Chủ tịch Quốc hội mong muốn, lãnh đạo các cấp ở tỉnh Gia Lai lắng nghe ý kiến của nhân dân, không để những đám lửa nhỏ bùng lên thành điểm nóng.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chiều 19/3, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc.

Gia Lai là một tỉnh nằm ở phía bắc Tây Nguyên, dân số trên 1,4 triệu người, trong đó vùng nông thôn chiếm 70%, gồm 34 dân tộc, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%. Gia Lai có những thuận lợi cơ bản cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái, rau quả, chăn nuôi; có điều kiện thuận lợi để phát triển thủy điện. Tỉnh còn có tiềm năng phát triển về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như: Điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, Gia Lai có xuất phát điểm kinh tế thấp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, tập quán sản xuất lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thường xuyên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. An ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa ổn định, là địa bàn các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tập trung chống phá trên nhiều lĩnh vực.

Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Gia Lai có vị trí quan trọng trong hệ thống các tỉnh Tây Nguyên, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu và hạn hán xảy ra thường xuyên. Đồng tình với những giải pháp của Gia Lai trong thời gian tới, để thu hút hơn nữa các doanh nghiệp đến đầu tư tại Gia Lai, theo ông Dương Quốc Anh, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đang rất thấp, đây là vấn đề đáng lưu tâm:

“Chỉ số PCI của tỉnh xếp hạng 43, dưới mức trung bình của cả nước. Rất mong các đồng chí quan tâm đến việc xếp hạng. Bởi chúng ta đang tập trung kêu gọi đầu tư, mà các nhà đầu tư lại quan tâm đến vấn đề này là đầu tiên” – ông Dương Quốc Anh cho biết.

Ông Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội lại lo ngại về một điểm nóng mà cả Chính phủ và Bộ Công an rất chú ý trong thời gian qua ở các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên, đó là quỹ tín dụng đen. Theo ông, trong hoạt động tín dụng đen có hoạt động riêng, không tuân theo luật nào. Điều kiện cho vay dễ, nhưng lãi suất rất cao, gây ra tình hình phức tạp. Bên cạnh đó hình thành tổ chức đòi nợ thuê. Riêng trên địa bàn Gia Lai có 859 đầu mối cho vay lãi suất cao tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với 9.000 người vay.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “An ninh Tây Nguyên không bao giờ là vấn đề cũ. Sau khi Ban chỉ đạo Tây Nguyên chấm dứt hoạt động thì việc an ninh Tây Nguyên giao cho cấp ủy và các địa phương thực hiện. An ninh Tây Nguyên thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị… không được chủ quan mà cần phải có những phương án”.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Về đề xuất của Gia Lai đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cho các tỉnh Tây Nguyên để góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, nếu không đầu tư được tuyến đường sắt thì đầu tư đường cao tốc đoạn qua Quốc lộ 19 ở Gia Lai, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đồng ý với đề nghị này. Vì cảng Quy Nhơn là cảng gần nhất và là đầu ra cho cả Tây Nguyên. Hiện nay đường xuống đó bị ách tắc, quan điểm của Ủy ban là tập trung đầu tư cho đường 19 để tìm đường ra cho Gia Lai xuống cảng Quy Nhơn, như vậy mới kết nối đươc cả du lịch và hàng hóa. Còn nếu chờ đường đường sắt thì rất lâu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kết quả mà đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai thực hiện trong thời gian qua. Đồng tình với những giải pháp địa phương đưa ra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Gia Lai cần phải có định hướng cơ bản nhất, để đầu tư thực hiện từ cái khó nhất như: tỉ lệ hộ nghèo còn nhiều; cần thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới; thu hút nhiều hơn nữa các nguồn dầu tư; gia tăng sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu các loại cây ăn quả. Nếu làm được như vậy thì sẽ giải quyết căn bản việc nâng cao đời sống của người dân, tiến tới xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Gia Lai cần bắt tay với Kon Tum để phát triển vùng du lịch ở Tây Nguyên.

Theo Chủ tịch Quốc hội, muốn phát triển du lịch thì phải có giao thông kết nối. Tỉnh Gia Lai cùng với Kon Tum thuộc tiểu vùng Bắc Tây Nguyên cần phải tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Hiện nay, Kon Tum đang đề nghị đoàn có một số địa điểm du lịch chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển vùng du lịch ở Tây Nguyên. Vì vậy phải hướng tới xây dựng quy hoạch hướng 10 năm tới, dịch vụ du lịch của Gia Lai gắn với Kon Tum là gì? Phải liên kết lại, đi thăm Gia Lai thì cũng phải đi thăm Kon Tum” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần chú trọng đến công tác này.

“Phải xây dựng tiềm lực an ninh trong thế trận phòng thủ của tỉnh. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đó cũng chính là làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động để đồng bào nâng cao cảnh giác, hiểu rõ âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Cần chủ động nắm tình hình ngăn chặn hoạt động phục hồi của tổ chức Phun-rô hay các tà đạo. Tăng cường công tác quản lí nhà nước về các hoạt động tôn giáo. Tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định của nhà nước. Phải ngăn chặn những tà đạo đang âm thầm phá hoại niềm tin của một bộ phận nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, lãnh đạo các cấp ở tỉnh Gia Lai cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, cử tri đi kiểm tra nắm tình hình, không để những đám lửa nhỏ bùng lên thành điểm nóng. Triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, Quốc hội…

Với những kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ ghi nhận những đề xuất của tỉnh để gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân về xây dựng tuyến đường sắt hoặc cải tạo đường 19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây cũng chính là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất này.

Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường Đại đoàn kết, Thành phố Pleiku; thăm và tặng quà gia đình ông Ksor Ní, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; thăm và tặng quà gia đình ông Ngô Thành, nguyên Phó Bí thư tỉnh Gia Lai; gia đình ông Nguyễn Duy Khanh, nguyên Phó Bí thư tỉnh Gia Lai; gia đình bà Bùi Thị Lệ Thanh thương binh 1/4.

Những hoạt động này đã kết thúc chuyến làm việc của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác./.

Lê Tuyết/VOV

Theo Vov.vn