Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiĐưa cà phê ra thị trường thế giới

Đưa cà phê ra thị trường thế giới

Việt Nam đang vươn lên thành một “quốc gia cà phê” trên thế giới. Nói “quốc gia cà phê”, trước hết là nói về lượng người Việt uống cà phê. Số lượng ấy có tăng qua hàng năm, tuy chưa lớn, vì sự lựa chọn của lớp trẻ bây giờ không phải chỉ là cà phê. Nhiều loại đồ uống khác vẫn lôi cuốn họ. Vì thế, tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam hàng năm là một chủ trương đúng. Thị trường hơn 90 triệu dân trong nước là một thị trường lớn, đồ uống từ cà phê phải giành cho mình một thị phần xứng đáng.

Việt Nam đang vươn lên thành một “quốc gia cà phê” trên thế giới. (ảnh internet)
Việt Nam đang vươn lên thành một “quốc gia cà phê” trên thế giới. (ảnh internet)

Còn cà phê xuất khẩu? Lâu nay, cà phê Việt vẫn xuất thô là chính, khối lượng hàng hóa lớn mà tiền thu về lại nhỏ. Nay thì nhiều đơn vị xuất khẩu đã chuyển hướng sang chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm cà phê trực tiếp đến với người tiêu dùng quốc tế. Xuất khẩu cà phê như thế gọi là xuất khẩu tăng trưởng. Vì càng tạo ra nhiều sản phẩm cà phê chế biến sâu có chất lượng thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này càng lớn, nông dân cũng sẽ có ý thức hơn để trồng được cà phê sạch, tiến tới trồng cà phê organic. Con đường đến với những thị trường lớn và khó tính trên thế giới sẽ mở ra rộng hơn, chủ yếu do chất lượng cà phê Việt Nam đã tăng lên, chứ không chỉ dựa vào các hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết và có hiệu lực. Có hiệp định mới là điều kiện cần, còn chất lượng sản phẩm cà phê đa dạng chính là điều kiện đủ cho sản phẩm cà phê Việt Nam đường hoàng chiếm vị trí ngày càng cao trên thị trường thế giới.

Gia Lai năm nay tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam, vừa quảng bá văn hóa thưởng thức cà phê cho đồng bào mình, vừa giới thiệu sản phẩm cà phê của tỉnh và của Việt Nam tới bạn bè thế giới. Những “Festival cà phê” như thế rất có lợi cho chủ nhà, dù là cấp tỉnh hay quốc gia. Làm tốt những lễ hội cà phê chính là một kênh quảng bá hiệu quả sản phẩm cà phê tới người tiêu dùng.

Song song với đó, rất cần quảng bá những bài báo khoa học của thế giới viết về lợi ích của việc uống cà phê hàng ngày đối với sức khỏe. Người tiêu dùng bây giờ rất thông minh, họ cần biết những thông tin về lợi ích của cà phê cho sức khỏe, chứ không chỉ uống cà phê cho ngon miệng hay theo thói quen.

Hiện nay, rất nhiều quán cà phê trong nước đã mua máy rang xay cà phê, tuyển chọn nguyên liệu chất lượng, mục đích là cạnh tranh bằng chính chất lượng của ly cà phê. Điều đó tạo thuận lợi rất nhiều để những nhà sản xuất tuyển chọn và chế biến cà phê tìm hiểu cái “gu” của người thưởng thức.

Xem ra, cà phê là loại đồ uống đặc biệt có văn hóa cao, vì thế, phải dùng văn hóa để ứng xử với nó. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng xuất khẩu cà phê ra thế giới, thì trước hết, phải tự trang bị văn hóa cà phê cho mình. Phải đi từ ly cà phê cụ thể tới những con số xuất khẩu hay kim ngạch tính bằng tỷ USD, chứ không phải ngược lại.

Chính từ việc sở đắc văn hóa cà phê, những nhà sản xuất và nhà xuất khẩu mới tìm ra được con đường “chính ngạch” đưa cà phê Việt Nam ra thế giới. Những nhà sản xuất sẽ kiên quyết không thu hái cà phê non hoặc chưa đủ độ chín, không dùng hóa chất chăm bón cây cà phê, biết đưa sản phẩm cà phê thô của mình tới tầm cao về chất lượng. Và nhà kinh doanh sẽ tìm những phương pháp ngay lành nhất để chế biến cà phê, bảo đảm sự thơm ngon của từng ly cà phê. Đó chính là con đường thẳng đưa cà phê Việt tới với thị trường thế giới trong thế chủ động và sòng phẳng.

Cà phê luôn là một sản phẩm có độ biến động lớn về giá cả trên thị trường thế giới, vì thế, không chỉ tiếp nhận và xử lý thông tin mà còn qua thông tin để nắm được “gu” tiếp nhận cà phê của từng thị trường khác nhau. Chỉ linh hoạt và vững vàng như vậy mới tránh được sự bị động hay lối làm ăn chụp giật xa lạ với thị trường của thế giới văn minh.

THANH THẢO

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới