Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựĐắk Lắk: Báo động đỏ bệnh bạch hầu, cách ly 1200 người...

Đắk Lắk: Báo động đỏ bệnh bạch hầu, cách ly 1200 người dân

Cơ quan chức năng đã tổ chức cách ly hơn 1.200 người dân để ngăn ngừa dịch bạch hầu phát tán.

Trưa 12/7, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trả lời báo Người Lao Động, trên địa bàn huyện M’Đrắk vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, hiện ngành Y tế đang thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch theo quy định.

Bệnh nhân mới nhất là Vàng A B. (SN 1994, dân tộc H’Mông, ngụ thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk). Theo lời bệnh nhân, bệnh khởi phát ngày 8/7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, mệt mỏi.

Lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Ảnh NLĐ)

Đến ngày 10/7, bệnh nhân đi khám tại TTYT huyện M’Đrắk, sau đó 1 ngày bệnh nhân có kết quả xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Trường hợp thứ 2 là em Giàng Seo Ch. (SN 1994, dân tộc H’Mông). Em Giàng Seo Ch. là người nhà của bệnh nhân Vàng A B., trực tiếp chăm nuôi bệnh nhân B. tại TTYT huyện M’Đrắk. Hiện tại bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Báo điện tử VTV News đưa tin, tính đến chiều 10/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 69 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong.

Bộ Y tế đã mở chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu lớn nhất từ trước đến nay. Hiện 11 triệu liều vaccine đang được huy động để tiêm miễn phí cho 4,7 triệu người dân ở Tây Nguyên.

Trong diễn biến liên quan, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã bàn giao 10.000 liều vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông.

Toàn bộ số vắc xin này phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại 2 ổ dịch vừa phát hiện ở các xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng và tiêm phòng cho nhóm đối tượng từ 7 tuổi đến dưới 40 tuổi và tiêm vét vaccine cho nhóm đối tượng thuộc diện tiêm chủng.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu trở lại, nguy cơ bùng phát và gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt với nhóm đối tượng là trẻ em.

Đối tượng dễ mắc phải bệnh bạch hầu thường là trẻ nhỏ, có cả người lớn. Lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan bệnh rất nhanh.

Thường bệnh sẽ phát ở 7 – 14 ngày, nhưng cũng có trường hợp phát bệnh 5 – 7 ngày. Nếu không phát hiện sớm thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao.

Trao đổi thêm với tạp chí ĐS&PL , PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) thông tin: “Bệnh bạch hầu là bệnh vô cùng nguy hiểm, bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản. Các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa bệnh vẫn đang lưu hành, mỗi năm có một vài ca và tỉ lệ tử vong rất cao. Phần lớn trẻ nhỏ mắc bệnh Bạch hầu nguyên nhân chính là do không tiêm chủng từ vaccine 5 in 1. Vì vậy, tôi khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ thì nên cho trẻ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu không được tiêm chủng sẽ gây ra tình trạng tử vong nhiều. Phải cách ly một cách tuyệt đối tránh lây lan”.

Nguồn: Người Đưa Tin

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới