Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiĐi để thấy đường chân trời

Đi để thấy đường chân trời

Chiếc xe 16 chỗ đưa chúng tôi đến một con đập nhỏ-đập Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai). Nơi đây cũng là điểm bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Chư Nâm của đoàn chúng tôi.

Để mọi người trải nghiệm nhiều hơn, người dẫn đường cho chúng tôi leo lên ở phía Tây đỉnh núi và xuống ở Tây Nam-nơi phong cảnh đẹp hơn và bao quát hơn.

Nhóm du khách chụp hình lưu niệm trên đỉnh Chư Nâm.                  Ảnh: B.N
Nhóm du khách chụp hình lưu niệm trên đỉnh Chư Nâm. Ảnh: B.N

Mùa này, những đám cỏ ống đã khô và chuyển sang màu vàng nhạt cùng với cái nắng hanh hao của Tây Nguyên. Trời hanh khô lấy đi rất nhiều sức lực của mọi người. Bên này là đoàn người chậm rãi vượt qua những đám cỏ khô óng, bên kia là dòng suối nhỏ len lỏi qua những khe núi chảy xuống lòng hồ, lởm chởm những vạt rừng thông vài năm tuổi đang vươn sức chịu đựng sự khô cằn để chờ mưa đến.

Bữa trưa có lẽ rất nhàm chán nếu không có những câu chuyện học đường của cậu bé Nguyễn Hoàng Nam, mọi người thường gọi cậu là “trưởng đoàn”-Mr Tom. Đó là cậu bé 9 tuổi đi cùng ba mẹ và chị gái Mai Ka. Pleiku là quê hương của ba mẹ cậu, nhưng họ sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh đã nhiều năm. Đây cũng là lần đầu tiên họ cho con về thăm quê hương trong một hành trình trải nghiệm thật đặc biệt. “Đường thì dốc, chân thì mỏi mà phong cảnh thì chẳng đẹp”-Tom làu bàu. Hơn một lần cậu trượt chân và rồi như bao đứa trẻ khác, cậu đã khóc khi mệt mỏi. Cười đấy, khóc đấy nhưng cậu vẫn không từ bỏ mục đích đi để “thấy đường chân trời” như lời cha cậu nói. “Đường chân trời là gì vậy ba?”-“Đường chân trời là nơi những ngọn núi xa xa xẫm màu tiếp nối với màu trắng nhạt của mây trời đấy con”…

Đoạn đối thoại của 2 cha con cộng với hướng chỉ tay của người cha giúp cậu bé Tom thấy rõ ràng và chân thật “đường chân trời” hơn tất cả mọi câu chữ trong sách báo hay trên màn hình ti vi, máy tính. Nó bao la lắm, rộng lớn lắm. Có lẽ đây là lần đầu tiên Tom thấu hiểu lời cha nói, rằng dù đi đâu, quê hương vẫn là nơi đẹp nhất.

Trời về chiều, nắng dần dịu lại nhưng cái nóng vẫn chưa vơi. Đoàn tạt qua sườn Đông, quẹo về bên Nam, chỉ toàn dốc là dốc. Một điều an ủi nho nhỏ khi ở phía trước hiện ra phong cảnh hùng vĩ như trong những bộ phim: bãi chăn thả gia súc ở lưng chừng núi; những hòn đá đen ngòm do phong hóa bao năm. Đám rêu bám trên đó đã chết khô tự bao giờ. Mọi người tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp trước khi vượt qua con dốc cuối cùng để lên tới đỉnh Chư Nâm.

Gió núi Chư Nâm mát lạnh lau khô mồ hôi trên vai áo ướt đẫm, chào mừng những kẻ thích phiêu du đã vượt qua thử thách và chiến thắng bản thân mình. Toàn cảnh TP. Pleiku hiện ra trong tầm mắt. Biển Hồ cũng nhỏ bé trong lòng bàn tay so với một vùng bình nguyên mênh mông từ đỉnh Hàm Rồng trải dài về chân núi phía Tây. Hoàng hôn dần buông ở sau lưng, phía trước là lớp sương mờ che giấu đi mọi con đường dẫn vào những ngôi làng của người Jrai. Đêm cao nguyên lạnh tê người. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa bập bùng cùng với những người bạn đồng hành thưởng thức món bò một nắng, muối kiến vàng đặc sản của huyện Krông Pa, một chút rượu và trái cây, kể ra cũng thịnh soạn không kém thị thành.

Nếu có ai hỏi tôi ấn tượng về nơi nào nhất khi ở trên đỉnh Chư Nâm, tôi sẽ nói rằng đó là Chư Đăng Ya. Chư Đăng Ya như một thiếu nữ say men mùa lễ hội năm trước, giờ đang tựa vào Chư Nâm say giấc giữa mùa Xuân. Rồi mai, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống vùng bình nguyên mênh mông này, nàng lại cần mẫn dệt cho mình chiếc váy dự lễ hội mùa sau mà phần nền được thêu theo đường gợn sóng của những luống khoai lang xanh mượt, tô lên những chấm đỏ cam của cánh hoa dong riềng. Rồi chờ đến đầu mùa khô, bộ xiêm y càng trở nên rực rỡ khi điểm thêm những đóa quỳ hoang dại của miền đất đại ngàn nắng gió…

Bình Nguyên

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới