Bộ Tư pháp vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ khẩn trương giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý, không để tồn đọng, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát, lập danh sách các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước đến thời điểm 31-1-2025. Qua rà soát cho thấy, một số vụ việc do cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đã được thụ lý, giải quyết nhưng còn kéo dài; một số vụ việc khác đã được Tòa án thụ lý nhưng vẫn chưa được giải quyết xong theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo thống kê, hiện Gia Lai còn 2 vụ việc đang yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Cụ thể, vụ ông Cao Tiến Điền (làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã có nhiều văn bản, bản án và thông báo liên quan từ năm 2018 đến nay, trong đó có bản án tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Cơ bồi thường số tiền 103,196 triệu đồng. Hiện vụ việc đang trong giai đoạn xác minh thiệt hại.
Vụ còn lại liên quan đến bà Vũ Thị Hòa (trú tại 146 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku), yêu cầu bồi thường do bị thu hồi, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Vụ việc được thụ lý từ năm 2018, đã có nhiều văn bản hướng dẫn của Cục Bồi thường nhà nước và được kiểm tra vào các năm 2018, 2020 và 2024.
Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc bồi thường đang còn tồn đọng. Đồng thời, trong quá trình giải quyết, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên và Sở Tư pháp để được hướng dẫn, tháo gỡ. Các cơ quan có trách nhiệm cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về tiến độ, kết quả giải quyết và phối hợp với Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan có vụ việc yêu cầu bồi thường. Trường hợp vụ việc cần hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp tại địa phương hoặc trong quá trình thương lượng với người yêu cầu bồi thường thì kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước) để được hỗ trợ.
Từ cơ sở trên, ngày 12-5, UBND tỉnh đã ban hành Công văn yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện nghiên cứu yêu cầu của Bộ Tư pháp nêu trên; theo chức năng, nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật, chủ động triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện.
PHƯƠNG VI / Nguồn: Báo Gia Lai