Thứ Hai, 29 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiChủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Khẩn trương triển khai giải...

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Khẩn trương triển khai giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở

Sáng 14-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tình trạng sạt lở bờ sông, suối tại thôn Quý Đức (xã Ia Trốk), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn) và Trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng).

Đây là những khu vực mà UBND huyện Ia Pa đã có tờ trình đề nghị xem xét, quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối.

19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16 km

Báo cáo với đoàn công tác, ông Huỳnh Văn Trường-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Trên địa bàn huyện có hệ thống sông, suối khá dày. Vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông, suối xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện trên địa bàn huyện có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16 km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600 m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân. Đặc biệt nghiêm trọng là các khu vực: Trạm bơm Chư Răng 2, thôn Quý Đức, cầu Ia Kdăm. Hiện dòng chảy ép sát bờ sông, suối gây sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Minh Nguyễn

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Minh Nguyễn

Chủ tịch UBND huyện Ia Pa đánh giá: Các vị trí thường xuyên sạt lở có các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi và tuyến đường Trường Sơn Đông, khu dân cư, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, nhà ở của nhiều người dân. Do vậy, cần có biện pháp gia cố chống sạt lở bờ sông, suối tại các vị trí này để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống công trình, hạ tầng giao thông trong điều kiện mưa lũ ngày càng nghiêm trọng, bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng sạt lở tại các khu vực trên đã xảy ra trong nhiều năm, người dân đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng chưa được xử lý.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, khu vực sạt lở tại thôn Quý Đức nằm cạnh sông Ayun, gồm 2 đoạn dài khoảng 1,5 km. Vào mùa lũ, đoạn sông này có các vùng nước xoáy gây sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Qua khảo sát sơ bộ, từ năm 2009 đến nay, khu vực này đã sạt lở lấn sâu vào khu dân cư khoảng 200 m, tổng diện tích đất sản xuất và đất ở bị sạt lở khoảng 10 ha. Trong đó, tổng chiều dài khu vực bờ sông có nhà dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 200 m, ảnh hưởng trực tiếp đến đường dây điện trung thế 35 kV đi ngang qua (1 chân trụ bị sạt lở), chùa Bửu Thắng và 2 hộ dân (11 khẩu) phải di dời đi nơi khác.

“Vào mùa mưa lũ, nhất là khi có thông báo xả lũ của Thủy điện An Khê-Ka Nak và công trình thủy lợi Ayun Hạ, huyện phải bố trí lực lượng túc trực tại các vị trí sạt lở, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của họ”-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa nêu thực trạng.

Tương tự, khu vực cầu Ia Kdăm bắc qua sông Ba thuộc xã Ia Mrơn có chiều dài đoạn sạt lở khoảng 1 km, trong đó có khoảng 300 m ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân (33 khẩu) đang sinh sống gần bờ sông. Về lâu dài, nếu không được gia cố thì nhà ở của 8 hộ dân này có nguy cơ bị sạt lở xuống sông Ba và ảnh hưởng đến chân cầu Ia Kdăm. Ngoài ra, khu vực sạt lở ở Trạm bơm Chư Răng 2 dài khoảng 1,2 km, trong đó khoảng 600 m hiện có nhiều vị trí sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến đường Trường Sơn Đông (khoảng 100 m có vị trí sạt lở đến sát mốc lộ giới). Trạm bơm điện Chư Răng 2 và nhà ở của 17 hộ dân nơi đây cũng có nguy cơ sạt lở xuống sông. Tại khu vực này, năm 2009, huyện đã vận động di dời 11 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở đến nơi ở mới. Thế nhưng hiện nay, phạm vi sạt lở ngày càng mở rộng, tiếp tục lấn sâu vào đất ở của những hộ dân nói trên.

Ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn Quý Đức) cho biết: “Tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra đã gần 20 năm. Cứ mỗi mùa mưa lũ, nước về nhiều, dòng chảy lớn gây sạt lở đất cả ngày lẫn đêm, không những xâm lấn đến sát nhà ở mà còn “nuốt” luôn đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Nhiều hộ gia đình sống gần khu vực bờ sông ăn không ngon, ngủ không yên, thấp thỏm lo âu bởi qua mỗi lần mưa lũ là đất của người dân mất từ 3 đến 4 m, thậm chí từ 30 đến 50 m tính từ mép nước vào. Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Công-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn-nêu thực trạng: Khu vực sạt lở tại thôn Đak Yă diễn ra rất nghiêm trọng. Từ năm 2023 đến nay, vị trí này sạt lở hơn 50 m từ mép sông vào phần đất ở, đất sản xuất của người dân. Các hộ dân ở gần vị trí xảy ra sạt lở rất lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ đến. Bà con mong muốn các cấp, ngành sớm xây dựng bờ kè chống sạt lở để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Hiện khu vực này có 8 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất với diện tích khoảng 7 ha, chiều dài vị trí sạt lở khoảng 3 km.

Gấp rút triển khai các dự án chống sạt lở

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các địa điểm sạt lở, đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa về các nội dung tờ trình được UBND huyện Ia Pa đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xem xét, quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã đóng góp ý kiến, làm rõ các nội dung liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai tại các khu vực trên; bàn bạc phương án triển khai dự án xây bờ kè chống sạt lở từ nguồn vốn 150 tỷ đồng đã được Trung ương hỗ trợ tỉnh Gia Lai khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trong năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa về tình hình sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn. Ảnh: M.N

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa về tình hình sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn. Ảnh: M.N

Ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-khẳng định: Từ khảo sát thực tế cũng như qua phản ánh của người dân và chính quyền địa phương thì tình trạng sạt lở biến động nhanh, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình. Do vậy, Sở sẽ phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương khẩn trương hoàn tất các văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh để công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại các vị trí nói trên.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị: “Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp, Sở sẽ đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh khảo sát và lập báo cáo đề xuất dự án. Trong quá trình triển khai lập dự án, đề nghị Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Ia Pa xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để rút ngắn được thời gian, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án hoàn thành trong năm 2024. Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp đôn đốc Ban Quản lý đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đánh giá tình hình sạt lở tại các điểm trên địa bàn huyện Ia Pa là hết sức nghiêm trọng và khẩn cấp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Do đó, việc triển khai các giải pháp để kịp thời khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở, sinh hoạt và đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông cũng như bảo vệ công trình, tài sản nhà nước là hết sức cấp bách.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tại vị trí thường xuyên sạt lở này có các khu dân cư, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng; sạt lở đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân; nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và các hộ dân.

“Nhiều năm qua, do mất đất sản xuất và sợ ảnh hưởng đến nhà ở và tính mạng, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng các công trình kè để bảo vệ nhà, đất ở và đất sản xuất. Do đó, đề nghị UBND huyện Ia Pa cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để hạn chế, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Người dân mong muốn các cấp ngành, địa phương sớm có phương án hỗ trợ người dân chống sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Ảnh: Minh Nguyễn

Người dân mong muốn các cấp ngành, địa phương sớm có phương án hỗ trợ người dân chống sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Ảnh: Minh Nguyễn

Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, trong đó tỉnh Gia Lai được hỗ trợ 150 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh sử dụng để hỗ trợ thực hiện Dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối tại 3 khu vực được kiểm tra, khảo sát.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị UBND huyện Ia Pa và các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để sớm triển khai Dự án xây dựng kè chống sạt, lở, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tranh thủ các nguồn vốn để kết hợp với nguồn vốn 150 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ để triển khai.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu UBND huyện Ia Pa theo dõi thường xuyên diễn biến mưa lũ, sạt lở; tổ chức khoanh vùng khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo và thông báo rộng rãi cho người dân không đi vào vùng nguy hiểm; đồng thời có phương án để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân sinh sống trong khu vực, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến.

Mặt khác, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế tốc độ sạt lở, phải tính đến phương án kè chống sạt lở để đảm bảo ổn định lâu dài; thường xuyên quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, trong đó đặc biệt chú trọng phương án sơ tán các hộ dân sinh sống sát mép các khu vực sạt lở đến nơi an toàn; khi có mưa lũ xảy ra cần tổ chức các lực lượng tuần tra, canh gác và xử lý kịp thời các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các giải pháp mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng sạt lở tại các khu vực trên địa bàn huyện Ia Pa đảm bảo ổn định lâu dài.

MINH NGUYỄN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới