Thứ Sáu, 30 Tháng 5, 2025
Trang chủThời SựCô giáo Hà Nội chỉ lỗi sai thường gặp khi làm bài...

Cô giáo Hà Nội chỉ lỗi sai thường gặp khi làm bài thi Văn lớp 10

Cô giáo Hà Nội đã chỉ những lỗi sai thường gặp khi làm bài thi môn Ngữ Văn lớp 10, thí sinh cần lưu ý để có bài thi tốt nhất.

Kỳ thi lớp 10 sắp diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước và đây là khoảng thời gian mà các học sinh cần lưu ý những lỗi sai thường gặp để có bài thi đạt điểm tốt nhất.

Là người đồng hành với quá trình ôn thi lớp 10 của học sinh, cô Lương Thu Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã chia sẻ những những lỗi sai thí sinh thường gặp trong quá trình làm bài thi môn Văn.

Mất điểm các câu hỏi nhỏ trong phần đọc hiểu

Cô Thủy cho biết, để tránh lỗi sai này, thí sinh nên trả lời các câu hỏi đầy đủ, trọn vẹn thành câu văn. Ngoài ra, học sinh cần nhận diện đúng dạng câu hỏi và trả lời theo các bước (dạng bài lí giải tại sao/ dạng bài phân tích tác dụng/ dạng bài nêu ý nghĩa của hình ảnh/ hình tượng thơ…).

Xem thêm: Tỉnh duy nhất cho học sinh biết điểm thi lớp 10 trước, đăng ký nguyện vọng sau

Cùng với đó, trả lời ngắn gọn, tránh lan man theo nguyên tắc: Hỏi gì, trả lời nấy… Các em cũng cần phân bổ thời gian trả lời các câu hỏi phần đọc – hiểu trong khoảng 20 – 30 phút.

Cô giáo Hà Nội chỉ lỗi sai thường gặp khi làm bài thi Văn lớp 10
Cô Lương Thu Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đoạn nghị luận văn học dạng phân tích khổ thơ, đoạn thơ

Trong quá trình làm bài, học sinh dễ mắc lỗi diễn xuôi thơ, chỉ nhắc nội dung, không phân tích các yếu tố nghệ thuật.

Với lỗi này, học sinh khắc phục bằng cách, xuất phát từ việc phân tích các tín hiệu nghệ thuật (cách ngắt nhịp, gieo vần, các biện pháp tu từ, các từ ngữ đặc sắc…) để làm sáng rõ nội dung biểu đạt (ví dụ bức tranh thiên nhiên; vẻ đẹp/ tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình…).

Xem thêm: Cảnh báo chiêu trò tinh vi lừa đảo mùa tuyển sinh

Đoạn nghị luận văn học dạng phân tích nhân vật/chi tiết trong truyện

Học sinh dễ sa đà tóm tắt, kể lại câu chuyện. Các em lưu ý không cần nhắc lại diễn biến chuỗi sự việc đã diễn ra, thay vào đó học sinh cần thực hiện đúng các bước phân tích nhân vật trong truyện, khai thác các yếu tố về hoàn cảnh xuất thân, hành động, lời nói, cử chỉ từ đó thấy được vẻ đẹp phẩm chất nhân vật, suy ra ý nghĩa nhân vật, thông điệp gửi gắm…

Lạc đề hoặc hiểu sai yêu cầu

Lỗi này do các em xác định sai yêu cầu của đề bài. Vì thế, nên phân tích kĩ đề, gạch chân các yêu cầu của đề, có thể áp dụng trong kiểu bài: Phân tích, cảm nhận, nêu quan điểm, hay chứng minh, phạm vi giới hạn.

Trong bài văn nghị luận xã hội

Học sinh đưa dẫn chứng đưa ra chưa sát, diễn đạt còn mơ hồ, chung chung. Cô Thủy khuyên các em nên chọn lọc dẫn chứng, ví dụ để đưa vào bài văn nên đưa ra dẫn chứng tiêu biểu, điển hình, lấy dẫn chứng từ trong thực tế cuộc sống theo các bước: Nêu dẫn chứng, phân tích dẫn chứng, nhận dịnh.

Đầu các đoạn văn, không có luận điểm rõ ràng

Lỗi này do các em có thói quen viết dàn trải. Học sinh nên viết đoạn theo các bước: Câu văn khái quát nêu luận điểm, đưa lí lẽ và dẫn chứng, kết nối.

Vi phạm dung lượng của phần viết

Nhiều em lại viết quá ngắn, không đủ ý hoặc quá dài, lan man. Theo cô Thủy, giai đoạn ôn thi nước rút các em nên tập viết bài văn trong khoảng không quá 1,5 trang giấy thi, chia ý rõ ràng, đoạn văn trong khoảng 2/3 trang giấy, viết liền mạch, không xuống dòng.

Riêng với phần văn nghị luận xã hội, cô Thủy nhấn mạnh, năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên phần nghị luận xã hội sẽ có nhiều điểm mới. Cô Thủy cho rằng, vấn đề nghị luận sẽ là những vấn đề gần gũi, thực tế, mục tiêu hướng đến nhận thức, hành động của thế hệ trẻ như: Sống có trách nhiệm, vượt qua áp lực, học tập từ trải nghiệm, giá trị yêu thương, tinh thần cống hiến…

Bài viết cần thể hiện chính kiến cá nhân rõ ràng, có cảm xúc nhưng vẫn hợp lý, đúng cấu trúc. Học sinh không cần viết quá dài, nhưng phải có bố cục 3 phần rõ ràng: Mở đoạn (dẫn dắt, nêu vấn đề), thân đoạn (phân tích, dẫn chứng) và kết đoạn (liên hệ, bài học).

Cụ thể: Giới thiệu vấn đề nghị luận; Giải thích vấn đề là gì? Vì sao nó quan trọng?

Hệ quả (nếu vấn đề chưa được giải quyết tốt).

Giải pháp; bài học; minh họa thực tế.

Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa và liên hệ bản thân.

Với kĩ năng triển khai bài văn cần trôi chảy, thuần thục. Phần bài học nhận thức cũng như hành động các em học sinh cần đưa ra những việc làm thiết thực, thực tế, mang tính lan tỏa. Với phần liên hệ bản thân tránh cách viết hình thức, hô khẩu hiệu, mà cần chân thành.

Bài viết phần nghị luận xã hội có những ý tưởng sáng tạo, chính kiến cá nhân sâu sắc, lập luận thuyết phục của bản thân sẽ được đánh giá cao.

Học sinh tránh cách viết chung chung, sáo rỗng. Một bài viết cần chân thành, có suy nghĩ riêng và dẫn chứng thực tế (dù giản dị) luôn gây ấn tượng mạnh hơn là những câu văn sáo mòn.

Gửi lời nhắn nhủ tới học sinh, cô Thủy cho biết, Văn học là tiếng nói của trái tim và tư duy. Hãy học bằng cả sự hiểu, cảm và tin, chắc chắn các em sẽ làm được tốt hơn mình nghĩ. Hãy biến áp lực thành động lực để hoàn thành tốt thử thách cuối cùng trong năm học cấp hai này của các em nhé.

MINH AN /

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới