Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệDán mắt vào TV làm suy giảm sức khỏe và trí nhớ...

Dán mắt vào TV làm suy giảm sức khỏe và trí nhớ nhưng người già ở Mỹ lại xem TV nhiều hơn trước

Nhiều nghiên cứu ở người già gần đây của các nhà khoa học Anh, Mỹ cho thấy, xem TV quá nhiều sẽ làm gia tăng rủi ro các bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, béo phì, mức độ hài lòng với cuộc sống, sa sút trí tuệ. Đặc biệt, người cao tuổi xem TV nhiều hơn 3,5 giờ mỗi ngày có biểu hiện suy giảm trí nhớ nhiều năm sau đó từ 8-10%. Những con số này khiến chúng ta không khỏi lo lắng cho ông bà mình.

Điều đáng nói là, người già hiện nay lại có xu hướng xem TV nhiều hơn bởi đây là kênh giải trí phổ biến nhất. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy người già ở Mỹ đang xem TV nhiều hơn trước. 

Bài viết lược dịch từ Mother Nature Network, một trong những trang tin về lối sống có trách nhiệm và môi trường được ghé thăm nhiều nhất thế giới với 10 triệu lượt truy cập từ hơn 200 quốc gia mỗi tháng.

Xem tivi quá nhiều sẽ làm tổn hại đến trí nhớ của người trưởng thành

Dừng ngay việc dành hàng giờ xem tivi nếu bạn không muốn chết sớm

Cảnh báo trẻ bị co giật, liệt cơ mặt do sử dụng điện thoại quá nhiều

Một chiếc TV có ý nghĩa gì đối với một gia đình? Giải trí suốt ngày cho mẹ! Thư giãn sau giờ làm cho ba! Học tập cho bọn trẻ! Và đối với ông bà, TV là hàng giờ hạnh phúc mà không cần ra khỏi nhà!

Đó là thông điệp quảng cáo TV của Motorola những năm 1951 của thế kỷ 20.

Hôm nay đã là thế kỷ 21, theo đà phát triển của khoa học công nghệ, TV đã trở nên quá phổ biến và ngoài TV thì những thiết bị khác có chức năng xem truyền hình như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… cũng rất quen thuộc với chúng ta.

Sự phổ biến của truyền hình đem lại ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến mọi lứa tuổi và khía cạnh đời sống. Đặc biệt, tác động của TV đến sức khỏe người già khiến chúng ta phải giật mình. Người già xem TV nhiều hơn bất kỳ nhóm tuổi nào. Theo thống kê của American Time Use Survey, trung bình người Mỹ trên 65 tuổi xem TV 4,5 tiếng mỗi ngày, nhiều hơn 30′ so với cách đây 15 năm.

(Ảnh: Medium)

Tất cả những giờ hạnh phúc mà không rời nhà đó đều để lại hậu quả.

Theo Mother Nature Network, một nghiên cứu cho thấy xem TV quá nhiều ở người già “liên quan đến những thay đổi tiêu cực trong nhiều khía cạnh sức khỏe như tim mạch, xương, chức năng tế bào”. Việc dùng TV nói riêng có liên quan tới rủi ro cao hơn về béo phì, tiểu đường type 2, mức độ hài lòng với cuộc sống thấp hơn, sự tham gia tương tác vật chất và xã hội ít hơn, và rủi ro gia tăng về sa sút trí tuệ (dementia).

Sa sút trí tuệ (dementia) là một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến suy nghĩ và năng lực xã hội gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày như giảm trí nhớ, khó khăn trong giao tiếp, việc lập kế hoạch, tổ chức công việc, khả năng suy luận, kích động, hoang tưởng…

Gần đây, một nghiên cứu ở Anh cũng xác nhận rằng, xem TV nhiều hơn 3,5 giờ mỗi ngày góp phần làm suy giảm nhận thức ở người già. Có bằng chứng cho thấy thời gian xem TV mỗi ngày nhiều hơn liên quan tới trí nhớ lời nói (verbal memory). Cụ thể, trí nhớ bằng lời ở người xem TV 3,5h mỗi ngày giảm trung bình 8-10% khi kiểm tra trí nhớ 6 năm sau đó. Những người xem TV ít hơn cũng bị suy giảm trí nhớ về từ vựng và ngôn ngữ trung bình từ 4-5%.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, xem TV đại diện cho hành vi ít vận động. Xem TV liên quan tới suy giảm nhận thức và khác hẳn với việc dùng máy tính.

Tuy vậy, những hoạt động ngồi nhiều vận động ít khác như sử dụng internet lại không liên quan đến suy giảm nhận thức mà ngược lại sẽ giúp bảo toàn nhận thức, giảm rủi ro sa sút trí tuệ. Điều này cho thấy, tính chất ít vận động của việc xem TV không phải là lý do duy nhất để giải thích cho những mối quan hệ lâu dài với nhận thức.

Do đó, xem TV khác với sử dụng internet. Xem TV sẽ có tác động gì đó tới bộ não của bạn. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy: Xem TV quá nhiều sẽ gia tăng rủi ro sa sút trí tuệ, trong đó có sự suy giảm trí nhớ lời nói.

Nghiên cứu công bố trên Scientific Reports tháng 2/2019 này được tài trợ bởi Quỹ Tim Anh quốc (British Heart Foundation). Hơn 3.600 người 50 tuổi trở lên được khảo sát trong 2 giai đoạn 2008-2009 và 2014-2015.

Thử suy nghĩ về điều này: TV cùng với kích thích đa giác quan thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ gần như hoàn toàn thụ động. Bộ não bạn được tập thể dục nhưng cơ thể vẫn ngồi một chỗ. “Tương tác thụ động-tỉnh táo” này có thể là nhiên liệu cho một loại căng thẳng nhận thức với kết quả là chúng ta phải đóng thuế cho các kỹ năng trí nhớ bằng ngôn ngữ lời nói (verbal memory skills). Đó là ý kiến của một cây bút trên Discover Magazine.

(Ảnh: Getty)

Một nghiên cứu khác theo dõi 134.000 người tham gia trong hơn 10 năm cho thấy, ông bà của chúng ta càng dành nhiều thời gian ngồi xem TV bao nhiêu thì nguy cơ khuyết tật của ông bà càng có nhiều khả năng phát triển bấy nhiêu, do đó họ nên tắt TV và làm vài động tác thể dục. “Nhiều hơn ba giờ TV mỗi ngày cùng với ít hơn 3 giờ hoạt động thể chất mỗi tuần là sự kết hợp tồi tệ nhất, và sẽ làm gia tăng rủi ro khuyết tật ở con người nhiều hơn ba lần, so với những ai xem TV ít nhất và tập thể dục nhiều nhất”, nguyên văn công trình được Học viện sức khỏe quốc gia và Hiệp hội người về hưu của Mỹ (AARP) tài trợ.

Tác giả chính của nghiên cứu, Loretta DiPietro, cho rằng: “Ngồi và xem TV trong những quãng thời gian dài (đặc biệt là buổi tối) sẽ là một trong những thứ nguy hiểm nhất mà người già có thể làm, vì trước sự tàn phá của việc không hoạt động thể chất, họ dễ bị tổn thương hơn rất nhiều (so với người trẻ)”.

Do vậy, “người già muốn duy trì sự cân đối phải điều chỉnh lại hoạt động thể chất hàng ngày và giảm thời gian dành cho việc ngồi một chỗ”, DiPietro kết luận.

Loretta DiPietro là giáo sư về khoa học dinh dưỡng và thể dục học viện sức khỏe công Milken thuộc đại học George Washington (Mỹ). Nghiên cứu này được đăng tải trên The Journals of Gerontology (Tạp chí Lão khoa) số tháng 4/2018.

Giáo sư khoa học dinh dưỡng và thể dục Loretta DiPietro: “người già muốn duy trì sự cân đối phải điều chỉnh lại hoạt động thể chất hàng ngày và giảm thời gian ngồi một chỗ” (Ảnh: Science Focus)

Một câu hỏi đặt ra là, vậy điện thoại thông minh và máy tính bảng thay đổi mọi thứ như thế nào? Nghiên cứu của American Time Use tính cả việc xem TV trên điện thoại và máy tính bảng, còn nghiên cứu của Anh về suy giảm nhận thức cho thấy TV có tác động đến não khác hẳn việc dùng máy vi tính. Tuy vậy, sự thật là tất cả máy tính, TV và smartphone của chúng ta đang được hợp nhất trong một thiết bị giải trí với sự khác biệt về kích cỡ màn hình.

Có thể câu trả lời thẳng thắn nhất là, ngồi lì trên ghế sofa dán mắt vào bất kỳ thứ gì sẽ không tốt cho cơ thể bạn, và “chế độ ăn” các tập phim “Friends” và “Gilligan’s Island” phát lại một cách thụ động là xấu cho trí óc bạn. Và Motorola đã sai trong thông điệp quảng cáo những năm 1951: đứng dậy, rời khỏi nhà để tập thể dục một chút là một ý tưởng rất tốt ở bất kỳ tuổi nào.

“Friends” (kênh NBC) và “Gilligan’s Island” (kênh CBS) là hai bộ phim hài nổi tiếng trên sóng truyền hình Mỹ cuối thể kỷ 20.

Tóm lại, phát hiện từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, để duy trì sức khỏe và chức năng ở người già, đặc biệt là những người thụ động nhất, việc giảm thời gian ngồi nhiều vận động ít cũng như gia tăng hoạt động thể chất là cần thiết. Các khuyến nghị sức khỏe công cộng của Mỹ về hoạt động thể chất hiện nay không đề cập đến thời gian ít vận động, nhưng theo các báo cáo, giảm thời gian ngồi một chỗ sẽ giúp giảm các khuyết tật về khả năng di chuyển (mobility disability). Trong bối cảnh dân số già hóa, gánh nặng kinh tế toàn cầu gắn liền với khuyết tật người già và khuyết tật do không vận động, việc hiểu rõ mức độ điều chỉnh của các yếu tố quyết định đến khuyết tật về khả năng di chuyển sẽ rất có ích cho ngành sức khỏe công.

Linh Trần (Theo Mother Nature Network)

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới