Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh vừa khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đang-Trưởng phòng Quản lý ATTP (Sở Y tế), Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh bảo đảm ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025.
* P.V: Ông đánh giá thế nào về đợt kiểm tra bảo đảm ATTP trong Tháng hành động vì ATTP vừa qua?
– Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025 (từ ngày 15-4 đến 15-5), đoàn đã kiểm tra 20 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở ngừng hoạt động, 14 cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, đa số cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP như: hồ sơ pháp lý đầy đủ; điều kiện cơ sở sạch sẽ; có đầu tư trang-thiết bị, hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại; tuân thủ tốt các quy định về ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn ghi nhận nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, đoàn phát hiện 6 cơ sở vi phạm và đã tham mưu Chánh Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở này với tổng số tiền 77 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; sản xuất thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá, kệ, chế độ vệ sinh; không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định… Các cơ sở vi phạm trong đợt này đều đã được thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông.
Đoàn cũng đã tiến hành lập biên bản và tham mưu Chánh Thanh tra Sở Y tế ban hành Quyết định thu hồi sản phẩm không đảm bảo ATTP đối với 14 sản phẩm thực phẩm chưa thực hiện tự công bố sản phẩm của hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi (hẻm 420 Trường Chinh, phường Trà Bá, TP. Pleiku); đồng thời, giám sát việc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo ATTP với số lượng: 4 hũ bột sắn dây, 5 hũ ca cao, 40 hũ chuối sấy, 9 hũ cốt gừng tràm, 4 hũ hạt điều, 6 hũ hạt mắc ca nứt vỏ, 12 hũ mít sấy nguyên, 18 hũ mít sấy vụn, 10 hũ nước cốt tắc, 12 hũ tắc gừng mật ong, 19 hũ tiêu đen, 8 hũ viên chuối, 8 hũ xoài sấy dẻo, 18 hũ ớt rang.
Cùng với đó, đoàn đã xử lý vi phạm hành chính và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi nhãn hiệu OCOP đối với sản phẩm Hạt Macca Tây Nguyên của hộ kinh doanh KL Organic (tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang).

* P.V: Hiện nay, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Vậy, ngành có những biện pháp gì trong đảm bảo ATTP thời gian tới, thưa ông?
– Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung và các sản phẩm sữa.
Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP. Thường xuyên tổ chức giám sát các sự kiện, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn ngừa sự cố về ATTP, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm.
Trong tháng 5 này, Sở Y tế thành lập 1 đoàn tổ chức giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc ngành Y tế quản lý (nước uống đóng chai và nước đá dùng liền), dự kiến lấy 80 mẫu; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng về sự thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.

* P.V: Hàng loạt sản phẩm sữa giả được ngành chức năng phát hiện trong thời gian qua khiến dư luận hết sức quan ngại. Tại Gia Lai, ngành đã kiểm tra, giám sát vấn đề này như thế nào, thưa ông?
– Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Ngay sau khi nắm thông tin về sản phẩm sữa giả được các ngành chức năng kiểm tra và phát hiện, Sở Y tế đã tiến hành rà soát các hồ sơ liên quan về ATTP. Từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hồ sơ tự công bố sản phẩm, hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sữa dưới dạng sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1728/SYT-QLATTP ngày 23-4-2025 gửi Sở Công thương, Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám-chữa bệnh và cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh đề nghị phối hợp trong công tác rà soát việc lưu thông trên thị trường đối với những sản phẩm liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.
Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thông tin sản phẩm của các công ty đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) điều tra, xử lý về hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả lưu hành trên địa bàn tỉnh.
* P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN / Nguồn: Báo Gia Lai