Thứ Ba, 1 Tháng 7, 2025
Trang chủTin Gia LaiĐịnh hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển

Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng – biển

Việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ kiến tạo một không gian phát triển mới mà còn thúc đẩy ngành du lịch đột phá, với sự kết hợp khai thác tài nguyên du lịch rừng và biển, sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm đa dạng, hấp dẫn.

Từ đại ngàn hùng vĩ đến biển xanh, cát trắng

Sự kết hợp giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên và nét quyến rũ của biển xanh miền Trung từng là ước mơ của ngành du lịch khu vực. Giờ đây, khi Gia Lai và Bình Định hợp nhất thành tỉnh mới, kỳ vọng về hành trình “lên rừng – xuống biển” xuyên suốt từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ đến biển xanh – cát trắng – nắng vàng của “đất Võ, trời Văn” đã thành hiện thực, mở ra hướng phát triển du lịch đầy triển vọng.

2-1.jpg
Sự đa dạng sinh học và địa hình trong Vườn quốc gia Kon Ka Kinh phù hợp với nhiều loại hình khám phá, trekking, hiking. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Cao nguyên Gia Lai sở hữu hệ sinh thái đa dạng và vẻ đẹp nguyên sơ, là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, thích khám phá. Nổi bật là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, với hai vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đặc biệt, thác K50 nằm trong khu bảo tồn từng được The Local Vietnam xếp hạng thứ 2 trong “Top 10 thác nước đẹp nhất Việt Nam” vào năm 2022. Trước đó, năm 2018, tạp chí Daily Mail – Anh đã bình chọn Chư Đăng Ya là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh. Ngoài ra, còn có Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, hồ Ia Ly, hàng thông trăm tuổi, những đồi chè từ thời Pháp thuộc và các làng văn hóa truyền thống… Tất cả hòa quyện tạo nên một vùng đất du lịch sinh thái, văn hóa đậm nét riêng.

3.jpg
Thác K50 nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được The Local Vietnam xếp hạng thứ 2 trong “Top 10 thác nước đẹp nhất Việt Nam”. Ảnh: Discovery Gia Lai

Trong khi đó, Bình Định – vùng đất địa linh nhân kiệt, lại quyến rũ du khách bằng những bãi biển đẹp, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa Champa và thời Tây Sơn hào hùng. Đặc biệt, Quy Nhơn – thủ phủ của tỉnh – hai lần được vinh danh là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” với những điểm đến không thể bỏ lỡ, như: Kỳ Co – được mệnh danh là “Maldives của Việt Nam”, với làn nước trong vắt và những bãi cát trắng mịn; Eo Gió – nơi ngắm bình minh say đắm lòng người; đảo Hòn Khô với “con đường xuyên biển” độc đáo; di tích tháp Đôi với ngôi tháp Chăm cổ kính có niên đại từ cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII rêu phong cùng tuế nguyệt; Ghềnh Ráng – Tiên Sa có bãi tắm Hoàng hậu với những viên đá cuội hình quả trứng và là nơi Hàn thi sĩ đã lưu lại những vần thơ bất hủ…

4-1.jpg
Bãi biển Kỳ Co được mệnh danh là “Maldives của Việt Nam” với làn nước trong vắt và những bãi cát trắng mịn. Ảnh: ĐOAN NGỌC

Bản sắc văn hóa của tỉnh Gia Lai (mới) sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho bức tranh văn hóa Việt Nam. Đó là sự kết hợp của vùng “đất Võ, trời Văn” Bình Định với tinh hoa của võ cổ truyền, nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian, các lễ hội, làng nghề truyền thống; nét văn hóa đậm bản sắc đại ngàn Tây Nguyên của Gia Lai, với di sản văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; những ngôi nhà rông mang kiến trúc độc đáo, lễ hội dân gian của dân tộc Bana, Jrai. Ẩm thực của tỉnh Gia Lai (mới) cũng nức tiếng gần xa. Với những món ăn của Bình Định, như: Bánh ít lá gai; nem, chả tré chợ Huyện; chả ram tôm đất, bún chả cá Quy Nhơn, bánh hỏi lòng heo…, kết hợp với ẩm thực của Gia Lai với những món, như: Phở khô, cơm lam gà nướng, lá mì xào cà đắng, bò một nắng muối kiến vàng, bún mắm cua…

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, việc xây dựng các tour du lịch kết nối rừng – biển sẽ được đẩy mạnh và hoàn thiện hơn. Đây sẽ là sản phẩm đặc trưng, giúp loại bỏ ranh giới hành chính từng là rào cản. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Bình Định, Hiệp hội sẽ sớm làm đầu mối tổ chức các cuộc famtrip, gặp gỡ cộng đồng DN du lịch của tỉnh Gia Lai (mới) để chia sẻ thông tin, hợp tác kinh doanh, xây dựng đồng bộ các bộ sản phẩm du lịch mới; nhận diện thương hiệu du lịch cho tỉnh mới phục vụ công tác quảng bá sản phẩm du lịch địa phương…

Đòn bẩy cho du lịch “cất cánh”

“Cung đường du lịch” lên rừng – xuống biển của tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ dừng lại ở tiềm năng mà còn thuận lợi về hạ tầng giao thông, với tuyến QL 19 nối cảng Quy Nhơn và cửa khẩu Lệ Thanh; sân bay Pleiku và sân bay Phù Cát, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đang được xúc tiến đầu tư…, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách.

Ông Hà Trọng Hải, Giám đốc Công ty CP Cao Nguyên Việt, cho biết: “Tỉnh có mô hình du lịch kết hợp rừng – biển sẽ giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn. Các tour du lịch kết nối toàn tỉnh giúp tăng lượng khách, đặc biệt là khách lẻ. Ở châu Âu, rất phổ biến dạng tour du lịch thăm người thân. Sắp tới đây, hình thức du lịch này cũng sẽ được chúng tôi khai thác phục vụ”.

Còn ông Hoàng Phương, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch Le Pleiku, chia sẻ: “Không ai tổ chức tour du lịch sinh thái tại chỗ tốt bằng DN du lịch ở Gia Lai, cũng như không ai hiểu rõ du lịch biển “về miền đất Võ” như người bản xứ Bình Định. Khi hai tỉnh “về chung một nhà” sẽ thúc đẩy sự kết nối, hợp tác giữa các DN kinh doanh du lịch “bắt tay” thật chặt cùng nhau phát triển”.

5-2.jpg
Sản phẩm du lịch biển, đảo thu hút du khách. Ảnh: ĐOAN NGỌC

Sự hợp nhất này mở ra cơ hội để xây dựng các gói sản phẩm du lịch chung, mang thương hiệu của Tây Nguyên đại ngàn và “đất Võ, trời Văn”. Ông Phạm Hoàng Trực, Giám đốc Công ty Gotour travel, cho biết: “Lâu nay chúng tôi đã khai thác tour du lịch liên tuyến Quy Nhơn – Pleiku, giờ sẽ làm mới và khai thác thêm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng “lên rừng, xuống biển”. Các tour du lịch có thể được thiết kế theo chủ đề đáp ứng nhu cầu du khách”.

5-1.jpg
Sản phẩm du lịch biển, đảo thu hút du khách. Ảnh: ĐOAN NGỌC

Cùng ý tưởng như thế, bà Hoàng Thị Thu Sen, Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietravel – Chi nhánh Bình Định, cho biết: “Bên cạnh việc chuẩn bị triển khai mở thêm chi nhánh văn phòng đặt tại Pleiku, chúng tôi còn thiết kế thêm nhiều sản phẩm du lịch mới trong tour “lên rừng, xuống biển” không chỉ ở tỉnh Gia Lai (mới) mà còn mở rộng thêm đến các tỉnh khác… với nhiều gói sản phẩm hấp dẫn kèm theo”.

Việc hợp nhất Bình Định – Gia Lai thành tỉnh Gia Lai (mới) sẽ tạo ra một thị trường du lịch lớn hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách, cũng như các nhà đầu tư. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; đồng thời, quảng bá du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch sau hợp nhất.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Còn nhiều việc phải làm trong xây dựng cơ chế, chính sách và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhưng với sự cộng hưởng của tiềm năng sẵn có và kế hoạch chuẩn bị chu đáo, tôi tin rằng định hướng du lịch bền vững tại Gia Lai (mới) sẽ sớm thành hiện thực, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam”.

HOÀNG NGỌC – ĐOAN NGỌC / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới