Cũng không có gì to tát khi nêu vấn đề này. Ngay từ xưa, các vùng miền ở nước ta đã có sự du nhập ẩm thực lẫn nhau, nhất là sau năm 1954 và 1975. Món giả cầy người miền Nam đều đã biết thưởng thức từ những năm 50 của thế kỷ trước và món cá lóc nấu canh chua thì người miền Bắc cũng tấm tắc khen ngon khi thay vị chua của khế, của me bằng mẻ…
![]() |
Món ngon Pleiku cũng theo chân người Phố núi du nhập sang nơi khác. Phở khô là một ví dụ. |
Thế nhưng trong bài này, người viết muốn nêu lên một vài hiện tượng du nhập và giao thoa ẩm thực trong những năm gần đây. Trước hết là việc các quán cà phê ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã du nhập kiểu phục vụ nước trà từ Sài Gòn ra. Trong đó, thời tiết vốn dĩ gần như nóng quanh năm nên người dân quen uống trà đá hay nói chính xác là… đá trà vì đá nhiều hơn trà. Mỗi sáng hoặc chiều, người dân thường tấp xe vào lề đường nhấp vội ly cà phê đá, tiếp đến là ly trà đá rồi vội vã lên xe đi ngay. Những người thảnh thơi hơn thì có thể uống cà phê cả ngày, pha nhạt hơn cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Do vậy, cái ly trà đá ở Sài Gòn nó rất thích hợp với gu ẩm thực xứ nóng miền Nam.
Gần đây, một vài quán cà phê ở Gia Lai cũng phục vụ cho khách ly trà kiểu Sài Gòn, đó có thể là chè xanh, nước đậu đỏ rang nấu hoặc trà đã qua chế biến… Mỗi lần đi uống cà phê, nhìn ly nước trà quán mang ra cứ để đó vừa nguội vừa mất hương vị, tôi lại rất muốn gọi thêm một bình trà nóng-một thói quen của riêng mình và của khá nhiều thực khách, đồng thời cũng khá phù hợp với thời tiết ở Gia Lai. Phải chăng là bởi, người dân Phố núi xưa nay không chỉ nghiện hương vị thơm ngon, đậm đà của ly cà phê phin mà họ còn nghiện không khí ở quán, quen ngồi nhìn những giọt cà phê lặng lẽ rơi vừa ngẫm ngợi về cuộc đời, quen cái ấm nóng của cốc nước trà rót từ bình sứ ra, nhìn màu trà sóng sánh tỏa hương thơm ngát.
Đi dọc các quán ở Phố núi Pleiku, chúng ta đều có thể bắt gặp những biển quảng cáo: phở gia truyền Nam Định; bánh cuốn Bắc; bún chả Hà Nội; bánh đa cua Hải Phòng…Vào tận các tỉnh phía Nam, chúng ta vẫn bắt gặp các biển quảng cáo cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì… Rõ ràng trong quá trình chuyển dịch nơi cư trú, người dân đã mang theo cả phong tục, tập quán và phong cách ẩm thực của vùng, miền, địa phương và dân tộc mình đến nơi ở mới, tạo nên sự phong phú thú vị… Thế nhưng, chính trong quá trình ấy đã có sự chọn lọc, thêm bớt để phù hợp với phong vị ẩm thực vùng đất mới. Chẳng hạn như trên bàn ăn quán phở Bắc bây giờ không chỉ có thêm mỗi đĩa bột canh như nguyên gốc mà đã thêm đĩa rau đủ loại gồm xà lách, ngò gai, húng quế… cùng các loại gia vị khác như tương đen, tương ớt, tỏi ngâm, chanh, giá trụng… Cũng nói thêm là phở ở các tỉnh phía ngoài du nhập vào đây có thêm tên phở Bắc chứ ngoài đó phở là phở, không Bắc-Nam chi cả!
Món ngon Pleiku cũng theo chân người Phố núi du nhập sang nơi khác. Phở khô là một ví dụ. Vào Sài Gòn bây giờ đã có không ít các quán phở khô đề biển: Phở khô Gia Lai. Cũng lạ! Ăn phở khô kiểu này có đến 2 tô: một tô đựng bánh phở và có thịt băm nhỏ bày bên dưới, tô kia nước dùng nóng hôi hổi, bên trong là thịt bò thái mỏng, ăn vào ngọt lịm! Thế nhưng “du” thì dễ nhưng “nhập” cũng khó khăn. Chuyện là có lần đãi khách, tôi đã cẩn thận hướng dẫn cách ăn: Này là đặt tô nước bên trái, tô phở bên phải. Sau khi nặn chanh vào tô nước và cho thêm ít tương đen, nước tương vào tô bánh phở, anh trộn lên rồi cứ thế ăn, chốc chốc lại dùng thìa bên tay trái để dùng tô nước thịt. Vậy mà sau một hồi lưỡng lự, anh bạn bưng tô nước dùng có thịt đổ ập vào tô bánh phở, vậy là phở 2 tô trở thành phở 1 tô. Anh cười, lắc đầu: Thế này cho dễ chứ khó ăn quá!
Trải qua quá trình phát triển, ẩm thực càng trở nên đặc sắc sau khi có sự du nhập và liên tục đổi mới để phù hợp với khẩu vị người dân, kể cả các loại ẩm thực nước ngoài sau khi vào Việt Nam cũng đã được Việt hóa mà bánh mì, mì hoành thánh… là minh chứng. Hiện nay, trong du lịch thì ẩm thực là một điều kiện không thể thiếu nếu muốn phát triển ngành “công nghiệp không khói” này! Được biết, phở Việt Nam đã quen thuộc với người dân hàng chục nước và được bầu chọn là một trong các món ngon của thế giới. Do vậy, song song với việc cải tiến, dung hòa các loại ẩm thực địa phương thì nên đầu tư quảng bá nền ẩm thực đại diện cho Việt Nam ra nước ngoài.
Thanh Phong
Baogialai.com.vn