Chủ Nhật, 20 Tháng 4, 2025
Trang chủDu Lịch Gia LaiChuyện ăn vặt ở Pleiku xưa

Chuyện ăn vặt ở Pleiku xưa

“Không ăn hàng, không phải phụ nữ”, đúng thế thật! Nhưng ăn vừa vừa thì được chứ lỡ hơi quá một chút là bị các cụ xếp vào loại “mỏ khoét” ngay. Pleiku ngày xưa cũng lắm món phục vụ cho cái “thuộc tính” ấy. Bây giờ, người ta gọi là ăn vặt thay cho ăn hàng có lẽ đúng bản chất chuyện ăn ngoài bữa chính của các bà, các cô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở Pleiku cách đây hơn 40 năm, các bà, các cô ăn gì? Liệt kê ra thì cũng khá phong phú: trong nhà, trong tiệm, ngồi xổm bên gánh hàng rong đều có cả… Trước hết là chè, món ngọt lịm mà cô nào cũng ghiền. Nơi các nữ nhi ghé nhiều nhất là quán chè đủ loại cạnh trạm biệt cảnh, sát nhà hát Đam San bây giờ. Quán Hưng Thịnh của bà Huệ trên đường Sư Vạn Hạnh, trước trường Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ) cũng khá đắt khách, cả 2 quán này có chè đậu xanh đánh rất ngon. Chủ quán Hưng Thịnh xưa và con cái giờ nổi tiếng với chuỗi nhà hàng tiệc cưới Trầu Cau. Cũng không thể không kể đến món đậu xanh đánh ở quán Dầu Lửa Xanh ngay góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Lê Văn Duyệt (nay là đường Trần Phú). Còn ai thích chè gốc Hoa thì quá bước đến mũi tàu Phan Bội Châu-Quang Trung gặp ông già “Tàu” với sâm bổ lượng, lục tàu xá, chí mà phủ… đủ cả!

Cảnh tượng 2 chiếc áo dài trắng xinh xắn, nhưng chẳng thể ngắm rõ dung nhan vì bị che khuất bởi vài chồng chén chất cao chỉ có thể thấy ở quán bánh bèo hẻm Minh Đức, đường Lê Lợi. Bánh được đổ từng chén cỡ vừa, nóng hổi, da heo (hay bánh mì) xắt nhỏ chiên phồng, tôm chấy, hành lá phi ăn với nước mắm pha hay tương đặc chủng. Ăn bao nhiêu cứ đếm chén mà tính tiền. Khu chợ Nhỏ cũng có nơi chuyên bán bánh bèo theo style này, nhưng không đông khách bằng. Tây một chút, cặp đôi pa-tê-sô (patéchaud)-sữa đậu nành nóng hiện diện ở quán Nam Thành ngay góc đường Phan Bội Châu-Phó Đức Chính (đường Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) và Tân Cao Nguyên trên đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương), quán sau có cô chủ người Hoa múp míp, nước da như trứng gà bóc. Nhiều người cũng chưa quên sữa chua Ty Công chánh và sữa chua am Bà bên đường Phó Đức Chính nổi tiếng lắm thời ấy. Ngoài sữa chua thuần còn có biến tấu với trứng gà, ca cao, các loại hương trái cây nữa. Món này mà quên quán yaourt ông Nghị đối diện trường Minh Đức (nay là Trường THPT Lê Lợi) thì thật thiếu sót.

Có nên kể bánh mì vào danh mục ăn vặt không nhỉ khi các nàng cũng hay “thổi kèn” bất kể giờ giấc? Xe bánh mì rải rác các nơi với nhân thịt xá xíu xắt sợi, ít đồ chua, chan thêm một loại xốt thế là xong. Đơn giản mà ngon. Muốn thời thượng thì có bánh mì Yến Vân trên đường Lê Văn Duyệt gần chợ Mới với đủ pa-tê, dăm bông, xúc xích, cá mòi hộp… Trở lại cái mũi tàu đã nhắc ở trên, ta còn gặp xe bánh mì bình dân của một cô còn trẻ bán cũng khá đắt khách, cạnh bên là mấy món bánh tiêu, giò cháo quẩy, cháo huyết đầy cuốn hút cũng của một ông người gốc Hoa. Mì Quảng vẫn ở khu Nguyễn Đình Chiểu bây giờ với quán ông Giá. Ông này vừa trực tiếp bán vừa cung cấp mì tươi cho mấy nơi nữa. Hàng rong nhiều về số lượng, nhưng chỉ quanh quẩn mấy món khá bình dân như: bắp, xôi, chè, cháo, đậu hũ, kem cây, kem ly… (Nói đến kem thì Bắc Hương là thương hiệu của Phố núi thời đó). Tuy cũng là bán rong đấy, nhưng bánh cuốn của bà Tuyết khá nổi tiếng. Hiện nay, con cái bà kế nghiệp mẹ đã lên quán ở số 28 Nguyễn Văn Trỗi, rất đông khách.

Có người thắc mắc sao không nhắc gì đến bún mắm cua, đặc sản ẩm thực Phố núi? Chuyện là thế này, thuở ấy, người Bình Định lên làm ăn ở Pleiku khá đông, họ tạm cư tập trung tại khu vực đường Lý Thái Tổ-Huỳnh Thúc Kháng. Mấy bà vợ chế biến món khoái khẩu của dân thợ xứ Nẫu kiếm thêm ít thu nhập từ đồng hương chứ dân Pleiku không ăn vì chưa quen mùi vị.

Kể hết thì sẽ không cùng, thôi thì kê mấy món có điểm nhấn ngày ấy vậy.

Nguyễn Sơn

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới