Sáng nay, 2/5, Xá-lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được cung nghinh trọng thể từ Ấn Độ về Việt Nam bằng chuyên cơ quân sự đặc biệt, dưới sự hộ tống trực tiếp của Bộ trưởng Quốc hội Ấn Độ.
Sự kiện hi hữu
Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đức Đệ tứ Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Đức Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì lễ tiếp đón và cung rước Xá-lợi.

Buổi lễ được tổ chức long trọng, có sự tham dự của chư tôn đức Giáo phẩm Giáo hội, đại diện Chính phủ, đoàn chuyên gia Ấn Độ cùng sự hiện diện của đông đảo Tăng Ni, Phật tử và người dân thành phố.

Sau khi Xá-lợi được cung thỉnh từ chuyên cơ quân sự đến phòng đón tiếp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm hạnh phúc sâu sắc khi được đón Xá-lợi Đức Phật lần đầu tiên trở lại Việt Nam nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.

Ông Dung khẳng định, đây là sự kiện mang ý nghĩa thiêng liêng không chỉ với cộng đồng Phật tử mà còn với toàn thể nhân dân Việt Nam – đất nước hòa bình, nhân ái và luôn trân trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.

“Việc tổ chức Đại lễ Vesak tại Việt Nam là minh chứng cho tinh thần hội nhập và đóng góp tích cực của Việt Nam vào nền văn hóa và tâm linh thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
.jpg)
Bộ trưởng Liên bang Ấn Độ về Công bằng xã hội và Trao quyền Kiren Rijiju – Trưởng đoàn tháp tùng Xá-lợi Đức Phật – bày tỏ niềm vinh hạnh của Chính phủ Ấn Độ khi được chính thức cung thỉnh Xá-lợi Đức Phật sang Việt Nam theo nghi lễ quốc gia, thể hiện tình cảm trân trọng và gắn bó giữa hai đất nước. Ông Bộ trưởng nói việc được trực tiếp tháp tùng và tham dự Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam là một nhân duyên quý báu, đáng ghi nhớ trong sự nghiệp chính trị gia của mình.
“Việt Nam và Ấn Độ đều là những quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời và sâu sắc. Phật giáo – được khởi nguồn từ đất Phật và lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam – đây chính là sợi dây kết nối thiêng liêng, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết và đồng hành giữa hai dân tộc trên nền tảng hòa bình, từ bi và trí tuệ”, ông Kiren Rijiju nhấn mạnh.
Trang nghiêm lễ cung đón
Ban Nghi lễ Trung ương chủ trì nghi thức tôn thỉnh Xá-lợi Đức Phật lên xe hoa kết kính trang nghiêm, dẫn đầu bởi Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hoà thượng Chủ tịch và chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội. Đoàn cung nghinh bao gồm chư Tăng Ni cầm pháp khí, nhạc lễ cổ truyền, cờ lộng, cùng đoàn Phật tử dâng hoa thể hiện lòng thành kính sâu sắc.

Đoàn di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) trong không khí thiêng liêng, với sự xúc động và kính ngưỡng của hàng ngàn người dân hai bên đường, tay chắp búp sen, lòng hướng về Đức Thế Tôn.
Tiếng chuông ngân vang, tiếng tụng kinh hòa quyện với âm thanh trống Bát-nhã đã tạo nên một không gian thanh tịnh, trang nghiêm, đầy đạo vị – biểu tượng thiêng liêng của niềm tin sâu sắc và sự hòa hợp trong tâm linh.

Xá-lợi Đức Phật được cung nghinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) trước khi đến chùa Thanh Tâm để tiến hành nghi lễ an vị.

Nghi thức an vị được Ban Nghi lễ cử hành trong không khí linh thiêng và trang nghiêm dưới sự hộ niệm của chư tôn đức Tăng Ni. Xá-lợi được long trọng thỉnh nhập chính điện trong tiếng chuông trống Bát-nhã hòa cùng lời kinh trầm hùng. Nghi lễ diễn ra theo truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, bao gồm các nghi thức: lễ bạch Phật, tụng kinh Khánh đản, dâng cúng phẩm vật và nhiễu Phật, Xá-lợi Phật ba vòng – thể hiện lòng thành kính và niềm hoan hỷ vô biên đối với Pháp thân của Ngài.

Được biết, Xá-lợi Đức Phật là phần thân thể còn lưu lại sau lễ trà-tỳ của Đức Thế Tôn, được tôn kính như biểu tượng pháp thân và trí tuệ giác ngộ. Xá-lợi được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi và chỉ được cho phép tạm xuất khỏi Ấn Độ trong các sự kiện ngoại giao đặc biệt, dưới sự phê chuẩn của Tổng thống Ấn Độ.
Việc đưa Xá-lợi ra nước ngoài được quản lý ở mức độ an ninh cao nhất. Sự hiện diện của Xá-lợi tại Việt Nam không chỉ là một dấu ấn tâm linh sâu sắc với cộng đồng Phật tử mà còn mang ý nghĩa ngoại giao đặc biệt, thể hiện tình hữu nghị và sự trân trọng của Chính phủ Ấn Độ đối với Việt Nam – quốc gia đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Trước đó, ngày 1/5, tại Bảo tàng Quốc gia ở Thủ đô New Delhi – nơi tôn trí Xá lợi, phái đoàn lãnh đạo cấp cao của GHPGVN đã thực hiện các thủ tục tiếp nhận và cử hành lễ cầu nguyện, trong sự hiện diện và chứng minh của chư tôn đức hai quốc gia cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ.
Ý nghĩa tôn trí Xá-lợi Đức Phật mùa Vesak 2025
Tôn trí Xá-lợi Đức Phật trong khuôn khổ Đại lễ Vesak không chỉ là nghi lễ mang tính chất tâm linh, mà còn là sự kiện biểu trưng cho lòng thành kính, niềm tin sâu xa và sự tri ân đối với Đức Thế Tôn – bậc Giác Ngộ vĩ đại của nhân loại. Xá-lợi, được tôn xưng là pháp thân còn lưu lại của Đức Phật, là biểu hiện sống động của năng lượng giác ngộ, từ bi và trí tuệ vĩnh hằng.
Việc cung nghinh và tôn trí Xá-lợi trong dịp Vesak cũng là nhịp cầu kết nối văn hóa và tâm linh giữa các quốc gia, thể hiện vai trò chủ động và đóng góp tích cực của Phật giáo Việt Nam vào dòng chảy chung của nhân loại về một thế giới hòa bình, hòa hợp và từ bi.
Xá-lợi Đức Phật sẽ được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (TP.HCM) từ ngày 2-8/5, Núi Bà Đen – khu du lịch quốc gia (tỉnh Tây Ninh) từ ngày 9-12/5, chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương GHPGVN (TP.Hà Nội) từ ngày 14-16/5 và chùa Tam Chúc – nơi tổ chức chính Đại lễ Vesak 2019 từ ngày 17-21/5, sau đó cung thỉnh về Ấn Độ.
Đăng Huy / Vnexpress