Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựĐắk Nông: Luẩn quẩn tảo hôn, đẻ sớm, đông con

Đắk Nông: Luẩn quẩn tảo hôn, đẻ sớm, đông con

Trong chuyến theo đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vào “tâm dịch” bạch hầu tại các xã Quảng Phú (Krông Nô), Quảng Hòa (Đắk Glong), chúng tôi chứng kiến không ít cảnh luẩn quẩn vì tảo hôn, đẻ sớm, đông con rồi đói nghèo.

35 tuổi đã 6 con, 2 cháu

Chị Hoàng Thị Sua ở xã Quảng Hòa lấy chồng lúc 16 tuổi và sau đó 4 đứa con lần lượt ra đời. Do gia đình vào định cư sau, lại không có tiền mua đất sản xuất nên chồng phải đi làm thuê để có bữa cơm, bữa cháo. Căn nhà dựng tạm, vách dột nát, mỗi khi mưa xuống phải lấy thau chậu ra hứng, lấy bạt giăng ra để mấy mẹ con trú ngụ.

Hình ảnh quen thuộc trong xóm Mông nghèo ở xã Quảng Phú (Krông Nô)

Hỏi chuyện sao lấy chồng sớm và sinh đông con thế, chị Sua ngại ngùng tâm sự: “Người đồng bào mình cứ đến tuổi đẻ được là lấy chồng thôi, thậm chí ngày trước 13, 14 tuổi đã lấy chồng rồi. Ở nhà không làm gì thì lấy chồng rồi đẻ con sớm thôi”. Chúng tôi tiếp tục hỏi chị có tính sinh tiếp không thì nhận được ánh mắt lưỡng lự của chị: “Chắc là đẻ chứ, nếu có bầu thì lại đẻ thôi, còn sức còn đẻ, đông con mới vui”…

Anh Sùng A Say ở xã Quảng Phú cho biết, anh lấy vợ khi mới 15 tuổi. Mới ngoài 35 tuổi, A Say đã có 6 đứa con và 2 đứa cháu gọi ông nội, ông ngoại.

Ngồi trong ngôi nhà chật hẹp với hơn 10 nhân khẩu, anh A Say cho biết: “Gia đình tôi vào Tây Nguyên được 4 năm, 4 đứa sinh ở quê cũ Sơn La, còn 2 đứa sau này sinh ở đây. Nhà đông con cũng vui nhưng cũng lắm vất vả vì đất canh tác không có nên phải đi làm thuê cuốc mướn kiếm tiền nuôi cả gia đình đông đúc. Vì nhà đông con nên đứa lớn thì theo bố mẹ đi làm kiếm tiền, đứa nhỏ thì ở nhà trông em, có đứa bỏ học giữa chừng để ở nhà lấy chồng, lấy vợ”.

Những đứa con của vợ chồng anh Say, đứa nào trông cũng còi cọc. Chúng cứ tha thẩn tự chơi với nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Bấp bênh bữa đói, bữa no

Đa phần cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn rất khó khăn, vất vả, môi trường sống không bảo đảm, thêm việc đông con là lí do chính dẫn đến bao chuyện đau lòng.

Chị Thào Thị May có 3 đứa con nhỏ sống trong ngôi nhà vách dựng tạm bợ ở xã Quảng Phú tâm sự: “Chồng mình thường sang làm thuê bên Đam Rông (Lâm Đồng). Khi ở nhà thì thường rượu chè say sưa. Mình phải giữ con nên không có thời gian đi làm. Cứ như này không biết đến bao giờ mới có được ngôi nhà chắc chắn để ở. Con gái lớn sang năm đã đến tuổi đi học nhưng không biết có điều kiện đưa cháu đến trường hay không”.

Tương tự, các cụm dân cư xã Quảng Hòa đa phần là đồng bào dân tộc Mông, dân trí còn thấp, dẫn đến tỉ lệ tảo hôn và sinh nhiều con còn cao, ảnh hưởng nhiều đến khả năng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Điển hình như gia đình Hạng Thị Mí mới 23 tuổi nhưng đã có 5 đứa con thì 2 đứa bị suy dinh dưỡng. Cả gia đình sống trong căn nhà tôn dựng tạm trên mảnh đất mượn đã dột nát nhưng không có tiền sửa lại, thức ăn hàng ngày chủ yếu là rau và muối.

Thị Mí hầu như không có thời gian đi làm, vì đứa này chưa đầy năm thì đứa khác lại sắp ra đời. Một mình người chồng lăn lộn vất vả nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn bấp bênh, bữa đói bữa no.

Thị Mí tâm sự: “Mình biết đẻ nhiều sẽ vất vả vì bố mẹ mình cũng có 10 đứa con, hoàn cảnh ai cũng khổ. Nhưng mình kế hoạch mãi mà không được. Mỗi đứa con ra đời, gia đình lại thêm khó khăn, ốm đau không có tiền chữa trị…”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những hình ảnh buồn lòng nhất. Khi đi vào sâu trong cụm dân cư, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những em bé da trắng, tóc trắng do bị bạch tạng – hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại. Các em cứ cười đùa hồn nhiên, vui vẻ là thế mà đâu biết mình đang mang bệnh trong người.

Người Mông chiếm tới 71,3 % dân số toàn xã Quảng Hoà (Đắk G’long)

Chính quyền địa phương đau đầu

Theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa Nguyễn Thị Thanh Nga, xã Quảng Hòa có hơn 10 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó người Mông chiếm tới 71,3% dân số toàn xã, với 1.073 hộ/ 5.715 nhân khẩu, dân trí không đồng đều nên những câu chuyện tảo hôn đã và đang làm đau đầu chính quyền địa phương.

Chị Nga nói: “Đa phần bà con còn nghèo khó, không có điều kiện học hành đầy đủ, sinh đông con. Khi cán bộ dân số về tại các cụm dân cư tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì phần đa đều nhận được những cái lắc đầu từ chối, phần vì ngại, phần thì sợ chồng không đồng ý vì “bất tiện”. Rất nhiều lý do được bà con đưa ra để không phải hợp tác cùng cán bộ dân số… Mặt khác, ngoài hạn chế về nhận thức và tập tục lạc hậu của một bộ phận người dân thì một phần cũng do công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở chưa được sâu sát, toàn diện do nguồn nhân lực mỏng, đường sá đi lại khó khăn…”.

Đa số những trường hợp tảo hôn, đông con đều là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định; trẻ em sinh ra thường bị suy dinh dưỡng, có nguy cơ thất học khá cao… Những câu chuyện đông con ở những xóm Mông nghèo chắc sẽ còn tiếp tục, nếu từng gia đình không thay đổi nhận thức và các địa phương chưa có giải pháp phù hợp, quyết liệt để ngăn chặn hiệu quả.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới