Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựDùng nhục hình, sửa hồ sơ để kết tội

Dùng nhục hình, sửa hồ sơ để kết tội

Pháp luật quy định chặt chẽ quá trình tố tụng hình sự nhưng vẫn còn những trường hợp ép bằng được để kết tội.

Chuyên gia cho rằng, muốn phòng chống oan, sai phải có chế tài ngăn chặn việc “lính thiếu trách nhiệm kiểu lính, sếp thiếu trách nhiệm kiểu sếp”.

Ðến chết vẫn “hận đời oan trái”

“Trong tù, anh tôi xăm chữ “hận đời oan trái” và bảo bao giờ được minh oan mới xóa. Được tự do, chúng tôi rất bế tắc vì bị mang tiếng giết bố, anh tôi định dạm ngõ với người yêu nhưng bên nhà chị nói thằng ấy giết bố nên không cho cưới. Lúc chị ấy lấy người khác, anh tôi dùng dao cứa cổ tự tử, may tôi nhìn thấy cản lại và con dao cứa vào tay tôi khiến 3 ngón giờ vẫn không cử động được. Anh ấy mất năm 2004 vì bệnh tật, không kịp xóa mấy chữ hận đời trên ngực”.

Đây là câu chuyện của Trịnh Huy Dương kể về việc mình cùng anh trai Trịnh Công Hiến (ở Tuần Giáo, Điện Biên) bị TAND tỉnh Lai Châu (cũ) tuyên án về hành vi giết bố đẻ. Trong vụ, mẹ 2 người là bà Đặng Thị Nga cũng bị bắt, ban đầu về hành vi giết chồng nhưng sau kết án về hành vi che giấu tội phạm do không khai báo việc 2 con giết bố. Vụ án được luật sư Phạm Huỳnh Công, thời điểm đó là kiểm sát viên VKSND Tối cao chỉ ra oan và gia đình anh Dương được tự do.

Năm 2017, TAND tỉnh Điện Biên đã tiến hành xin lỗi gia đình nhưng lúc đó, anh Trịnh Công Hiến đã mất. Đến nay, anh Dương và người nhà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường oan sai như quy định dù theo anh: “Gia đình vì vụ án mà tan nát. Tôi chán đời, bỏ đi 10 năm tới khi em trai vào đại học mới tìm thấy. Giờ chúng tôi chỉ muốn có chút tiền để mẹ an hưởng lúc xế chiều”.

Vụ án của gia đình anh Dương là một trong số nhiều vụ được minh oan gần đây và có vụ chỉ mới diễn ra. Gần đây, tháng 9/2019, TAND tỉnh Hà Giang phải xin lỗi công khai các ông Phạm Viết Xuân, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Mèo Vạc và Hoàng Nam Khánh, kiểm lâm viên vì trước đó đã kết án oan 2 người về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Mẹ con bà Đặng Thị Nga, Trịnh Huy Dương bị kết tội oan giết chồng, giết cha.

Theo báo cáo từ Ủy ban Tư pháp Quốc hội, năm 2019, có 6 trường hợp Viện KSND truy tố oan dẫn tới tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 88 trường hợp bị truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt… Tháng 4/2020, VKSND Tối cao ra chỉ thị số 05/2020 cũng nêu rõ, hoạt động công tố còn hạn chế, vẫn để xảy ra trường hợp khởi tố sau đó phải đình chỉ điều tra do không phạm tội; còn trường hợp truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội hoặc không đúng tội danh.

Oan vì những sai phạm trong điều tra

Trong vụ án của gia đình anh Trịnh Huy Dương nói trên, 3 mẹ con anh đều khẳng định bị đánh đập tàn bạo trong trại giam để ép phải nhận tội. Thậm chí, 3 em của anh Dương cũng bị đánh, ép phải nói mẹ cùng các anh giết bố và việc này chỉ chấm dứt khi kiểm sát viên vào cuộc. Tương tự, những vụ án oan của các ông Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang), họ đều khẳng định bị ép cung, nhục hình tới mức phải nhận tội trong giai đoạn điều tra.

Ông Hàn Đức Long bị đánh phải nhận tội ở giai đoạn điều tra nhưng ra tòa kêu oan.

Pháp luật hình sự, nghị quyết của Quốc hội nghiêm cấm hành vi bức cung, nhục hình và xử lý nếu có nhằm phòng chống oan, sai. Tuy nhiên, các số liệu tư pháp thể hiện, việc bức cung, dùng nhục hình ở nước ta vẫn tồn tại. Giai đoạn 2012 – 2016, có 21 điều tra viên hoặc kiểm sát viên bị xét xử trong các vụ án liên quan bức cung, dùng nhục hình.

Hồ sơ các vụ án oan cũng chỉ rõ nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra dẫn tới xử lý vụ việc thiếu khách quan. Bản án giám đốc thẩm vụ ông Hàn Đức Long nêu, điều tra viên đã tự ý bỏ ra ngoài hồ sơ 49 bút lục gồm cả bản cung của ông Long và nhiều tài liệu, chứng cứ khác. TAND tỉnh Phú Yên cũng chuẩn bị xét xử trung tá Nguyễn Việt Cường vì tự ý viết thêm vào bản cung, bản tự khai trong một vụ án ma túy nhằm đổ tội cho một phụ nữ. Kết quả, người này bị kết án oan 7 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Oan, sai vì bệnh thành tích

Đánh giá về tình trạng oan, sai nói chung, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật Công an TP Hà Nội cho rằng: “Hiện tượng này có thật và là câu chuyện lâu dài ở cả Việt Nam cũng như các nước tiên tiến với nền tư pháp dày kinh nghiệm trên thế giới”. Về nguyên nhân, ông Hùng cho rằng có yếu tố khách quan từ bị can, bị cáo… thậm chí cả báo chí khi: “Tòa chưa xử nhưng báo chí kết tội thay”.

Tuy vậy, ông Hùng khẳng định nguyên nhân phần lớn đến từ chủ quan của người tiến hành tố tụng, nhất là sự thiếu trách nhiệm. “Điều tra làm hời hợt, làm không hết công việc, khám nghiệm hiện trường nhưng cái cần thu giữ không thu. Phía kiểm sát không phát hiện ra thiếu sót; đánh giá chứng cứ không kỹ, đánh giá chủ quan, thậm chí suy diễn. Khâu xét xử, thẩm phán nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện”, thượng tá Hùng nói.

Ông Hùng nói thêm: “Ngược lại là thái cực có trách nhiệm “quá” khi vì động cơ thành tích phá án để ép bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm”.

Bàn về những giải pháp nhằm chống oan, sai, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho rằng cần ngăn chặn cả sự thiếu trách nhiệm lẫn vì thành tích mà làm bừa, làm ẩu của người tiến hành tố tụng. “Cần đưa ra quy trình chặt chẽ khiến điều tra viên muốn làm sai không được, lệch không xong. Với người thiếu trách nhiệm, phải có quy chế nhằm chặn việc thích làm thì làm không làm thì thôi. Cần tăng cường giám sát cả lãnh đạo, đừng để lính thiếu trách nhiệm kiểu lính, sếp thiếu trách nhiệm kiểu sếp” – ông Hùng nói.

Theo Minh Đức – Xuân Ân/Tiền Phong

Nguồn: Zing News

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới