gì và cũng không được hưởng lợi.

Trung Quốc đang là nước nhập khẩu khoáng sản lớn nhất từ vùng châu Phi phía nam sa mạc Sahara. Nước này đã đầu tư khoảng 30 tỷ USD vào khai thác kim loại ở lục địa đen trong thập kỷ qua, trong đó gần 15% là đầu tư vào Sierra Leone.

Khai thác vàng vốn có quy mô khá nhỏ so với khai thác kim cương hay quặng sắt, nhưng đang phát triển nhờ các công ty như Dayu. Công ty này nói họ đang khai thác mỏ vàng lớn nhất ở Sierra Leone – dự án duy nhất của cả công ty.

Nhiều công ty Trung Quốc nhỏ hơn, một số hoạt động trái phép, cũng đang khai thác vàng trong khu vực, bên cạnh các công ty lớn.

“Nếu nhìn các mỏ này, đáng ra các cộng đồng này phải phát triển hơn”, Mohamed Smooth Bangura, một thành viên hội đồng quận Tonkolili, nói với Reuters.

Trên con đường đất nhiều ổ gà dẫn đến Masumbiri, các biển hiệu gỉ sét cho thấy các công ty khai thác đã đến và đi. Chỉ quanh các mỏ Trung Quốc là có đường mới, xe hơi hay các tòa nhà.

Một mỏ vàng bị công ty Trung Quốc bỏ lại ở Masanga, quận Tonkolili, của Sierra Leone ngày 26/7. Ảnh: Reuters.

Việc làm ổn định nhưng thu nhập còn một nửa

Từ cửa hàng của mình, ở khu phố trung tâm của Masumbiri, Ibrahim Thulleh nói chuyện việc buôn bán đã giảm hẳn.

“Mọi người có ít tiền tiêu hơn kể từ khi công ty Dayu tới đây”, ông nói, ngồi trong lán ngoài trời vào một chiều nóng nực.

Trước Dayu, không có các công ty khai thác đến đây. Người tứ xứ tới thị trấn để đào vàng. Gặp may đào trúng vàng, họ sẽ tới khu phố tiêu tiền và Thulleh sẽ đắt hàng.

Công ty Dayu tuyển dụng 350 nhân công địa phương. Những người đào vàng độc lập phải rời đi sau khi công ty này tiếp quản mỏ.

Khi các công nhân nhận được tiền công – khoảng 50-150 USD/tháng – họ đưa cho gia đình, hàng xóm, và dùng tiền để trả nợ, Thulleh nói .

“Cuối tháng, họ không còn tiền”, Abdulai Kargbo, thợ mỏ 29 tuổi, kể . Công việc của Kargbo được cho là tốt hơn những người khác: anh làm ở công đoạn đặt thuốc nổ và khoan vào núi.

Trước thời công ty Dayu, người cha của 6 đứa con này lái xe ôm và kiếm được 10-15 USD/ngày, gấp đôi hiện tại.

Lợi ích của công việc ổn định không bù lại được mức lương tụt giảm, Kargbo nói. Trong vài tuần nữa, sau khi hoàn thành một năm làm việc tại mỏ, anh dự định nghỉ việc và quay lại nghề xe ôm.

Nhà máy xử lý, lọc vàng của công ty Dayu. Ảnh: Reuters.

William Bangura, người có hai con trai làm việc cho Dayu, nói trước đây, nhà ông chi tiêu thế nào, thì bây giờ vẫn chỉ ở mức đó.

“Chỉ đủ sống qua ngày”, ông nói với Reuters . Nhưng ông vẫn biết ơn vì có công việc: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

Thay vì được lọc bằng sàng và bán trong vùng, vàng giờ đây được khai thác bằng cách nghiền đá trong các nhà máy chế biến ở ven núi.

Загрузка…

Thành phẩm là các túi màu trắng chất thành đống lên sàn nhà, bên trong chứa bột màu xám có chứa chỉ vài gram vàng. Chúng sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc.

Các công ty chưa chú ý phát triển cộng đồng

Sierra Leone “mời gọi đầu tư”, theo Tổng thống Julius Maada Bio. Ông luôn gửi thông điệp đó đến các nhà đầu tư ở Trung Quốc, Anh và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái với cam kết khai thác sẽ làm lợi cho đất nước.

Các công ty như Dayu đã trả nửa triệu USD mỗi năm cho chính phủ để xin giấy phép khai mỏ quy mô lớn và bắt buộc phải chi 0,01% doanh thu cho phát triển cộng đồng, theo luật về khai thác khoáng sản.

Nhưng các chính sách phát triển cộng đồng không rõ ràng và luật này không phải lúc nào cũng được thực thi, chính phủ thừa nhận vào năm ngoái khi đưa ra các chính sách mới về khai thác.

Người dân Masumbiri, quận Tonkolili, Sierra Leone, cho biết chưa hưởng lợi về mức thu nhập kể khi công ty Dayu tới khai thác vàng. Ảnh: Reuters.

Công ty Dayu đã quyết định nâng mức đóng góp xã hội lên 1%, nhưng vẫn đang bàn bạc với địa phương về các chi tiết, quản lý phụ trách vấn đề cộng đồng của Dayu, Mohamed Daffae, nói .

Ba thị trấn trong khu vực có những nhu cầu khác nhau. Một thị trấn muốn có trường học, thị trấn khác muốn trạm y tế, còn thị trấn thứ ba cần nước sạch.

Và cho đến giờ, máy bơm – đóng góp của Dayu cho cộng đồng – mới chỉ bơm nước thẳng từ sông chứ không lọc nước.

“Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp phát triển cộng đồng”, Tổng giám đốc Dayu Peng Hui Yao nói . “Chúng tôi thực sự muốn mang lại sự ấm no cho người dân địa phương”.

Daffae nói người dân đang thiếu kiên nhẫn và khẳng định lợi ích sẽ đến. Ông cho biết người dân thường cho rằng đất và khoáng sản thuộc về họ, nhưng họ không có giấy phép khai thác.

“Thử thách lớn nhất là họ phải hiểu rằng cần phải đánh đổi”, Daffae nói thêm.

Gần đây, người dân địa phương phản đối một khu vực mà công ty muốn đào và khai thác. “Tôi phải đến đó và thuyết phục là họ không thể dừng hoạt động khai thác – điều đó (khai thác) sẽ có lợi cho tất cả chúng ta”, ông nói.

Trọng Thuấn

Theo News.zing.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới