Thời gian qua, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người trồng điều trên địa bàn cải thiện năng suất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Nỗ lực cải thiện năng suất
Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đức Cơ-cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 25 ngàn ha điều. Nhiều diện tích điều trồng trên đất dốc, thiếu nước tưới, cộng với việc người dân chủ yếu sử dụng các giống điều cũ và ít đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất thấp, trung bình chỉ đạt từ 8 tạ đến 1 tấn hạt/ha.

Trước thực trạng trên, năm 2023, huyện đã triển khai đề án “Nâng cao năng suất và giá trị cây điều huyện Đức Cơ đến năm 2030”. Để thực hiện đề án, mỗi năm, huyện xuất ngân sách hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân về vật tư nông nghiệp và kỹ thuật canh tác điều theo hướng VietGAP trên diện tích 100 ha điều sẵn có. Kết quả, sau 3 năm, năng suất trung bình cây điều của các hộ tham gia đề án đạt trên 1,2 tấn/ha, cao hơn 2 tạ so với trước.
Ông Lưu Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang-cho biết: Toàn xã có gần 1.440 ha điều. Sau khi triển khai đề án, xã có 182 hộ tham gia với diện tích 96 ha. Nhờ được hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP nên năng suất điều bình quân của các hộ đạt trên 1,2 tấn/ha, cao hơn 2-3 tạ so với các hộ không tham gia đề án.

Bà Rơ Lan Liễu (làng Gào, xã Ia Lang) phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 5 sào điều, trước đây thu chưa đến 5 tạ/năm. Năm 2024, được xã hỗ trợ 4 tạ phân bón các loại, gia đình chăm bón và mạnh dạn đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để xử lý sâu bệnh. Do đó, mặc dù thời tiết lạnh kéo dài và sương muối nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái của vườn điều vẫn đạt cao. Vụ này, gia đình tôi thu được hơn 6 tạ.
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
Bên cạnh nâng cao năng suất cây điều, huyện Đức Cơ cũng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hạt điều và xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm chế biến từ hạt điều. Đến nay, huyện đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hạt điều; 2 hộ có sản phẩm chế biến từ hạt điều được chứng nhận OCOP 3 sao.
“Thông qua các chuỗi liên kết này có 4.184 ha điều của người dân được các doanh nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP, hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, đã có 4.000 ha được chứng nhận hữu cơ, 175 ha đang chăm sóc theo hướng VietGAP (chưa được chứng nhận), các sản phẩm đều được bao tiêu ổn định. Ngoài ra, các hộ chế biến hạt điều có sản phẩm được chứng nhận OCOP cũng tham gia tích cực trong việc bao tiêu sản phẩm hạt điều thô cho người trồng điều trên địa bàn huyện”-ông Tư cho biết thêm.
Ông Trần Đình Hà-Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ và dịch vụ môi trường BDB Cao Nguyên (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thông tin: Công ty hiện đang liên kết với 182 hộ tại xã Ia Lang để trồng và tiêu thụ sản phẩm hạt điều. Từ khi triển khai chuỗi liên kết, Công ty phối hợp với địa phương cấp phân bón theo định mức huyện hỗ trợ; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc điều theo hướng VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường. Đặc biệt, năm nay, giá thu mua điều cao hơn so với năm ngoái nên người dân đạt lợi nhuận khá.
Tương tự, bà Phí Thị Nụ (thôn Ia Lâm Tốk, xã Ia Krêl) chia sẻ: Được huyện hỗ trợ, đến nay, gia đình tôi đã có 2 sản phẩm chế biến từ hạt điều được chứng nhận OCOP 3 sao. Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ quảng bá nên sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn. Hiện mỗi năm, gia đình tiêu thụ gần 200 tấn hạt điều thô cho người dân trên địa bàn. Thời gian tới, tôi tiếp tục xây dựng chứng nhận OCOP cho sản phẩm Hạt điều sấy nguyên vị; đồng thời, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường tỉnh Bình Phước để tiêu thụ.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đức Cơ nhấn mạnh: Thực tế, nhiều hộ chưa có sự đầu tư về nước tưới và phân bón nên năng suất cây điều vẫn còn thấp.
Thời gian tới, huyện sẽ vận động các hộ chuyển đổi diện tích điều thiếu nước tưới, già cỗi sang trồng các cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, huyện tiếp tục duy trì đề án để hỗ trợ người dân vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đối với các diện tích điều còn lại.
“Tới đây, khi giải thể cấp huyện, đề án này vẫn sẽ tiếp tục được duy trì thông qua việc đưa về cấp xã triển khai. Qua đó, giúp người trồng điều nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập”-ông Tư khẳng định.
HỒNG THƯƠNG / Nguồn: Báo Gia Lai