Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựCựu CSGT và côn đồ cùng bị 12 năm tù

Cựu CSGT và côn đồ cùng bị 12 năm tù

HĐXX TAND TP.HCM xác định cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như là người chủ mưu gọi giang hồ đến đánh người vi phạm dẫn đến chết.

Sau hai ngày xét xử, chiều 21-3, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như (từng công tác tại Đội CSGT Công an quận Tân Bình, TP.HCM) kêu giang hồ đánh người vi phạm đến chết. Theo đó, tòa tuyên phạt Như và đồng phạm Nguyễn Minh Chung mỗi người 12 năm tù (VKS đề nghị mức 11-13 năm tù), ba đồng phạm còn lại 5-11 năm tù.

Cựu CSGT coi thường tính mạng người dân

HĐXX đồng tình với VKS đã truy tố năm bị cáo về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã bị đánh chết vào đêm 25-6-2014.

Theo HĐXX, lời khai tại tòa, sơ đồ hiện trường và kết luận giám định pháp y cùng nhiều chứng cứ khác đã đủ cơ sở để kết tội các bị cáo. Trong đó, nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đóng vai trò chủ mưu; bốn bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức tích cực. Hành vi gây thương tích của các bị cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nạn nhân tử vong.

Tòa nhận định dù là tổ trưởng tổ tuần tra CSGT nhưng bị cáo Như lại gọi người đến hành hung người dân. Đây là những hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Vì vậy, HĐXX nhận thấy cần áp dụng tính chất côn đồ khi xem xét mức án.

Bên cạnh đó, HĐXX xét thấy bị cáo Chung xúi giục bị cáo Hạnh (chưa thành niên) phạm tội, bị cáo này có tiền án chưa được xóa án tích. Vì vậy, pháp luật đủ căn cứ áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Chung.

Tòa cũng cho rằng qua nghiên cứu kết luận giám định pháp y thấy rằng nạn nhân Nguyễn Văn Chín tử vong là do suy hô hấp, sặc chất trong dạ dày, là tai biến ngoài ý muốn của các bị cáo. Do đó, HĐXX xét thấy không có cơ sở để xét xử các bị cáo về tội giết người.

Các bị cáo sau phiên xử sơ thẩm. Ảnh: QUANG DUY

Hủy án, điều tra lại mức án vẫn như cũ

Trong phần tranh luận trước đó, bào chữa cho bị cáo Như, luật sư (LS) cho rằng việc Như không nhận tội là có cơ sở. Vì Như chỉ gọi điện thoại cho Chung nhờ mấy người này đến hỗ trợ để ông Chín không gây ồn ào chứ không phải là gọi đến để đánh dằn mặt. LS cho rằng chưa đủ căn cứ để truy tố Như với vai trò chủ mưu trong vụ việc này. Vì vậy, Như bị oan về tội cố ý gây thương tích nhưng bị cáo phạm tội nào thì thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng. Và dù bị cáo phạm tội nào cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Như…

LS lập luận: “VKS phải thu thập bằng chứng khẳng định bị cáo Như gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín chứ không phải chỉ dựa vào lời khai bất nhất từ các bị cáo khác”.

“Đại diện người bị hại cho biết bị cáo Như đã khắc phục 100 triệu đồng. Vợ nạn nhân có thể chấp nhận với mức án và tội danh VKS cáo buộc” – LS nói.

Tuy nhiên, LS bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị tòa án trả hồ sơ để xem xét tội danh giết người đối với các bị cáo.

Cuối cùng, HĐXX không chấp nhận đề nghị của các LS và tuyên phạt bị cáo Như và bị cáo Chung 12 năm tù. Cùng tội cố ý gây thương tích, tòa phạt bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh (22 tuổi) năm năm tù, Ngô Thành Vương (23 tuổi) chín năm tù và Trần Đức Vững (23 tuổi) 11 năm tù.

Trước đó, vào tháng 9-2016, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần một cũng đã tuyên phạt các bị cáo với mức án như trên. Bản án này sau đó bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Như vậy, sau khi thêm một “vòng tố tụng”, tòa vẫn xử các bị cáo mức án như ba năm trước.

Vụ án từng gây bức xúc dư luận

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tối 25-6-2014, tổ tuần tra CSGT quận Tân Bình do Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng đứng chốt tại giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM).

22 giờ 20, tổ công tác phát hiện ông Chín có biểu hiện sử dụng rượu bia nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Sau khi đo nồng độ cồn, tổ tuần tra lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện nhưng ông Chín không đồng ý. Khoảng một giờ sau, Như gọi điện thoại cho người quen là Chung kể lại sự việc. Đồng thời, Như nhờ Chung đánh dằn mặt và đuổi ông Chín đi khỏi nơi tổ làm việc. Chung rủ thêm Hạnh, Vững, Vương đi đánh hội đồng ông Chín. Đến sáng 27-6, nạn nhân tử vong trong bệnh viện.

Tháng 9-2014, Như bị tước danh hiệu CAND. Ngày 7-11-2014, Như bị bắt tạm giam, đến ngày 13-2-2015 thì được tại ngoại. Vụ án vốn đã gây bức xúc trong dư luận, việc cho Như tại ngoại càng làm cho dư luận thêm bức xúc, phẫn nộ.

Sau phiên tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại, ngày 28-12-2017 Như bị bắt tạm giam lại. Quá trình điều tra lại, Chung thay đổi lời khai. Chung khai rằng: Như gọi điện thoại nhờ Chung đưa ông Chín về nhà. Chung không biết lý do Hạnh, Vững, Vương đánh ông Chín. Sau khi ông Chín tử vong, Như có gặp Chung hai lần và khuyên Chung nói hai đàn em của mình ra đầu thú.

Lời khai tại lần điều tra lại này phù hợp với lời khai của Chung tại phiên tòa phúc thẩm. Chung khai rằng sở dĩ Chung thay đổi lời khai, khai khác với những gì Chung đã trình bày tại phiên sơ thẩm là do Chung nghĩ nếu khai Như có liên quan thì sẽ được xét xử nhẹ tội hơn nhưng bản án sơ thẩm tuyên án Chung quá nặng.

HOÀNG YẾN

Theo Plo.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới