Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệDisney khiến thế giới thay đổi góc nhìn về phụ nữ như...

Disney khiến thế giới thay đổi góc nhìn về phụ nữ như thế nào?

Disney đã đi một chặng đường dài từ việc xây dựng hình ảnh của người phụ nữ như những nàng công chúa gặp nạn trong những bộ phim trước đây (Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và Quái vật) đến phá vỡ những định kiến về giới tính trong các bộ phim mới, như Nữ hoàng băng giá (Frozen).

Bất kể giới tính nào thì giới trẻ ngày nay đều lớn lên từ những câu chuyện cổ tích và lý tưởng về tình yêu được xây dựng bởi các bộ phim Disney. Cô bé Lọ Lem, Bạch Tuyết và bảy chú lùn Người đẹp ngủ trong rừng đều phản ánh một thời trong xã hội, khi phụ nữ được coi là những nàng công chúa gặp nạn cần một hiệp sĩ mặc áo giáp sáng ngời đến giải cứu họ.

Bộ phim Hoa Mộc LanCông chúa tóc mây đại diện cho sự nổi dậy chống lại các định kiến thông qua các làn sóng nữ quyền. Hiện tại, bộ phim bom tấn được yêu thích của Nhà Chuột Disney, Frozen, đã chứng minh rằng phụ nữ không cần đàn ông đến giải cứu họ thông qua hai nhận vật Anna và Elsa.

Nếu không phải là những nàng công chúa gặp nạn thì phụ nữ sẽ được miêu tả thông qua những vai phản diện như Ursula trong Nàng tiên cá, Maleficent trong Người đẹp ngủ trong rừng và người mẹ kế độc ác trong Cô bé Lọ Lem. Những vai quỷ quyệt này có thể được liên hệ với các hoạt động săn phù thủy trong lịch sử.

Tuy nhiên, thật thú vị khi thấy vai trò của các nhân vật phản diện thay đổi từ hiểm độc thành một “sản phẩm” của hoàn cảnh, như đã thấy trong phim Tiên Hắc Ám 2 (2019) và phần tiền truyện của nó vào năm 2014. Sự thay đổi này đã khiến vai trò của nhân vật phản diện trở nên thực tế và dễ đồng cảm hơn, phản ánh một sự thay đổi trong mô hình trong xã hội. Hãy nhớ rằng phương tiện truyền thông luôn là một sự phản ánh của xã hội, cũng như là một công cụ để thay đổi nó.

Định kiến ​​giới tính là gì?

Giới tính là khái niệm đề cập tới những đặc tính về mặt sinh học của nam giới và phụ nữ mà cho phép xác định một cá nhân thuộc về giống đực hay giống cái. Định kiến giới tính là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò của nam hoặc nữ trong một xã hội nhất định.

Chẳng hạn, đàn ông được coi là trụ cột gia đình, tháo vát và tham vọng, trong khi phụ nữ lại rập khuôn là người tình cảm, thụ động và luôn chăm lo cho gia đình. “Đừng đánh như đàn bà” hay “Đàn ông không được khóc” là những cụm từ được tạo ra từ những định kiến giới tính.

Đại diện về giới tính trong truyền thông

Truyền thông là chiếc gương phản ánh xã hội. Do đó, các định kiến ​​giới tính phổ biến được phản ánh thông qua các phương tiện truyền thông dưới dạng sách, chương trình truyền hình và phim ảnh. Hình ảnh phụ nữ được thể hiện qua truyền thông chỉ có hai loại: tốt và xấu.

Phụ nữ tốt được xây dựng là những cô gái xinh đẹp, trẻ trung, khác biệt, sống phụ thuộc vào đàn ông và thiếu bản sắc riêng. Nàng tiên cá của Disney là một đại diện điển hình của phụ nữ (theo nghĩa đen) xóa bỏ danh tính của mình vì người đàn ông. Ariel từ bỏ thân phận là một nàng tiên cá và mang hình dạng con người để sống với người yêu. Phụ nữ xấu là những nhân vật phản diện nữ được Disney miêu tả là người cản trở những người phụ nữ khác hạnh phúc, một vai trò cũng phục vụ cho chế độ phụ hệ.

Đàn ông được thể hiện rập khuôn là người tháo vát, tham vọng, cứu rỗi và thống trị thế giới, như được thấy nhiều lần trong phim Marvel. Vai trò là “vị cứu tinh” này ở đàn ông cũng được mô tả trong thế giới của Disney, nơi nụ hôn của chàng hoàng tử có thể đánh thức người đẹp từ giấc ngủ sâu. Bộ phim tương tự cũng được làm lại từ góc nhìn của nhân vật phản diện Maleficent; thay vì hoàng tử trao đi nụ hôn thì chính tình yêu thuần khiết của Maleficent đã làm cho lời nguyền được thu hồi. Một lần nữa, điều này cho thấy quan điểm xã hội của chúng ta đã bắt đầu thay đổi như thế nào khi nhìn vào phụ nữ.

Những thay đổi trong phim Disney

Ngoài những vai diễn rập khuôn trong phim Disney, còn có sự thay đổi về số lượng lời thoại dành cho các nhân vật nam và nữ. Một nghiên cứu ngôn ngữ được thực hiện bởi Carmen Fought và Karen Eisenhauer, những người đã phân tích các bộ phim Disney và kết luận rằng Thời kỳ Phục hưng của Disney (1988-99) là do nam giới thống trị. Trong các bộ phim như Aladdin, Người đẹp và Quái vậtCông chúa da đỏ, lời thoại của nhân vật nam chiếm hơn 70% thời lượng.

Tuy nhiên, trong các bộ phim sau này của Disney như Công chúa tóc mây (2010), lời thoại của các nhân vật nữ chiếm 52% thời lượng và trong bộ phim Công chúa tóc xù (2012), các nhân vật nam chỉ có 26% tổng lời thoại. Điều này cho thấy sự thay đổi rõ ràng về tần suất phân phối đối thoại theo giới tính.

Những thay đổi ở Disney thể hiện trong hai bộ phim gần đây: Công chúa tóc xù và Nữ hoàng băng giá

Công chúa tóc xù (2012)

Mặc dù nó là bộ phim về công chúa nhưng Công chúa tóc xù dường như xoay chuyển mạnh mẽ khỏi cốt truyện điển hình về nàng công chúa yêu một chàng hoàng tử và kết hôn. Merida, công chúa Viking, từ chối bị giới hạn trong vai trò khuôn mẫu của một nàng công chúa. Cô ấy độc lập, nổi loạn và tự do. Cô không muốn bị giới hạn trong hôn nhân và có con. Cô muốn hình thành bản sắc riêng của chính mình và không chịu khuất phục trước những áp lực của mẹ, người chỉ đơn giản muốn biến cô thành một “công chúa”.

Tính cách của Merida trở nên phù hợp với những cô gái thế kỷ 21 muốn độc lập và không bị đàn ông, hôn nhân hay con cái trói buộc. Giống như bất kỳ thiếu niên nào, cô cảm thấy bị hiểu lầm và học cách chịu trách nhiệm cho những sai lầm của chính mình. Cô ấy biết rằng một chàng hoàng tử quyến rũ điển hình sẽ đến và cứu cô ấy nhưng cô không cần điều đó!

Nữ hoàng băng giá (2013 và 2019)

Cả Nữ hoàng băng giá phần 1 và 2 đều xoay quanh hai nhân vật nữ mạnh mẽ mà Disney cho ra mắt lần đầu tiên. Anna và Elsa đều là những nàng công chúa. Elsa sở hữu siêu năng lực và yêu thương cô em gái Anna. Bộ phim này chủ yếu tập trung vào gia đình và tình chị em. Mặc dù có các yếu tố lãng mạn, nhưng đó không phải là cốt truyện trung tâm của bộ phim và điều này đã làm mới cho bộ phim của Nhà Chuột.

Bất cứ khi nào Elsa rời khỏi vương quốc, Anna thay thế cô và giúp chị gái tránh mọi nguy hiểm. Họ không dựa vào người yêu, mà thay vào đó là tự cứu lấy nhau mọi lúc. Trong phim, các nhân vật nam đứng ở phía sau và để các cô gái giải quyết vấn đề. Các yếu tố lãng mạn trong phim đóng vai trò mang lại sự hài hước, thay vì là cốt truyện trung tâm.

Thông qua hành trình của Disney từ Bạch Tuyết và bảy chú lùn đến Nữ hoàng băng giá, Disney đã đi một chặng đường dài để vượt qua định kiến ​​giới. Điều này cũng phản ánh hành trình của xã hội chúng ta và những nỗ lực của nữ quyền để xóa bỏ định kiến ​​giới tính vốn đã được thiết lập sâu sắc.

Phụ nữ không chỉ là những cô gái xinh đẹp cần được giải cứu mà họ cũng độc lập như đàn ông. Phụ nữ cũng có tham vọng cao cả và những mục tiêu tuyệt vời trong cuộc sống và sự thật này rất quan trọng để thế hệ trẻ ngày nay biết đến. Disney dù không phải lúc nào cũng làm tốt trong lĩnh vực này, nhưng sự thay đổi trong việcc cân bằng nhân vật, cốt truyện và lời thoại gần đây của họ cho thấy họ đã đi đúng hướng.

Zenda

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới