Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiChuyện thú vị về vị tiền hiền họ Phan ở Krông Pa

Chuyện thú vị về vị tiền hiền họ Phan ở Krông Pa

Năm 1947, sau khi Gia Lai bị thực dân Pháp tái chiếm, 3 đảng viên người Jrai là các ông Ksor Ní, Rơchom Thép và Rơchom But từ Phú Yên lên Đất Bằng thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Cheo Reo (gồm Ayun Pa, Ia Pa, Phú ThiệnKrông Pa). Trước đó nhiều chục năm, một người đàn ông đảm lược họ Phan cũng từ đất Phú Yên lên tạo dựng làng Việt mới trên đất Krông Pa. Chúng tôi vừa trở về thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần) thăm nơi thờ tự vị tiền hiền này và phát hiện nhiều điều thú vị.

Nơi thờ vị tiền hiền họ Phan nhìn từ bên ngoài.  Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nơi thờ vị tiền hiền họ Phan nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Theo từ điển, tiền hiền là từ được dùng chỉ các bậc tài đức thời xưa. Trong trường hợp này, tiền hiền chính là người đã có công chiêu mộ dân để lập nên làng ấp, tạo tiền đề để những người sau mình (hậu hiền) tiếp tục sự nghiệp ấy.

Tọa lạc tại một vị trí khá đẹp, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, nơi thờ tự vị tiền hiền họ Phan mới được trùng tu năm 2019. Đi qua cái cổng có biển đề “Đền thờ tiền hiền Phú Cần 1925-Phú Túc 1962”, du khách gặp một khoảng sân tương đối rộng trước khi bước vào căn nhà xây khá chắc chắn có các ban thờ tiền hiền, hậu hiền với nhiều bức đại tự chữ Hán và một số câu đối viết bằng tiếng Việt phiên âm. Các câu đối ở đây có nội dung khá gần nhau về ý nghĩa, đại ý tiền bối có công khai hoang lập làng, hậu bối có công gìn giữ, phát triển làng hoặc tiền hiền đã có công khai hoang lập ấp, công lao to lớn, thế hệ sau tiếp nối thành tựu đời trước để lại…

Tại nơi thờ hiện có một tấm bảng nền đỏ chữ vàng, nội dung ghi (nguyên văn) như sau: “Tóm tắt tiểu sử ông tiền hiền. Ông tiền hiền tên thật là Phan Hữu Phàn. Ông sinh năm 1903; mất ngày 28/05/1940 (Năm Canh Thìn). Hưởng dương 37 tuổi. Quê quán: An chấn-Tuy An-Phú Yên. Năm 1925 lúc đó ông 22 tuổi. Chàng thanh niên cường tráng đã quyết định rời xa quê nhà đi khai thiên lập địa. Người đã dừng chân và lập làng Phú Cần, tức xã Phú Cần-huyện Krông Pa ngày nay. Đông giáp: suối Mlah. Nam giáp: Sông Pa. Tây giáp: Chà Dà (cầu trắng-Chư Thái). Bắc giáp: Buôn Dù”. Về cơ bản, những thông tin trên đây thường được lan truyền rộng rãi ở các cộng đồng cư dân trong và ngoài Phú Cần, bao gồm cả trên báo chí và mạng xã hội.

Theo chân anh Nguyễn Trung Thành-Trưởng thôn Thắng Lợi, chúng tôi đi thăm mộ cụ tiền hiền họ Phan ở buôn Thim (xã Phú Cần) cách nơi thờ tự không xa. Tại khu mộ được xây dựng và rào giậu cẩn thận này có 2 tấm bia. Tấm thứ nhất gắn trên đỉnh mộ là các dòng chữ được khắc trên phiến đá đen còn khá mới do một người tu hành phiên âm sang chữ Việt, phía dưới có đề “Nhân dân huyện Krông Pa đồng phụng lập mộ”. Tấm bia thứ hai bằng chữ Hán, được gắn ở phía đầu mộ người đã khuất (gắn xuống nền xi măng). Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn-cán bộ Bảo tàng tỉnh, so với văn bia chữ Hán, bản phiên âm tiếng Việt có vài thiếu sót. Tiến sĩ đã dịch giúp chúng tôi nội dung tấm bia được gắn phía đầu mộ người đã khuất qua tiếng Việt như sau: “Bia mộ được lập tháng 4 năm Nhâm Ngọ. Mộ ông Chánh chủ mộ hàm Cửu phẩm chức Đội trưởng họ Phan. Sinh ngày tháng không rõ, năm Canh Dần. Mất vào giờ Dậu, ngày 29 tháng 5 năm Canh Thìn”.

Theo chúng tôi, nếu tấm bia được khắc hoàn toàn đúng với sự thật và sự chuyển ngữ nêu trên là chính xác thì rõ ràng là đã có chút khác biệt về thông tin vốn được lan truyền trước nay quanh vị tiền hiền họ Phan này. Ông sinh năm Canh Dần tức 1890 chứ không phải 1903; tương tự, ông mất năm Canh Thìn tức 1940 chứ không phải 1941. Như vậy, theo bia mộ, ông mất khi đã bước sang tuổi 50 chứ không phải chỉ mới “hưởng dương 37 tuổi” như tấm bảng tại nơi thờ tự đã ghi. Đối chiếu với nội dung bia này cũng sẽ thấy sự khác biệt ở một chi tiết khác: 1925 là năm ông rời Tuy An (Phú Yên) lên lập làng Phú Cần thì khi đó vị tiền hiền họ Phan này đã vào tuổi 35 chứ không phải 22 tuổi. Ở tuổi 35, ông đã xây dựng gia đình riêng chưa và ông đã đi cùng ai lên vùng đất mới này là câu hỏi cần tiếp tục được suy nghĩ.

Ông Nguyễn Trung Thành-Trưởng thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) bên mộ vị tiền hiền họ Phan. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Nguyễn Trung Thành-Trưởng thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) bên mộ vị tiền hiền họ Phan. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ngoài ra, tấm bia trước mộ đã nêu cũng cho biết thêm, sinh thời, người đàn ông họ Phan từng có hàm Cửu phẩm và giữ chức Đội trưởng. Theo tài liệu lịch sử, dưới triều đại phong kiến, Cửu phẩm là tước vị thấp nhất (hạng thứ 9) và thường được dùng để ban cho quan lại cả trong triều đình và ở các địa phương, làng xã. Quan thường được ban phẩm, nhưng cũng có một số quan không được ban phẩm. Ngược lại, một số người không phải là quan nhưng có công đức cao vẫn được vua ban phẩm.

Nhiều khả năng tiền hiền họ Phan từng được vua nhà Nguyễn ban tước Cửu phẩm do công khai khẩn, lập làng. Tương tự như vậy, chức Đội trưởng ghi trên bia mộ đã nêu rất có thể là một bằng chứng cho thấy triều Nguyễn đã căn cứ vào số nhân, hộ khẩu mà ông chiêu mộ đến vùng đất mới cùng diện tích đất đai cộng đồng này khai phá được, từ đó giao cho ông chức vụ này. Văn bằng liên quan đến tước vị Cửu phẩm và chức Đội trưởng ấy được cấp vào thời gian nào, hiện đang ở đâu, còn hay mất là một câu hỏi thú vị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương mà còn là nỗi hoài vọng rất chính đáng của những người yêu mến, muốn tìm biết về vùng đất Phú Cần.

Đã ngót 1 thế kỷ kể từ khi vị tiền hiền họ Phan đặt chân lên đất Phú Cần. Hàng năm, cứ vào ngày 28 tháng 5 âm lịch, người dân nơi đây lại cùng nhau tổ chức lễ giỗ cho người đã có công lập nên vùng đất này. Chúng tôi đến thăm mộ vị tiền hiền họ Phan đúng vào dịp kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp sửa diễn ra. Tại đây, trong nắng chiều, một người mẹ dẫn theo con mang bánh và nhang đến xin cụ tiền hiền phù hộ cho ngày thi gặp nhiều may mắn. Không thể nói khác, khi tín ngưỡng tốt đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người, nó sẽ tạo nên niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng. Người Việt có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Việc thờ cúng vị tiền hiền họ Phan ở Phú Cần nhiều chục năm qua là một trong những biểu hiện sinh động của nét đẹp đáng quý ấy, rất nên tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong thời đại ngày nay.

NGUYỄN QUANG TUỆ

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới