Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiChư Pah giải quyết căn cơ những vấn đề nổi cộm

Chư Pah giải quyết căn cơ những vấn đề nổi cộm

Chiều 12-1, UBND huyện Chư Pah phối hợp với một số sở, ngành tổ chức họp bàn giải quyết các vấn đề nổi cộm trên địa bàn huyện trong thời gian qua, cụ thể là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, công tác quản lý hoạt động xây dựng và quản lý bảo vệ rừng.

“Nóng” nhiều vấn đề

Tại cuộc họp, ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: “Năm 2017, trên địa bàn huyện Chư Pah đã xảy ra nhiều vấn đề “nóng”. Điển hình là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, đá xây dựng, gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường”. Nguyên nhân của tình trạng này là quy định của Luật Khoáng sản chưa chi tiết. Những điểm mỏ khoáng sản như cát, đá xây dựng nằm rải rác, nhỏ lẻ, không tập trung. Đối tượng khai thác trái phép thường manh động hoặc ít trực tiếp ra mặt. Một số cán bộ xã, thị trấn chưa thực sự vào cuộc, chưa làm tròn trách nhiệm, thẩm quyền đã phân cấp, thậm chí có biểu hiện buông lỏng, làm ngơ.

Huyện Chư Pah họp bàn giải quyết các vấn đề nổi cộm.    Ảnh: Đ.Y
Huyện Chư Pah họp bàn giải quyết các vấn đề nổi cộm. Ảnh: Đ.Y

Về công tác quản lý hoạt động xây dựng, ông Lâm cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện có 3 dự án, gồm: quy hoạch đường điện 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2; quy hoạch Dự án Trạm biến áp 110 kV Ia Grai-nhánh rẽ tại địa bàn thị trấn Phú Hòa và quy hoạch đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh TP. Pleiku ngang qua huyện Chư Pah. Trong quá trình khảo sát, lập dự án, một số hộ dân đã tự ý xây dựng công trình kiên cố như bể chứa nước, nhà rẫy trên đất quy hoạch các dự án để trục lợi, gây ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã kiểm tra và phát hiện 43 trường hợp vi phạm, gồm 61 công trình, nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu ở 2 xã: Nghĩa Hòa, Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa. Trong đó, đã ra quyết định xử lý 19 trường hợp, 17 trường hợp chưa xử lý vi phạm hành chính và 7 trường hợp tự tháo dỡ.

Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Công Lâm cho rằng: Quá trình xây dựng của người dân diễn ra trước khi Sở Giao thông-Vận tải chính thức bàn giao công trình cho huyện. Hơn nữa, việc người dân xây bể chứa, nhà ở trong rẫy là chuyện bình thường lâu nay. Dù biết người dân xây công trình nhằm mục đích trục lợi nhưng huyện lại không có căn cứ cụ thể để xử lý. Trả lời câu hỏi “có hay không việc cán bộ xã, huyện tiếp tay để người dân xây dựng các công trình trái phép nhằm trục lợi?”, ông Đặng Công Lâm cho hay, thời gian qua, huyện Chư Pah đã xử lý nghiêm việc này, có cán bộ huyện đã bị kỷ luật và chuyển công tác khác.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, ông Lâm nói: “Tổng diện tích rừng giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Chư Pah là 17.267 ha. Trong năm 2017, huyện Chư Pah đã để xảy ra 24 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với khối lượng lâm sản vi phạm là hơn 216,5 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ nhóm 3 đến nhóm 7. Trong đó, nổi cộm nhất là một số vụ khai thác, cất giấu gỗ trái phép xảy ra tại tiểu khu 174 (xã Hà Tây, Chư Đăng Ya) và vụ khai thác lâm sản trái phép tại Ban Quản lý Dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa thuộc địa giới hành chính xã Đak Tơ Ve, hiện vẫn chưa giải quyết xong. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số đơn vị chủ rừng, chính quyền một số xã và các ngành liên quan còn thiếu sự phối hợp, gắn kết trách nhiệm, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Quyết tâm giải quyết căn cơ các vụ việc

Trên cơ sở những ý kiến đề xuất của các xã, thị trấn và của một số sở, ngành về giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, nhấn mạnh: “Mấu chốt để giải quyết căn cơ mọi việc là con người. Nhưng thời gian qua, xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện là do cán bộ còn làm ngơ. Vì vậy, huyện thống kê lại chi tiết các điểm mỏ nằm trên địa phận xã nào thì giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã đó quản lý. Nếu địa phương không quản lý tốt, tiếp tục để vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ kỷ luật người đứng đầu”.

Còn về công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, nêu ý kiến: Diện tích rừng quản lý bảo vệ trên địa bàn xã rộng. Xã đã lập chốt chặn nhưng chưa phù hợp; lượng xe chuyên dụng gồm máy cày, xe máy độ chế để chở gỗ lậu trên địa bàn xã có gần 200 chiếc, chủ yếu là của bà con dân tộc thiểu số. Nên chăng tịch thu các loại xe độ chế này; đồng thời, bố trí lại điểm chốt chặn và thiết lập độc đạo ở đó và gắn camera để theo dõi mọi hoạt động của lâm tặc. Theo Chủ tịch UBND huyện Đặng Công Lâm, giải pháp này không chỉ thực hiện ở xã Chư Đăng Ya mà sẽ triển khai ở tất cả các xã còn lại để hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng.

Về chấn chỉnh các hoạt động xây dựng trên địa bàn, ông Trịnh Văn Sang-Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: Trong công tác quy hoạch, huyện Chư Pah nên công khai để người dân nắm rõ. Đối với những công trình xây dựng trái phép, xây dựng không phép thì đình chỉ thi công, khi đủ giấy phép mới tiếp tục được xây dựng. Huyện phải làm thật nghiêm thì mới chấn chỉnh được tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn. “Nói thì dễ, làm mới khó nhưng nếu chúng ta kiên quyết thực hiện, bỏ bớt cả nể, du di thì mọi việc sẽ đi vào nền nếp”-ông Sang nói.

Đinh Yến

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới