Không chỉ có tiềm năng to lớn về thủy điện, sông Sê San còn mở ra những tour du lịch trên mặt nước đầy triển vọng.
![]() |
Ngồi thuyền độc mộc và ngắm cảnh sông nước Pô Kô mênh mông đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: P.L |
Huyện Ia Grai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái là điểm nhấn để thu hút du khách yêu thích khám phá thiên nhiên. Dòng Sê San được mệnh danh là “dòng sông điện năng” với hệ thống 6 nhà máy thủy điện (gồm các nhà máy: Thủy điện Ia Ly, Plei Krông, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Thủy điện Thượng Kon Tum), xếp thứ 3 về tiềm năng thủy điện trong cả nước. Việc ngăn dòng để làm thủy điện đã tạo nên những hồ nước nhân tạo không chỉ có đóng góp về mặt kinh tế mà còn tạo nên những cảnh quan đẹp mắt, hấp dẫn du khách. Năm 2010, Nhà máy Thủy điện Ia Ly là đơn vị tiên phong khai thác du lịch trên dòng Sê San. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những điểm đến đầy hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.
Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai) cùng với 6 đảo lớn, nhỏ cũng là một điểm nhấn đặc biệt cho bức tranh toàn cảnh du lịch của huyện vùng biên Ia Grai. Lòng hồ có diện tích khoảng 54,4 km2, đảo lớn nhất nằm giáp với xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum). Tại đây cũng đã hình thành những làng chài, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân đồng thời tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo. Thêm một thuận lợi khác là hồ trải dài khoảng 27 km từ Nhà máy Thủy điện Sê San 4 (xã Ia O) đến xã Ia Khai, đi qua các điểm du lịch hấp dẫn của huyện như: thác Mơ và bến đò A Sanh.
Du lịch sông nước vốn đã là thương hiệu của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ và gắn kết với các điểm du lịch khác trên địa bàn, sông Sê San cũng mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho loại hình du lịch sông nước của huyện Ia Grai nói riêng và Gia Lai nói chung. Vãn cảnh 2 bên bờ sông khi ngồi trên một chiếc thuyền máy hay ca nô giữa dòng nước mênh mông, nghe gió thổi ngược bên tai, lên bờ thăm thú cảnh sắc các làng Jrai, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội của cư dân bản địa là hành trình trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn đối với du khách. Từ TP. Pleiku xuôi theo tỉnh lộ 664 về Ia Grai, du khách có thể chọn dừng chân ở xã Ia Krai, đến thăm Di tích Lịch sử chiến thắng Chư Nghé-nơi từng được mệnh danh là “túi bom” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau đó khách có thể tìm đến làng Nú, nghe kể chuyện về Anh hùng A Sanh và được trực tiếp trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền độc mộc lướt trên dòng Pô Kô, thưởng thức khung cảnh đã đi vào thơ nhạc. Từ đây, du khách có thể di chuyển đến Thủy điện Sê San 3A, sau đó xuôi dòng đến tham quan thác Mơ để tận hưởng vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho nơi này. Sau khi vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại khu vực thác, du khách tiếp tục lên thuyền đi dọc theo sông đến tham quan lòng hồ Thủy điện Sê San 4 cùng với các làng chài rải rác cũng như thưởng thức những món đặc sản như cá lăng, cá cơm khô…
Rất nhiều triển vọng nhưng trên thực tế, tour du lịch sông nước Sê San chỉ đang dừng lại ở ý tưởng. Hiện các điểm du lịch của huyện Ia Grai chỉ mới được khai phá, cảnh quan vẫn còn nguyên sơ, một số nơi nếu không được tôn tạo, đầu tư bài bản sẽ rất khó thu hút du khách. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có đơn vị nào dám mạnh dạn khai thác, đầu tư, thiết kế các tour du lịch trên sông. Trao đổi với P.V, ông Lý Kỳ Chung-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai-cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch lịch sử-văn hóa. Về du lịch sinh thái, chúng tôi đang tập trung hình thành tour du lịch lòng hồ đi làng bè đến thác Mơ, ghé bến đò A Sanh (xã Ia Khai) rồi thăm di tích Lịch sử chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai); trên đường về du khách có thể ghé thăm thác Lệ Kim (xã Ia Bă)”.
Cũng theo ông Lý Kỳ Chung, huyện đang xây dựng đề án quy hoạch tổng thể du lịch trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, các điểm du lịch sẽ được đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đối với làng bè, thác Mơ, thời gian tới sẽ có một doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh đến phối hợp với huyện để xây dựng quy hoạch chi tiết và tiến hành đầu tư. Ở khu vực lòng hồ Sê San 4, người dân đã xây dựng các nhà hàng, bè nổi để phục vụ du khách. Cơ bản du lịch của huyện đã manh nha hình thành, người dân tìm đến vui chơi, tham quan các điểm du lịch nhân dịp lễ, Tết ngày càng tăng. Huyện cũng chỉ đạo các xã có các điểm du lịch hướng dẫn cho du khách vui chơi an toàn, không thu phí hay phụ thu bất kỳ khoản nào cho đến khi các điểm được quy hoạch đầu tư chi tiết, bài bản.
Phương Linh
Baogialai.com.vn