COVID-19 tăng nhẹ trở lại là diễn biến bình thường, không cần cách ly hay xét nghiệm đại trà. Người dân không nên tích trữ kit test.

Những ca bệnh xuất hiện rải rác ở người có bệnh lý nền
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 9-16.5, thành phố ghi nhận 23 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, có 37 ca mắc. Hà Nội tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và cộng đồng với tinh thần không chủ quan nhưng cũng không hoang mang.
BSCKII Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – cho biết, trước xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thiết bị, vật tư y tế và duy trì 3 phòng cách ly. Gần đây, bệnh viện điều trị 3 ca bệnh là người có bệnh nền, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, BSCKII Trần Thị Kim Anh (Khoa Bệnh nhiệt đới) cho biết, khoa luôn sẵn sàng phòng chống dịch với đầy đủ trang thiết bị như máy thở, hệ thống ôxy, phòng áp lực âm và tủ thuốc cấp cứu có đủ thuốc thiết yếu.
Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 đang điều trị nhưng không quá nặng.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) – cho hay, cơ sở Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang điều trị cho 20 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, các bệnh nhân đều có bệnh lý nền.
Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội – cho hay, thành phố đang tăng cường giám sát tại cộng đồng, bệnh viện và cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Các lực lượng y tế được tập huấn thường xuyên, trong khi người dân được khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay, tăng cường thể lực và đến cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ.
Không cách ly hay tích trữ test
BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM – khẳng định: Tình trạng ghi nhận ca mắc COVID-19 trở lại thời gian gần đây không phải hiện tượng mới. Từ sau khi dịch kết thúc, việc thông báo ca mắc COVID-19 đã xảy ra nhiều lần. Theo nhận định của chuyên gia, việc xuất hiện các ca nhiễm mới là điều bình thường và không có gì bất thường.
Hiện tại, chủng biến thể đang lưu hành ở Thái Lan nhiều khả năng đã có mặt tại Việt Nam do đặc tính lây lan nhanh của virus. Biến thể XEC được cho là nhẹ, các ca bệnh nặng ở Thái Lan chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng có bệnh nền, không phải người bình thường.

“Để đánh giá chính xác COVID-19 có đang gia tăng hay không, cần có dữ liệu giám sát định kỳ và thống kê theo từng năm. Nếu không có xét nghiệm thì không thể khẳng định có sự gia tăng ca mắc. Nếu COVID-19 được xem là một virus hô hấp thông thường, thì việc di chuyển không phải yếu tố khiến số ca tăng lên. Chỉ những virus mới, biến chủng mới chưa có miễn dịch cộng đồng mới đáng lo ngại”, BS Trương Hữu Khanh nói.
Về vaccine, hầu hết người dân từng tiêm các loại vaccine COVID-19 từ thời chủng Delta. Hiện nay, biến chủng Omicron đã tương đối thuần với con người. Do đó, nếu tiêm vaccine, cần là loại vaccine cập nhật mới mới có hiệu quả rõ rệt. Biện pháp phòng bệnh hiện nay vẫn là mang khẩu trang, rửa tay sạch sẽ. Vaccine COVID-19 không còn tác dụng mạnh như trước, trong khi vaccine cúm vẫn có hiệu quả do được sản xuất theo mùa. Virus cúm thường xuyên biến đổi và được theo dõi sát sao hàng năm.
BS Trương Hữu Khanh cũng khuyến cáo: Không nên tự ý xét nghiệm hay mua test kit về sử dụng tại nhà. Hiện nay, COVID-19 được xếp vào nhóm B, đồng nghĩa với việc chỉ cần cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc – tương tự như nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sởi. Không áp dụng cách ly tuyệt đối như trước đây. Mục tiêu của cách ly là bảo vệ nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt trong môi trường bệnh viện.
Khi cần thiết, bệnh viện vẫn có thể thực hiện xét nghiệm và cách ly người bệnh, tuy nhiên điều trị COVID-19 hiện nay giống như các bệnh lý đường hô hấp khác.
Theo chuyên gia, việc sử dụng khẩu trang không cần quá đặc biệt – chỉ cần loại khẩu trang vải thông thường cũng đủ bảo vệ.Chỉ các loại virus mới, lây qua đường hô hấp, chưa có miễn dịch cộng đồng mới thực sự đe dọa sức khỏe cộng đồng. Theo đánh giá, hiện chưa ghi nhận chủng virus mới đáng lo ngại. Khả năng xuất hiện virus hoàn toàn mới cần vài chục năm nữa. Các chuyên gia dự đoán, trong vòng 2-3 tuần tới, thông tin về COVID-19 sẽ dần lắng xuống.
Khẩu trang, test kit không tăng giá như đồn đoán
Trước thông tin trên mạng xã hội về việc giá khẩu trang và bộ test COVID-19 tăng trở lại, chị Hương Hằng – đại diện Hệ thống Nhà thuốc Á Châu – khẳng định, thị trường hiện tại vẫn ổn định, không có hiện tượng “té nước theo mưa”.
“Chúng tôi không tăng giá. Trái lại, một số mặt hàng còn đang giảm nhẹ do tồn kho lớn và sức mua chưa có dấu hiệu bùng nổ” – chị Hằng cho biết.Anh Phạm Sỹ – đại diện hệ thống Nhất Vinh Pharmacy Group – cũng khẳng định: Tất cả mặt hàng trong đợt này đều giữ nguyên giá, do nguồn cung hiện tại đã ổn định.
Lệ Hà / Nguồn: laodong.vn