Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia Lai“Đôi mắt Pleiku…” bị làm xấu!

“Đôi mắt Pleiku…” bị làm xấu!

Được ví như “đôi mắt Pleiku, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Biển Hồ trở thành dấu ấn đặc biệt của tỉnh Gia Lai. Nhằm giữ gìn, tôn tạo và lưu giữ những nét đẹp cũng như bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan, tỉnh này đã đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng. Những tưởng “đôi mắt Pleiku” sẽ long lanh hơn, thế nhưng ai cũng lắc đầu ngao ngán khi đến đây, chưa kể hàng loạt sai phạm bất thường trong quá trình đầu tư xây dựng.

Bờ kè Biển Hồ (TP Pleiku, Gia Lai) xây dựng cẩu thả, phá vỡ cảnh quan của một di tích, danh thắng.

Dở dang công trình hàng chục tỷ đồng

Sau nhiều năm khai thác và sử dụng, khu danh thắng Biển Hồ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, gây bồi lắng. Thế nên, từ năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định đầu tư xây dựng dự án chống sạt lở lòng hồ Biển Hồ nhằm giữ gìn, tôn tạo di tích và bảo vệ tính bền vững của môi trường. Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định 927 phê duyệt dự án “Hoàn thiện hạ tầng khu du lịch Biển Hồ” với các hạng mục: kè chắn đất, ốp mái ta-luy (với tổng chiều dài kè là 765m) và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 28,5 tỷ đồng, đơn vị thi công là Liên danh Cty CP đầu tư và xây dựng công trình 468 và Cty TNHH MTV Hoàng Hải. Công trình được khởi công từ ngày 16-12-2015, nhiều người yêu quý Pleiku này mừng thầm khi được thấy địa danh này được tôn tạo sau nhiều năm trời. Nhiều niềm hy vọng địa danh này sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, mang đầy tính thẩm mỹ khi chủ đầu tư lại là đơn vị quản lý về văn hóa, du lịch. Oái oăm, vui mừng là thế, thực tế thì khác xa hoàn toàn so với mong đợi.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, đến thời điểm hiện nay tổng số vốn đã giải ngân cho công trình là hơn 20,6 tỷ đồng, tuy nhiên hiện công trình không chỉ vẫn còn nhiều dang dở mà việc đầu tư, xây dựng trên đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, phá vỡ khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia này. Lý do mà đơn vị thanh tra đưa ra là chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, yếu kém trong chuyên môn, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng. Đến thời điểm này, du khách gần xa đến thăm thú Biển Hồ cũng phì cười khi thấy những dãy bờ kè ốp đá và lan can đi dạo bị nắn cong một cách thô bạo, lồi lõm, xiêu vẹo. Nhiều người ví đây như cái gai chọc vào “đôi mắt Pleiku” này.

Nhiều bất thường…

Đặc biệt, với hạng mục kè chắn, từ bất thường ban đầu đã dẫn đến hàng loạt cái sai gây tác động xấu đến di tích, danh thắng này. Cụ thể, chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai đã hợp đồng với Viện Thủy công thẩm tra hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán công trình. Từ đó, 2 bên thống nhất việc thi công chân khay kè áp dụng biện pháp thi công đóng cọc cừ Larsen dưới nước dùng xà lan 200 tấn, tàu kéo 150CV, cần trục, búa rung. Dù đơn vị thẩm định là Sở NN&PTNT tỉnh này đã khuyến cáo đây là “công nghệ” sử dụng lần đầu tiên ở tỉnh nên cần thử nghiệm 1 đoạn trước khi thi công. Đồng thời, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cũng đề xuất giải pháp khác phù hợp hơn. Thế nhưng, đơn vị chủ đầu tư đã không tiếp thu, không đề xuất với đơn vị tư vấn thiết kế mà vẫn giữ nguyên việc thi công đóng cọc cừ Larsen.

Trớ trêu thay, khi triển khai, đơn vị thi công không dùng biện pháp đóng cọc cừ Larsen dưới nước dùng xà lan 200 tấn, tàu kéo xà lan mà chỉ thực hiện việc đóng cọc cừ… từ trên cạn. Không hiểu lý do gì, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn vẫn không điều chỉnh hồ sơ mà đồng ý thanh toán tiền cho đơn vị thi công với “công nghệ” trên. Điều đó đã làm thất thoát một phần kinh phí của Nhà nước. Với kiểu thi công như vậy, phần hạng mục chân khay kè của công trình đã sai so với hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công khi bị xê dịch.

Chưa kể, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, chủ đầu tư đã để thi công chậm tiến độ, thi công sai so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, thậm chí thay đổi thiết kế khi chưa được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt: vị trí kè có nơi bị xê dịch vào 2,5m, độ dốc mái ta-luy thi công sai hồ sơ thiết kế… Mặc dù lãnh đạo tỉnh này đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu thi công đúng theo hồ sơ thiết kế, đảm bảo tiến độ cũng như đã tạm đình chỉ thi công, yêu cầu khôi phục hiện trạng, thi công đúng theo hồ sơ, thiết kế… Song Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai vẫn làm ngơ cho các đơn vị tiếp tục thi công hoàn thiện công trình (?!).

Điều bất thường hơn, không chỉ “công nghệ”, thiết kế một đường, công trình lại được làm một nẻo mà chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và đơn vị thi công đã nghiệm thu khối lượng không đúng theo hồ sơ thiết kế và dự toán. Qua thanh tra, tổng giá trị sai phạm so với hợp đồng thi công xây dựng công trình đã ký kết là hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, có khối lượng không thực hiện nhưng được nghiệm thu, thanh toán là hơn 51,1 triệu đồng, thi công thiếu khối lượng nhưng đã nghiệm thu thanh toán số tiền hơn 1,05 tỷ đồng… Bên cạnh đó, khi chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Gia Lai, Sở VH-TT&DL đã hợp đồng với Cty TNHH kiểm toán AVN Việt Nam thực hiện kiểm toán và số tiền hợp đồng vượt quá trên 168 triệu đồng.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Giám đốc Sở VH-TT&DL (chủ đầu tư) khi đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh khẩn trương thực hiện việc khôi phục công trình, dự án theo đúng hồ sơ, bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt. Đồng thời, Sở VH-TT&DL cũng như các đơn vị thi công trả lại cảnh quan môi trường, danh lam thắng cảnh Biển Hồ trước ngày 30-9-2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mọi việc vẫn “dậm châm tại chỗ”, Liên danh nhà thầu là Cty CP đầu tư và xây dựng công trình 468 và Cty TNHH MTV Hoàng Hải vẫn không có một động thái nào sửa chữa, khắc phục các công trình, trả lại cảnh quan nơi đây.

Theo Baomoi.com

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới