Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiĐak Đoa: Hàng ngàn cây thông bị róc vỏ

Đak Đoa: Hàng ngàn cây thông bị róc vỏ

Hàng ngàn cây thông 2 lá trên địa bàn các xã Tân Bình, Glar và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã bị các đối tượng róc lấy vỏ để bán. Rất nhiều cây trong số này đang bị vàng lá; số còn lại có dấu hiệu suy giảm khả năng sinh trưởng.

Thời gian qua, rừng thông 2 lá trên địa bàn các xã, thị trấn nói trên bị một số đối tượng hám lợi dùng những vật sắc nhọn róc vỏ bán cho thương lái trên địa bàn. Những cây thông này bị róc sạch vỏ từ phần gốc sát mặt đất đến quá đầu người (khoảng 2 m), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của cây. Theo quan sát của P.V tại khu vực rừng thông 2 lá thuộc xã Glar, hàng ngàn cây thông đã bị róc sạch lớp vỏ dày quanh thân, nhựa vẫn còn rỉ ra ngoài, ứ đọng lại xung quanh một màu đỏ sẫm. Rất nhiều cây đã bị chết vì nguyên nhân này. Nhiều cây bị chặt sâu đến quá nửa thân và đã ngã gục do gió lớn.

Nhiều cây thông bị róc vỏ và chặt sâu đến quá nửa thân. Ảnh: M.N

Một người dân (đề nghị giấu tên) sống gần khu vực rừng thông xã Glar cho biết: Tình trạng kẻ xấu róc vỏ thông tại khu vực này đã diễn ra liên tục gần 1 năm nay. “Khoảng 1 năm trước, có một số thương lái đến huyện Đak Đoa hỏi mua vỏ thông 2 lá về để làm giá thể trồng phong lan. Theo những người này, vỏ thông có độ xốp, sau khi được xử lý rất thích hợp với các loại lan rừng. Ngoài ra, giá thể vỏ thông còn có mùi khiến ốc sên không dám lên ăn rễ cây phong lan”-người này cho hay.

Mới đây, Công an TP. Pleiku đã phát hiện 1 vụ giao dịch mua bán 103 bao tải vỏ thông 2 lá với tổng trọng lượng gần 3,5 tấn. Theo đó, đối tượng Phạm Minh Ngọc (36 tuổi, trú tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) khai nhận đã mua lại một phần số vỏ thông trên của Phạm Thị H. (SN 1979) và Phạm Văn V. (SN 1976, cùng trú tại thôn 1, xã Tân Bình) với giá 3.000 đồng/kg rồi vận chuyển lên TP. Pleiku bán cho đối tượng Phạm Đức V. để kiếm lời. Ngoài ra, Ngọc cùng vợ là Phan Thị Thu H. cũng trực tiếp đi róc vỏ thông tại khu vực xã Tân Bình và các xã lân cận trên địa bàn đem về nhà trữ rồi gộp với số vỏ thông đã thu mua để đem bán.

Việc người dân vào khu vực rừng thông do các xã, thị trấn quản lý róc vỏ thông đã bị lực lượng chức năng nhiều lần phát hiện. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật của những người thu mua và xua đuổi các đối tượng róc vỏ thông chứ chưa có phương án ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Hậu quả là rừng thông 2 lá do xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa quản lý đã bị tàn phá nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa-cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện 4 vụ mua bán vỏ thông 2 lá, thu giữ hơn 7 tấn tang vật. “Hiệu quả của việc trồng lan như thế nào thì chưa thấy nhưng sự phát triển và sinh trưởng của cây thông đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Qua kiểm tra, số cây thông bị cạo lấy vỏ trước đó giờ đã phục hồi lại lớp vỏ ngoài và chưa phát hiện cây nào bị chết”-ông Sơn khẳng định.

Theo UBND huyện Đak Đoa, thời gian qua, trên địa bàn xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa xảy ra tình trạng một số đối tượng vào rừng róc vỏ thông. Qua kết quả điều tra ban đầu xác định, diện tích rừng thông bị róc vỏ khoảng 150 ha, chủ yếu là thông 2 lá. Các đối tượng đã róc lấy đi toàn bộ vỏ khô bên ngoài của cây thông, chiều cao thân cây bị róc từ mặt đất lên là 1,5 m đến 2,5 m. Lực lượng Kiểm lâm và chính quyền các xã Glar, Tân Bình, thị trấn Đak Đoa thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đẩy đuổi, xử lý các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, do các đối tượng này mua lại của nhiều người dân địa phương về trồng phong lan; đồng thời qua quá trình kiểm tra không ghi nhận tình trạng thông chết nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, một phần do các văn bản quy phạm pháp luật không có hướng dẫn cụ thể đối với hành vi cất giữ vỏ thông, vì vậy không xử phạt được các đối tượng này.

Từ cuối năm 2018 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa đã phát hiện 4 vụ mua bán vỏ thông 2 lá trên địa bàn, thu giữ hơn 7 tấn. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc để xử lý vụ việc trên, đang tiến hành giám định giá trị thiệt hại để xử lý nghiêm đối với hành vi phá rừng. “Việc cạo vỏ thông chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và sinh trưởng của cây. Chúng tôi đã chỉ đạo tổ công tác liên ngành của huyện thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực để ngăn chặn người dân tiếp tục vào rừng cạo, đục vỏ thông và kiểm soát các hoạt động mua bán vỏ thông diễn ra trên địa bàn”-ông Dũng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, ngoài việc gọi hỏi, răn đe các đối tượng róc vỏ thông, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán vỏ thông, UBND huyện sẽ xem xét và kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ công tác liên ngành của huyện mà người chịu trách nhiệm chính là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; đồng thời xử lý trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với Chủ tịch UBND các xã Tân Bình, Glar và thị trấn Đak Đoa.

MINH NGUYỄN

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới