Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiĐầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống

Đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống

Bây giờ, không chỉ Gia Lai, mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước coi du lịch là mũi nhọn, là quả đấm thép, là động lực… để phát triển kinh tế-xã hội.

Đang có mấy hình thái du lịch, như du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch hội thảo… nhưng nhiều nhất, cơ bản nhất vẫn là du lịch văn hóa. Văn hóa gồm cả hành vi văn hóa, sản phẩm văn hóa, không gian văn hóa. Văn hóa cũng có nghĩa là toàn bộ những hoạt động của con người.

Các địa phương phát triển du lịch có nhiều cách, trong đó cách phổ biến là tìm xem địa phương mình có sản phẩm gì thì khuếch trương, có ngành nghề nào truyền thống thì phục dựng, đầu tư để nó hoạt động, rồi mời khách đến xem và mua.

Tất nhiên, đấy là hướng đi rất đúng.

Nhưng một vấn đề nan giải cũng được đặt ra để việc phục dựng các ngành nghề truyền thống không bị chết yểu là giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

  Dệt thổ cẩm.     Ảnh: Đ.T

Dệt thổ cẩm. Ảnh: Đ.T

Trước khi xác định du lịch là mũi nhọn thì từ nhiều năm trước, các ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Công thương, thậm chí các hội, đoàn thể cũng đã bắt tay vào những dự án mở các lớp đào tạo nghề cho người dân. Việc đào tạo này cũng còn nhiều việc phải bàn và hình như cũng chưa ai thống kê xem hiệu quả của nó ra sao, vì có người từng nói đùa, làng có 5 cái xe máy nhưng đến 6 người học sửa xe, cũng tương tự như thế là các nghề khác. Ở đây xin nói đến việc dạy và làm sống lại các nghề/làng nghề thủ công truyền thống như: dệt, đan lát, chế tác nhạc cụ…

Tôi vẫn nhớ, cách đây hơn 20 năm có viết về chị Siu Khang ở quê ông họa sĩ Xu Man (Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang) và gọi chị là người Bahnar đầu tiên tham gia vào đời sống kinh tế thị trường. Ngày đó, chị Siu Khang dệt vải rồi nhảy xe đò đi bỏ khắp nơi, cả Huế, Sài Gòn, Kon Tum và Pleiku. Một phụ nữ Bahnar mà làm được như thế đã là quá giỏi nhưng tôi cứ thắc thỏm lo cho chị. Và nỗi lo ấy thành hiện thực khi một lần chị ghé nhà tôi và… vay tiền. Là người ta hứa trả tiền cho chị, nhưng khi chị đi xe đò lên thì nơi trả lại hàng, nơi chưa bán được, cứ để đấy bao giờ bán được thì trả tiền. Chị quen tôi là vì tôi hay về làng chơi với ông Xu Man và cũng nhiều lần nhờ chị chuyển tiền cho ông Xu Man. Vừa rồi về làng ông Xu Man có việc, hỏi thăm chị thì… nhiều người không nhớ có một chị Siu Khang từng dệt vải rất đẹp ở làng.

Ở xã Glar (huyện Đak Đoa) có hợp tác xã dệt thổ cẩm của mẹ con chị Mlop. Cả huyện Đak Đoa có xã Glar này và cả làng này có mẹ con chị Mlop duy trì nghề dệt. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh có về xã đầu tư mở một lớp khá hiện đại, mỗi học viên đi học dệt vải được Nhà nước chi 15.000 đồng/ngày (thời điểm năm 2015). Chị Mlop là giáo viên thì được khoán trọn gói một khóa 3 tháng được 5 triệu đồng. Vừa dạy, chị Mlop vừa giúp chị em trong làng có thu nhập thêm. Bất cứ ai nhàn rỗi đến chị đều có việc cho làm. Mỗi người được trả khoán theo công việc, thu nhập tùy từng người đến sớm hay muộn. Có người 30 ngàn đồng cũng có người ngày được 100 ngàn đồng. Mùa khô là ít người đến làm nhất bởi bà con đi làm rẫy. Hè thì các cháu học sinh. Chịu khó kiếm thêm thế cũng có đồng ra đồng vào mà chi tiêu. Cái khó nhất của chị là vốn. Từ “vốn” thì đến bất cứ cơ sở kinh doanh nào cũng thấy nó vang lên đầy… thiểu não. Tuy nhiên ở cái hợp tác xã be bé của chị Mlop này thì nó khác, bởi đồng bào Tây Nguyên rất thật thà, họ làm xong và lấy tiền trong ngày, không trả tiền là… không về, trong khi hàng của chị bán rất chậm. Hỏi về tương lai của nghề này, chị Mlop bảo: Khó lắm, chủ yếu cầm cự cho các cháu trong vùng biết nghề, chứ không bán được nhiều, dù giá khá mềm. Thường thì các sơ ở nhà thờ gỗ Kon Tum điện thoại về đặt. Chị và con làm xong thì chị trực tiếp chạy xe máy từ làng ra TP. Pleiku, rồi đi xe đò lên Kon Tum, giao cho các sơ. Nhà thờ gỗ Kon Tum là điểm có đông khách tham quan nên thổ cẩm thường được mua về làm kỷ niệm. Ngoài ra, chị còn mang ra TP. Pleiku ký gửi. Rồi một vài tỉnh phía Nam cũng đặt, chị lại đóng thùng chở ra bến xe gửi xe đò…

Vấn đề là để dệt một tấm vải đúng theo quy trình mà bà con ta từng dệt thì rất tốn thời gian và giá thành rất cao. Trong khi ngoài chợ, vải càng ngày càng rẻ. Thêm nữa, giá trị sử dụng cũng không rõ. Những tấm vải mà ta hay gọi là thổ cẩm ấy, thường dùng làm váy, áo, chăn, địu, khố… giờ ít ai dùng. Những tấm “đồ” ấy một thời nó rất đa năng để bà con sử dụng, nhưng giờ rất nhiều thứ rẻ và tốt hơn có thể thay thế.

Đan gùi, làm nhạc cụ kiểu đồ lưu niệm để bán như nghệ nhân Rơ Chăm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đang làm cũng là một hướng nhưng đầu ra cũng không dễ dàng gì. Cũng như thế, hiện nay vào nhà nghệ nhân Ksor HNao (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) thấy rất nhiều tượng bày khắp nơi. Nghệ nhân H’Nao là người tài hoa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đẽo tượng. Vấn đề là, làm xong để nó ở đâu. Người Tây Nguyên có 2 loại tượng, là tượng mồ và tượng trang trí (là tôi gọi thế vì nó không đặt ở khu nhà mồ, mà đặt trong nhà rông hoặc một vài nơi khác). Nghệ nhân H’Nao thì… làm tuốt, có ai đặt là làm và cũng đi mở lớp nữa. Nhưng quả là, trừ một vài “dự án” chứ có ai mà đi mua các loại tượng này mang về nhà trưng…

Tức là đầu ra cho các sản phẩm nghề thủ công truyền thống này vẫn bế tắc. Mà vào Tây Nguyên du lịch, không xem/mua các sản phẩm này thì làm gì?

Giải quyết được đầu ra cho các sản phẩm truyền thống Tây Nguyên thì không chỉ du lịch phát triển, mà đời sống kinh tế-xã hội của các địa phương cũng phát triển theo, nhưng dường như việc này… không dễ.

Hoàng Hương Giang

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới